Bất động sản nghỉ dưỡng có thể giữ đà giảm đến hết năm 2024

Nguồn cung của biệt thự, nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng vẫn đang tiếp tục đà giảm. Chỉ duy nhất loại hình condotel có sự gia tăng nguồn cung, nhưng mức tiêu thụ vẫn đang khá bi đát.

Theo báo cáo thị trường bất động sản quý I/2024 do DKRA Group công bố mới đây, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa ghi nhận được dấu hiệu tích cực nào cho thấy sự phục hồi trong thời gian tới.

Trong đó, loại hình biệt thự nghỉ dưỡng ghi nhận nguồn cung từ 59 dự án (2 dự án mới) với 2.123 căn, giảm 8% so với cùng kỳ. Nguồn cung của loại hình này tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung và miền Nam, chiếm 82% tổng nguồn cung cả nước. Ghi nhận quý vừa qua, hàng loạt dự án đã phải ngừng triển khai do vướng pháp lý khiến lượng hàng tồn kho tăng mạnh, trong khi đó nguồn cung mới liên tục sụt giảm, chỉ chiếm khoảng 5% tổng nguồn cung cả nước.

Tình hình phân bổ nguồn cung, tiêu thụ và giá bán của biệt thự nghỉ dưỡng trong quý I/2024 (Ảnh: DKRA Group)

Sức cầu chung thị trường với biệt thự nghỉ dưỡng ở mức thấp, lượng tiêu thụ ghi nhận chỉ có 69 căn, giảm 15% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức thấp nhất trong một thập kỷ qua. Phần lớn giao dịch tập trung ở những dự án có mức giá bán dưới 10 tỷ đồng/căn, có pháp lý hoàn thiện và tiến độ thi công đảm bảo.

Mặt bằng giá bán sơ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang. Các chính sách cam kết/chia sẻ lợi nhuận/doanh thu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc vẫn được áp dụng rộng rãi nhằm gia tăng thanh khoản. Trong khi đó, thị trường thứ cấp ghi nhận mức giá giảm trung bình 15% - 20% so với giá hợp đồng. Đáng chú ý có những dự án giảm sâu đến 40-50% tuy nhiên vẫn gặp khó khăn trong thanh khoản.

Tương tự với loại hình nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, nguồn cung tiếp tục sụt giảm. Trong đó có hơn 97% nguồn cung sơ cấp đến từ lượng hàng tồn kho của những dự án cũ. Đáng nói, sức cầu chung thị trường giảm đáng kể, mức giảm lên tới 88% so với cùng kỳ khi chỉ có 27 căn được tiêu thụ.

Giao dịch cũng tập trung ở nhóm sản phẩm có pháp lý hoàn thiện, tiến độ xây dựng đảm bảo với mức giá bán trung bình từ 8 - 10 tỷ đồng/căn. Giá bán của loại hình này cũng có xu hướng đi ngang dù nhiều chính sách ưu đãi tiếp tục được áp dụng.

Nguồn cung nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng tập trung tại miền Trung và miền Nam

Tại thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, chỉ duy nhất loại hình condotel ghi nhận nguồn cung tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên nguồn cung chủ yếu vẫn đến từ lượng hàng tồn kho của những dự án cũ (chiếm hơn 98%). Trong khi đó nguồn cung mới có xu hướng giảm do những rào cản pháp lý cũng như sự trì hoãn triển khai của nhiều chủ đầu tư trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên, condotel cũng không thoát ra khỏi khó khăn chung của thị trường khi sức cầu ghi nhận mức thấp nhất trong 5 năm qua. Lượng tiêu thụ trong quý I/2024 tương đương 35% so với cùng kỳ. Hầu hết các dự án đều có tình hình bán hàng chậm, 90% dự án không ghi nhận phát sinh giao dịch trong quý.

Mặt bằng giá sơ cấp không biến động so với cùng kỳ và vẫn neo ở mức cao do chi phí đầu vào cao. Mặc dù ngành du lịch có những tín hiệu tích cực tuy nhiên việc nhiều dự án không tiếp tục chi trả lợi nhuận, hiệu quả khai thác ở mức thấp khiến nhà đầu tư dần mất niềm tin,… Từ đó khiến thị trường tiếp tục trầm lắng và chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn.

Condotel là loại hình duy nhất ghi nhận sự gia tăng nguồn cung, nhưng tỷ lệ tiêu thụ vẫn sụt giảm đáng kể so với cùng kì

Dự báo trong quý II/2024, DKRA Group cho rằng nguồn cung condotel sẽ tiếp tục tăng nhẹ, phân bổ chủ yếu tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Ninh. Còn với biệt thự nghỉ dưỡng và nhà phố/shophouse cũng không có biến động nhiều về nguồn cung.

Đáng nói, sức cầu chung thị trường được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp. Đà giảm có thể kéo dài đến hết năm 2024 và chưa có dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của thị trường này trong ngắn hạn. Mặt bằng giá bán sơ cấp sẽ duy trì sự ổn định, khó có những biến động mạnh về giá trong quý II/2024.

Lê Phong

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bat-dong-san-nghi-duong-co-the-giu-da-giam-den-het-nam-2024-post291376.html