Bất chấp căng thẳng Bắc Kinh-phương Tây, thị trường Trung Quốc vẫn hấp dẫn nhiều doanh nghiệp lớn EU

Hoạt động giao thương giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc trong những năm gần đây có xu hướng tăng, khi nhiều doanh nghiệp châu Âu đặt kỳ vọng vào thị trường có quy mô khổng lồ và giàu tiềm năng này.

Lãnh đạo L'Oreal của Pháp khẳng định, Trung Quốc là động lực tăng trưởng chiến lược của tập đoàn. (Nguồn: L’Oreál Trung Quốc)

Dữ liệu của Cơ quan Thống kê EU (Eurostat) cho thấy, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2018-2022.

Theo một phân tích của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trong nửa đầu năm 2023, Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp hàng hóa hàng đầu cho EU. Nhập khẩu các sản phẩm như điện thoại, máy tính và máy móc vào "lục địa già" đều tăng đáng kể.

Trong bối cảnh cả châu Âu và Trung Quốc cùng đồng thuận trong mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, xe điện từ quốc gia Đông Bắc Á đã nhanh chóng mở rộng sự hiện diện tại thị trường châu Âu. Ba trong số những mẫu ô tô điện bán chạy nhất ở châu Âu năm 2022 có xuất xứ từ Trung Quốc.

Thống kê chính thức cho thấy, thương mại giữa Trung Quốc và EU đạt 847,3 tỷ USD vào năm 2022, tăng 2,4% so với năm trước. Hai bên là đối tác thương mại lớn của nhau, với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong trao đổi thương mại pin lithium, xe điện, mô-đun quang điện và các sản phẩm xanh khác.

Ông Ola Kaellenius, Chủ tịch Hội đồng quản trị của hãng sản xuất ô tô Mercedes-Benz, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Automobilwoche của Đức rằng, Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, sẽ là thị trường chính trong các hoạt động tiếp thị của công ty bắt đầu từ năm 2025.

Ông Jean-Paul Agon, Chủ tịch tập đoàn L'Oreal của Pháp, trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa xã, nhấn mạnh, Trung Quốc có một thị trường mở, môi trường kinh doanh được cải thiện và các sáng kiến kích thích nhu cầu trong nước. Do đó, nước này mang đến những cơ hội mới cho thế giới và ngược lại.

Chủ tịch tập đoàn L'Oreal cũng lưu ý rằng, Trung Quốc là động lực tăng trưởng chiến lược của L'Oreal, vì nền kinh tế số 2 thế giới không chỉ là một thị trường rộng lớn, mà còn là phòng thí nghiệm của sự đổi mới, sáng tạo và là nơi thử nghiệm các phương pháp tiếp thị mới.

Sau khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn do đại dịch và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra, đã có những quan điểm cho rằng châu Âu nên có biện pháp "tách rời" hoặc "giảm thiểu rủi ro" trong liên kết kinh tế với Trung Quốc.

Liên quan đến vấn đề này, bà Belen Garijo, Giám đốc điều hành tập đoàn công nghệ - khoa học Merck của Đức, nhận định rằng, việc cắt đứt quan hệ thương mại với Trung Quốc sẽ đi kèm với chi phí kinh tế đáng kể. Bà hy vọng căng thẳng giữa Bắc Kinh và một số nước phương Tây có thể giảm bớt thông qua đối thoại.

Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn công nghệ Robert Bosch GmbH (Đức) Stefan Hartung chia sẻ trong một phỏng vấn với tờ Financial Times rằng, châu Âu không thể giảm thiểu rủi ro bằng cách tự cô lập. Thay vào đó, các nước châu lục này nên đầu tư nhiều hơn vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh.

(theo THX)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bat-chap-cang-thang-bac-kinh-phuong-tay-thi-truong-trung-quoc-van-hap-dan-nhieu-doanh-nghiep-lon-eu-238946.html