Bất động sản nam Hà Nội - đích ngắm mới của giới đầu tư

Khi bất động sản trung tâm Hà Nội liên tục tăng mạnh, nhà đầu tư mở rộng vùng tìm kiếm sang các khu vực vùng ven. Trong bối cảnh đó, Thường Tín nhanh chóng trở thành cái tên được chú ý nhờ chuẩn bị lên quận, cùng hàng loạt quy hoạch lớn.

Cửa ngõ công nghiệp phía nam Thủ đô

Thường Tín là vùng đất giàu tiềm năng, đã và đang chuẩn bị đón nhận làn sóng đầu tư để trở thành trung tâm phát triển, tỏa sáng khu vực cửa ngõ phía nam Thủ đô. Bản thân Thường Tín có nền tảng tập trung nhiều cụm công nghiệp và gần các trục giao thông huyết mạch, tạo động lực đẩy mạnh phát triển kinh tế bền vững.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn, ông Bùi Công Thản, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, từng cho biết, hiện 11 CCN trên địa bàn thu hút khoảng 800 doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh vào hoạt động.

Chính việc phát triển cụm công nghiệp đã đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người lao động, năm 2023, Thường Tín tiếp tục xây dựng, mở rộng 3 cụm công nghiệp mới.

Cao tốc, sân bay thúc đẩy đà tăng trưởng

Không chỉ là thu hút nhiều cụm công nghiệp, trong quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 huyện Thường Tín sẽ lên quận và trở thành cửa ngõ phía nam Hà Nội. Hiện đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cũng đề xuất quy hoạch thành phố phía Nam.

Trong chiến lược trở thành quận cửa ngõ kết nối giữa thành phố phía Nam và trung tâm Thủ đô, hạ tầng giao thông Thường Tín thời gian qua đã có những bứt phá vượt bậc. Đi qua Thường Tín là tuyến cao tốc huyết mạch Bắc Nam Pháp Vân - Cầu Giẽ và quốc lộ 1A. Hai tuyến đường này được xem là khớp nối quan trọng, là vòng xuyến trung chuyển Bắc Nam, kết nối phía Nam với Thủ Đô và các tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Một góc huyện Thường Tín. Ảnh: Trường Sơn Land

Cùng với những tuyến cao tốc này, vành đai 4 sẽ là trục phát triển quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Thường Tín khi có chiều dài 58,2km, đi qua 7 quận huyện gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và quận Hà Đông. Năm 2024, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là một trong những dự án trọng điểm quốc gia được thành phố tập trung triển khai.

Không chỉ sở hữu cao tốc, Thường Tín còn đón sân bay thứ 2 của Thủ đô sắp được xây dựng. Theo Tờ trình gửi HĐND thành phố để xem xét, thông qua Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065, Cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô sẽ nằm tại khu vực phía Nam của trục cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5B, giữa cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 1A, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, đường sắt Thống nhất Bắc - Nam và trục giao thông kinh tế phía Nam. Khi sân bay thứ 2 của Thủ đô được xây dựng sẽ nằm ngay sát Thường Tín, các chuyên gia đánh giá sẽ tạo động lực phát triển kinh tế cho toàn khu vực này.

Tiềm năng phát triển bất động sản

Với những lợi thế phát triển công nghiệp, hạ tầng, quy hoạch, các chuyên gia đánh giá, thị trường bất động sản Thường Tín sẽ là cực tăng trưởng trong thời gian tới. Đặc biệt, giá nhà đất tại Thường Tín sẽ có cơ hội bứt phá khi sắp lên quận, tương tự câu chuyện tăng giá tại các thị trường bất động sản khi chuẩn bị lên quận như Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức vài năm trở lại đây.

Phân khúc nhà thấp tầng tại Thường Tín “hút” giới đầu tư. Ảnh: Trường Sơn Land

Còn nhớ cách đây 5 năm, bất động sản Hoài Đức là khu vực ít người mua nhà nghĩ tới. Tuy nhiên, thông tin lên quận cùng sự bứt phá của hạ tầng giao thông đã khiến khu vực này bỗng trở thành “điểm nóng” tăng giá bất động sản.

Sự tăng giá tại Đông Anh, Gia Lâm cũng tương tự khi xuất hiện loạt ông lớn đổ bộ về đây khiến giá bất động sản tăng 50 - 100% chỉ trong vòng 5 năm. Tại Đông Anh, giá liên tục tăng gấp đôi kể từ năm 2019. Những khu vực xa như huyện Gia Lâm giá biệt thự cũng chạm ngưỡng 200 - 250 triệu triệu đồng/m2, giá chung cư ở ngưỡng 60 - 70 triệu đồng/m2.

Trong khi các khu vực vùng ven Hà Nội đã tăng giá thì khu nam Hà Nội dường như chậm chạp hơn. Đặc biệt, giá bất động sản tại Thường Tín vẫn được xem ở mức thấp. Điển hình như dự án Him Lam Thường Tín cũng chỉ neo ở ngưỡng trên 100 triệu đồng/m2 đối với phân khúc nhà thấp tầng, shophouse. Giá bất động sản quanh khu vực trung tâm Thường Tín vẫn tăng khá chậm dù cơn sốt nóng bất động sản Hà Nội vẫn đang rầm rộ trở lại.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, nếu như khu tây phát triển mạnh mẽ giai đoạn 2010, khu đông tăng tốc mạnh nhất giai đoạn 2020 thì 2030 sẽ là khu vực phía nam với hàng loạt những quy hoạch mang tính chiến lược, tạo đột phá cho tương lai.

Xét toàn thị trường khu nam, Thường Tín đang là vùng hiếm của Hà Nội khi giá bất động sản còn ở mức thấp. Trong thời gian tới, khu vực này hứa hẹn có sự thay đổi rõ rệt, mặt bằng giá sẽ gia tăng khi hạ tầng được đầu tư. Cùng với phát triển hạ tầng, giá bất động sản ở Thường Tín hứa hẹn “bứt tốc”, tạo thế cân bằng với các khu vực khác của Hà Nội.

Thanh Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bat-dong-san-nam-ha-noi-dich-ngam-moi-cua-gioi-dau-tu-2275206.html