Bất chấp 'vũ khí' trừng phạt kinh tế, Nga còn lâu mới bị cô lập, đây là lý do khiến phương Tây 'mắc cạn'

Các biện pháp trừng phạt từ phương Tây đối với Moscow dường như không đạt hiệu quả như mong muốn. Các số liệu đều chỉ ra rằng, nền kinh tế Nga vẫn tương đối vững chắc trước các cuộc tấn công kinh tế dữ dội.

Các số liệu thống kê đều chỉ ra rằng, nền kinh tế Nga vẫn tương đối vững chắc trước cuộc tấn công kinh tế dữ dội từ phương Tây. (Nguồn: Shutterstock)

Theo tác giả John Manning trong bài viết đăng trên International Banker ngày 1/8, mặc dù xung đột vũ trang trên thực địa chắc chắn là vấn đề tàn khốc nhất mà các quốc gia phải chịu đựng, nhưng đó không phải là hình thức xung đột duy nhất.

Ví dụ, cuộc chiến thông tin cũng tác động sâu sắc đến thế giới thông qua tuyên truyền và cách các cơ quan truyền thông ở các quốc gia truyền tải thông tin đến công chúng.

Cuộc chiến công nghệ cũng chứng kiến các nước tranh đua vị thế đứng đầu toàn cầu, cạnh tranh nhau về đổi mới và số hóa.

Nhưng có thể thấy rằng, cuộc chiến kinh tế hiện đang được tiến hành khốc liệt hơn bất kỳ thời điểm nào trong những năm gần đây và gây ra hậu quả nặng nề đối với thế giới.

Người dân bị ảnh hưởng nặng nề

Với các sự kiện diễn ra trên thế giới trong 18 tháng vừa qua (từ tháng 2/2022 khi nổ ra xung đột ở Ukraine), nhìn bề ngoài, có vẻ như các biện pháp trừng phạt kinh tế không thể tác động nhiều đến thế giới bằng các cuộc xung đột quân sự. Nhưng bằng chứng cho thấy rằng, những thiệt hại mà trừng phạt kinh tế gây ra cho người dân không hề thua kém.

Các biện pháp trừng phạt thường được áp dụng thông qua nhiều kênh khác nhau - bao gồm cấm đi lại, đóng băng tài sản, cấm vận vũ khí, hạn chế vốn, cắt giảm viện trợ nước ngoài và hạn chế thương mại - các nền kinh tế nằm trong tầm ngắm của các hình phạt này cuối cùng có thể bị suy yếu toàn diện, chứ không chỉ bị cô lập hoàn toàn khỏi cộng đồng kinh tế toàn cầu.

Một trong số các biện pháp trừng phạt tác động mạnh nhất mà các nền kinh tế “nạn nhân” phải đối mặt là những hạn chế về khả năng tiếp cận ngoại hối trong trao đổi thương mại quốc tế. Những hạn chế này thường có nghĩa là các quốc gia khó nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu hơn, bao gồm thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men. Trong khi đó, tổng thu nhập giảm thường đòi hỏi chính phủ phải cắt giảm chi tiêu cho các dịch vụ công, bao gồm giáo dục, y tế, hỗ trợ lương thực và các hình thức hỗ trợ giảm nghèo khác.

Về vấn đề này, Giáo sư Francisco R. Rodríguez tại Trường nghiên cứu quốc tế Josef Korbel, Đại học Denver (Mỹ), cho biết trong một bài báo trên Financial Times: “Mức độ thiệt hại là rất lớn. Một nghiên cứu ước tính rằng các biện pháp trừng phạt sẽ dẫn đến sự sụt giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một nước tới 26% - tương đương với mức giảm trong thời kỳ Đại suy thoái.

Một nghiên cứu khác cho thấy, các trừng phạt kinh tế khiến tuổi thọ của phụ nữ giảm 1,4 năm. Trong nhiều trường hợp, tác hại từ biện pháp trừng phạt tương tự tác hại trong các cuộc xung đột vũ trang. Do đó, các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể trở thành vũ khí nguy hiểm”.

Theo kết quả báo cáo “Hậu quả đối với con người của các biện pháp trừng phạt kinh tế”, công bố ngày 4/5/2023, do Giáo sư Rodríguez thực hiện cho Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (CEPR), mức sống của người dân giảm đáng kể và tỷ lệ tử vong cao hơn ở các quốc gia bị trừng phạt, bao gồm Afghanistan, Iran và Venezuela.

Venezuela được cho là phải chịu hệ quả nặng nề của các biện pháp trừng phạt trong những năm gần đây. Được biết đến là nước có trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới, quốc gia Nam Mỹ này là đối tượng của các biện pháp trừng phạt trong hơn một thập niên qua, thậm chí, các biện pháp đó liên tục được tăng cường kể từ năm 2014.

Một nghiên cứu của CEPR, công bố vào tháng 4/2019, do ông Mark Weisbrot, đồng Giám đốc CEPR và ông Jeffrey D. Sachs, Giáo sư kinh tế - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tại Đại học Columbia thực hiện chỉ ra rằng, các biện pháp trừng phạt đối với Venezuela đã khiến chất lượng bữa ăn của người dân giảm, tăng bệnh tật và tỷ lệ tử vong, trong khi hàng triệu người phải rời khỏi đất nước do suy thoái kinh tế và siêu lạm phát.

Trừng phạt “vô hiệu” với Nga

Trong bối cảnh đó, ngày càng có nhiều người đặt câu hỏi về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt, liệu chúng có làm suy yếu nền kinh tế của các quốc gia bị trừng phạt hay không.

Thực tế cho thấy, phần lớn các biện pháp trừng phạt liên quan đến Nga trong thời gian qua đã thất bại. Moscow còn lâu mới bị cô lập về kinh tế hoặc tài chính trên thị trường toàn cầu, như mục tiêu mong muốn của các nước áp đặt trừng phạt.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và sáp nhập các vùng Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các lệnh trừng phạt chưa từng có và trên diện rộng đối với Nga. Trước đó, từ năm 2014, quốc gia này cũng đã bị áp đặt trừng phạt liên quan tới quyết định sáp hập Crimea.

EU giải thích: “Mục đích của các biện pháp trừng phạt là tạo ra những hậu quả nghiêm trọng đối với Nga về kinh tế”.

Các biện pháp trừng phạt đã bị cản trở bởi việc Nga tăng mạnh doanh số bán dầu cho Trung Quốc và Ấn Độ. (Nguồn: nhk-maritime.com)

Nhưng việc EU ngày 23/6 tiếp tục thông qua gói trừng phạt kinh tế thứ 11 đối với Moscow khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về hiệu quả thực sự của các biện pháp trừng phạt. Chúng dường như không có tác dụng như mong muốn. Các số liệu thống kê đều chỉ ra rằng, nền kinh tế Nga vẫn tương đối vững chắc trước cuộc tấn công kinh tế dữ dội từ phương Tây.

Mặc dù quốc gia này báo cáo mức GDP âm 1,8% trong quý đầu tiên của năm 2023, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục theo hướng tăng rõ rệt. Tháng 4 và tháng 5, Nga ghi nhận tốc độ tăng trưởng dương mạnh mẽ, lần lượt là 3,3% và 5,4%.

Trong khi đó, lạm phát đã chậm lại đáng kể, chỉ còn 2,3% và 2,5%, sau khi tăng vọt lên 17,8% vào tháng 4/2022. Hơn nữa, Ngân hàng Trung ương Nga đã giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 7,5% lần thứ sáu liên tiếp trong cuộc họp tháng 6 vừa qua.

Những con số đó là dấu hiệu thuyết phục cho nhận định rằng, nền kinh tế Nga đã đạt được sự ổn định.

Một phần của khả năng phục hồi này có thể được giải thích là do bản chất không hiệu quả của các biện pháp trừng phạt, trong bối cảnh các chiêu thức nhằm “lách” và phá vỡ chúng vẫn đang được triển khai, ngay cả từ chính các quốc gia áp đặt các biện pháp này.

Theo báo cáo ngày 31/5 do công ty tư vấn rủi ro Corisk có trụ sở tại Na Uy công bố: “Trong năm 2022, ước tính thương mại gián tiếp thông qua nước thứ ba của 16 quốc gia phương Tây với Nga là 8 tỷ Euro xuất khẩu và 6 tỷ Euro nhập khẩu. Đức và Lithuania có xuất khẩu gián tiếp lớn nhất sang Nga, trong khi Đức và Pháp có nhập khẩu gián tiếp lớn nhất từ Nga”.

Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt đã bị cản trở bởi việc Moscow tăng mạnh doanh số bán hàng cho Trung Quốc và Ấn Độ.

Một báo cáo công bố vào tháng 4/2023 của Trường Kinh tế Kiev cho thấy: “Các nước châu Âu, trước là những người mua lớn nhất, giờ đây đóng một vai trò không đáng kể và đã bị thay thế gần như hoàn toàn bởi Trung Quốc và Ấn Độ, trong đó, Ấn Độ xuất hiện với tư cách là người mua mới chính trong 12 tháng qua. Trong quý I/2023, hai nước châu Á cộng lại chiếm gần 75% tổng xuất khẩu dầu thô của Nga”.

Không phải tất cả các quốc gia chịu trừng phạt đều có một ngành kinh doanh nhiên liệu khổng lồ và mạnh mẽ như trường hợp của Nga. Tuy nhiên, khi sức mạnh kinh tế của phương Tây tiếp tục suy yếu trước sức mạnh kinh tế đang lên của Trung Quốc, Ấn Độ và các cường quốc phương Đông khác, các nước ngày càng có nhiều lựa chọn thương mại hơn nhằm xây dựng các tuyến phòng thủ quan trọng để chống lại cuộc chiến kinh tế khốc liệt như vậy.

(theo International Banker)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bat-chap-vu-khi-trung-phat-kinh-te-nga-con-lau-moi-bi-co-lap-day-la-ly-do-khien-phuong-tay-mac-can-236800.html