Bất động sản Tây Nguyên đã bước qua giai đoạn cắt lỗ ồ ạt

Trong những tháng đầu năm 2024, thị trường Tây Nguyên ghi nhận tín hiệu tích cực với thanh khoản ghi nhận ở mức khá tốt. Trong đó, lượng giao dịch tập trung chủ yếu vào đất nền, loại hình được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng.

Thị trường bước qua giai đoạn cắt lỗ

Trong giai đoạn 2021 đến giữa năm 2022, thị trường Tây Nguyên là một điểm nóng của giới đầu cơ, lướt sóng với lượng giao dịch, mua bán, chuyển nhượng ở mức cao. Thị trường này đã thu hút nhiều nhà đầu tư từ Hà Nội, TP HCM và các tỉnh lân cận về đây để đầu tư. Thời điểm đó, những lô đất lớn được sang tay liên tục để kiếm lời hoặc được đầu tư để làm homestay nhằm đón đầu sự phục hồi của ngành du lịch.

Tuy nhiên, cùng với sự đóng băng của thị trường bất động sản, gánh nặng tài chính do sử dụng đòn bẩy và giá bị đẩy lên cao do hoạt động đầu cơ, thị trường Tây Nguyên đã ghi nhận tình trạng cắt lỗ ồ ạt.

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) vào thời điểm giữa năm 2023, đất nông nghiệp, đất vườn thi trường này được rao bán rầm rộ với mức giá giảm từ 20 - 50% tùy loại hình và vị trí, song vẫn khó bán.

Riêng tại Lâm Đồng đã có lượng giao dịch quay trở lại nhưng vẫn giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu là giao dịch cắt lỗ, với khoảng 30% so với đỉnh sốt. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản còn hoạt động trong lĩnh vực cũng phải cắt giảm nhân sự khoảng 50% so với năm trước, cắt giảm lương 30-40% tùy cấp bậc.

 Nhiều nhà đầu tư đã phải gồng lỗ, cắt lỗ vì "ôm đất" Tây Nguyên

Nhiều nhà đầu tư đã phải gồng lỗ, cắt lỗ vì "ôm đất" Tây Nguyên

Tuy nhiên, từ quý IV/2023, thị trường bất động sản khu vực này đã có nhiều khởi sắc với lượng giao dịch tăng vọt. Toàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận có 4.140 lô đất nền giao dịch thành công. Trong đó, tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Lâm với 797 lô, huyện Lâm Hà với 753 lô, huyện Đức Trọng với 738 lô, huyện Di Linh với 429 lô.

Đến quý I/2024, toàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận có 3.811 lô đất nền giao dịch thành công. Trong đó, tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Lâm với 925 lô, huyện Đức Trọng với 679 lô, huyện Lâm Hà với 562 lô, huyện Di Linh với 383 lô,…

Tín hiệu tích cực từ xúc tiến đầu tư và chính sách pháp luật

Sự phục hồi của thị trường Lâm Đồng là một tín hiệu tích cực cho thị trường khu vực Tây Nguyên nói chung. Đặc biệt là khi chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đều đang tích cực xúc tiến đầu tư trong năm 2024.

Cụ thể, tỉnh Kon Tum đã công bố chương trình xúc tiến đầu tư, mời gọi nhà đầu tư chiến lược cả trong lẫn ngoài nước, nhất là đối với dự án quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, tập trung vào sự tiết kiệm tài nguyên và thân thiện môi trường. Tỉnh này còn dự kiến sẽ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và quy hoạch chung đô thị Kon Plông, nhằm đảm bảo chiến lược phát triển dài hạn.

Hiện, danh mục đầu tư của Kon Tum giai đoạn 2021-2025 gồm 69 dự án nông, lâm nghiệp; 14 dự án công nghiệp; 43 dự án văn phòng - thương mại - dịch vụ - du lịch; 31 dự án phát triển đô thị.

 Thị trường Tây Nguyên ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ với một số thị trường mới được khai phá.

Thị trường Tây Nguyên ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ với một số thị trường mới được khai phá.

Tương tự, Đắk Nông cũng vừa công bố danh mục dự án thu hút đầu tư năm 2024 với tổng vốn 3.045 tỷ đồng, trong đó có 17 dự án. Ngoài ra, tỉnh còn đề xuất rà soát, hoàn thiện pháp lý để thu hút đầu tư cho 44 dự án tiềm năng ở giai đoạn tiếp theo, tổng vốn ước khoảng 290.279 tỷ đồng.

Còn tại Lâm Đồng, tỉnh này đang thúc đẩy xúc tiến đầu tư từ các nhà đầu tư lớn trong nước trong năm 2024. Mặt khác, Lâm Đồng tiếp tục mời gọi đối tác nước ngoài có tiềm lực tài chính và công nghệ cao. Tỉnh cho biết đặc biệt ưu tiên những tập đoàn đa quốc gia liên kết cùng doanh nghiệp trong nước hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.

Ngoài sự tích cực của chính quyền, nhiều chuyên gia nhận định động lực giúp thị trường bất động sản Tây Nguyên ổn định, phát triển trong năm 2024 và tương lai, chính là nhờ vào chính sách và quy hoạch từng tỉnh. Đặc biệt động lực này còn liên quan đến các luật quan trọng như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi được thông qua, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025. Trong đó việc được sử dụng đất nông nghiệp - loại đất phổ biến tại Tây Nguyên cho nhiều mục đích, sẽ tạo ra sự phát triển đột biến tại thị trường này.

An Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bat-dong-san-tay-nguyen-da-buoc-qua-giai-doan-cat-lo-o-at-post288772.html