Bất ngờ nguyên nhân khiến cặp vợ chồng trẻ hiếm muộn

Vợ chồng chị N.T.N (Hải Dương) cùng mang yếu tố bất lợi dẫn đến vô sinh: N có cơ địa polyp buồng trứng, còn chồng thì teo tinh hoàn, song đã may mắn được chữa trị để đón trái ngọt.

Săn con "tinh trùng" để thụ thai

19 tuổi chị N.T.N (Hải Dương) đã tiến đến hôn nhân, nhưng hai vợ chồng chị chờ đợi nhiều năm vẫn chưa có con. Vợ chồng chị N đã quyết định đi tìm hiểu nguyên nhân với mong muốn sớm được thực hiện thiên chức "làm cha, làm mẹ".

Các bác sĩ can thiệp vi phẫu tìm tinh trùng, mang cơ hội đến cho cặp vợ chồng trẻ hiếm muộn.

Tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, vợ chồng chị N đã bất ngờ khi biết mình sẽ không thể có con nếu không can thiệp phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng (Micro-TESE) kết hợp với thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Chính biến chứng teo tinh hoàn của căn bệnh quai bị ngày trước dẫn đến vô tinh (không có tinh trùng trong tinh dịch), đánh mất khả năng có thai tự nhiên. Các bác sĩ phải thực hiện phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro-TESE cho người chồng, sau đó tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của người vợ để tạo phôi.

ThS. BS Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Nam học cho biết: Phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro-TESE được xem là biện pháp cuối cùng để tìm tinh trùng, mang lại hiệu quả điều trị cao cho các trường hợp vô tinh. Với kỹ thuật này, các bác sĩ can thiệp vào mô tinh hoàn để lục tìm những ống sinh tinh có chứa tinh trùng thông qua kính vi phẫu có độ phóng đại lớn, tuy nhiên, đôi khi chỉ có thể tìm được một vài tinh trùng hoặc vài chục con vừa đủ để làm thụ tinh ống nghiệm.

Theo ThS.BS Trịnh Thị Thúy, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội: Polyp buồng tử cung chiếm khoảng 10-15% nguyên nhân gây vô sinh, hiếm muộn ở nữ giới. Phẫu thuật nội soi thăm dò buồng tử cung được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán, xử lý kịp thời các bệnh lý buồng tử cung, giúp tăng tỷ lệ có thai tự nhiên cũng như chuyển phôi thành công ở các cặp vợ chồng can thiệp hỗ trợ sinh sản.

Khi đã đủ phôi, những tưởng mọi việc đã "xuôi chèo, mát mái", nhưng lúc chuẩn bị niêm mạc để chuyển phôi thì bác sĩ siêu âm phát hiện những chùm polyp trong tử cung chị N. Theo nhận định của bác sĩ điều trị, đây có thể là nguyên nhân cản trở quá trình đậu thai, nên chỉ định chị nội soi thăm dò buồng tử cung kết hợp cắt bỏ polyp. Tuy nhiên, do cơ địa nhanh hình thành polyp, nên buộc các bác sĩ theo dõi chặt chẽ và xác định thời điểm chuyển phôi phù hợp trước khi polyp mới mọc lên.

Đón trái ngọt

Vượt qua những đợt điều trị vất vả, vợ chồng chị N đã thành công đón bé gái đầu lòng vào tháng 4/2020. Chị N nhớ lại: "Ngay lần đầu tiên bác sĩ nghe tim thai em bé, mình đã khóc vì hạnh phúc quá. Niềm hạnh phúc cứ lớn dần khi vợ chồng mình đón trên tay 1 sinh linh bé bỏng".

Tháng 7/2022, khi con gái đầu lòng được 3 tuổi, hai vợ chồng chị N quyết định tiếp tục chuyển phôi trữ để sinh thêm con. Tuy nhiên, lúc này N được bác sĩ thông báo "niêm mạc tử cung bị quá sản toàn bộ, polyp dày đặc buồng tử cung, tình trạng còn nhiều hơn cả lần đầu chuyển phôi". Cuộc chiến với polyp buồng tử cung một lần nữa lại bắt đầu với gia đình chị. Lần này, chị được bác sĩ chỉ định điều trị thuốc và thực hiện mổ nội soi buồng tử cung ngay trong chu kỳ để loại bỏ các chùm polyp trước khi thực hiện chuyển phôi.

May mắn, cuộc phẫu thuật nội soi thành công tốt đẹp và lần chuyển phôi này chị N đậu song thai. Quá trình thai sản "thuận buồm, xuôi gió", tổ ấm nhỏ đón thêm hai thành viên mới.

"Với vợ chồng em, hạnh phúc đến muộn màng nhưng trọn vẹn. Gia đình em luôn biết ơn các y, bác sĩ đã hết lòng mang những kỹ thuật tiên tiến để giúp cho các cặp vợ chồng hiếm muộn như nhà em sớm tìm được tiếng cười trẻ thơ", chị N xúc động chia sẻ.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bat-ngo-nguyen-nhan-khien-cap-vo-chong-tre-hiem-muon-192240428105103194.htm