Bất động sản La Gi vào cơn sốt, giá đất tăng mạnh mỗi ngày

Các lực đẩy cơ sở hạ tầng, nâng cấp hành chính cộng hưởng khiến bất động sản La Gi lên cơn sốt, đưa giá đất thay đổi mỗi ngày.

Các lực đẩy cơ sở hạ tầng, nâng cấp hành chính cộng hưởng khiến bất động sản (BĐS) La Gi lên cơn sốt, lượng khách từ Sài Gòn và Hà Nội nhộn nhịp chưa từng có, đưa giá đất thay đổi chóng mặt mỗi ngày.

Mặt bằng giá liên tục tăng

Những ngày cuối năm, trên Bến Chương Dương, Lê Minh Công – những tuyến đường tập trung nhiều dự án lớn tại La Gi đã có hàng chục bảng quảng cáo, rao bán đất hay các dịch vụ tư vấn, môi giới BĐS. Cách nhau vài mét là các điểm tư vấn luôn có vài người túc trực để chào bán, giới thiệu về các lô đất cần bán.

Theo khảo sát, giá đất còn mềm nhất tại La Gi ở khu vực 3 xã Tân Tiến – Tân Phước – Tân Bình đã tăng gấp đôi so với hồi đầu năm, đất nông nghiệp quy mô lớn tăng từ 5 – 7 tỷ/ha đến 12 – 17 tỷ/ha, chỉ trong vài tháng. Giá đất quanh đường Lý Nam sang tay từ 100 triệu/mét dài lên 170 triệu/mét dài sau dịch. Mặt tiền Nguyễn Chí Thanh giá 200 triệu/mét dài, nay tăng mạnh lên 600 triệu/mét dài.

Trên trục đường Lê Công Minh, giá cũng tăng khá mạnh, đoạn từ Lê Công Minh tới dự án De Lagi giá từ 12 – 18 triệu/m2; đoạn tiếp theo tới dự án Lagisan có giá 18 – 25 triệu/m2. Càng về gần cảng cá La Gi quỹ đất sót lại càng hiếm. So với trước giãn cách, giá đất khu vực này tăng gấp đôi.

Khu vực đất biển gần cảng La Gi, giá lên đến 80 triệu/m2

Khu vực đất biển gần cảng La Gi, giá lên đến 80 triệu/m2

Giá đất tăng mạnh nhất La Gi thuộc trung tâm đường Thống Nhất, đường Bến Chương Dương ở khu vực gần cảng cá. Khảo sát sơ bộ, đất mặt tiền Thống Nhất đang ở mức 50 – 80 triệu/m2, đất khu vực cảng cá cán mức 60 – 80 triệu/m2, tăng gấp 3 so với năm trước.

Hàng loạt lực đẩy cho bất động sản La Gi

Theo Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, hiện không có thị trường BĐS nào hội tụ nhiều yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” như La Gi, không khó hiểu khi BĐS La Gi lên cơn sốt, giá đất thay đổi từng ngày.

Thứ nhất, Tỉnh ủy Bình Thuận đã đồng ý lộ trình nâng cấp thị xã La Gi trở thành thành phố trực thuộc tỉnh và nâng cấp, mở rộng các tuyến đường quan trọng, theo lãnh đạo địa phương, La Gi là địa bàn quan trọng trong phát triển kinh tế Nam Bình Thuận và kết nối với Bà Rịa – Vũng Tàu.

Thứ hai, các công trình hạ tầng giao thông có lợi cho sự phát triển của La Gi được đồng loạt triển khai, trọng điểm là cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết. La Gi sẽ được hưởng lợi nhiều nhất nhờ sở hữu vị trí ngay cửa ngõ Bình Thuận, nơi đầu tiên cao tốc chạy qua trước khi tới Kê Gà, Mũi Né, Phan Thiết.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang hoàn thành gia cố, chuẩn bị bê tông nhựa

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang hoàn thành gia cố, chuẩn bị bê tông nhựa

Bình Thuận đang gấp rút triển khai hai trục đường kết nối từ cao tốc đến QL1A rồi tiếp tục đi thẳng đến La Gi theo QL55 hoặc đường song song QL55. Khi hoàn thành, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM về La Gi còn 1,5 giờ; từ sân bay Phan Thiết hoặc sân bay Long Thành về La Gi còn 1 giờ. Sân bay Long Thành và sân bay Phan Thiết cũng đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai, hứa hẹn mang hàng triệu du khách miền Bắc và quốc tế đến La Gi, nguồn thu du lịch tăng mạnh.

Sắp tới, La Gi cũng sẽ đón hàng loạt siêu dự án, biến Nam Bình Thuận trở thành trung tâm công nghiệp lớn nhất khu vực duyên hải Nam Trung Bộ (bao gồm Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa).

Đơn cử, Becamex sẽ triển khai dự án khu công nghiệp – dịch vụ – đô thị Becamex VSIP Bình Thuận tại La Gi và Hàm Tân. Đây là dự án đầu tư liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC (Việt Nam) và các công ty do tập đoàn Sembcorp Development (Singapore) thực hiện, có quy mô lên đến 4.984 ha với tổng mức đầu tư 2 tỷ USD. Trong đó, khu công nghiệp có diện tích 2.000 ha, đại đô thị gần 3.000 ha.

Hồi tháng 9, Bộ Công Thương ký thỏa thuận liên doanh thành lập Công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Mỹ giữa tập đoàn AES và PVGas. Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ ở Hàm Tân, giáp ranh La Gi, có tổng vốn đầu tư dự kiến là 1,31 tỷ USD, công suất kho cảng là 3,6 triệu tấn/năm, dự kiến đưa vào hoạt động từ cuối năm 2025, đảm bảo cung cấp khí hóa lỏng LNG cho nhu cầu phát điện của khu vực kinh tế trọng điểm tại Nam Bộ nói riêng và cả Việt Nam nói chung.

HOÀI VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/bat-dong-san/bat-dong-san-la-gi-vao-con-sot-gia-dat-tang-manh-moi-ngay-1033057.html