Bất an trường học

Những ngày qua, dư luận xã hội rất bức xúc trước vụ việc hai học sinh lớp 1 ở Hòa Bình nảy sinh mâu thuẫn trên lớp. Vì bênh con, 1 phụ huynh đã lao vào tận trường đánh bạn của con đến mức phải nhập viện.

Những sai phạm của vị phụ huynh bạo hành con trẻ sẽ bị cơ quan chức năng xử lý, song điều đáng buồn là cung cách xử lý kiểu “luật rừng” của người lớn đối với trẻ con lại diễn ra ngay tại cổng trường học, đã khiến cho các bậc cha mẹ cảm thấy vô cùng bất an.

Năm 2019, Bộ GDĐT đã ban hành bộ quy tắc ứng xử trong trường học để cả giáo viên, phụ huynh và học sinh điều chỉnh cách ứng xử trong cơ sở giáo dục theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Thế nhưng, thực tế rất ít cơ sở giáo dục thực hiện tốt việc này.

Văn hóa ứng xử, nhìn từ góc độ học đường thời gian qua đã được các chuyên gia phân tích sâu từ nhiều phía. Ở đó bao gồm: Ứng xử giữa thầy và trò, giữa trò và trò, giữa phụ huynh và thầy cô giáo, giữa phụ huynh với học sinh. Tựu trung, nó chính là tam giác liên kết chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường và xã hội cần phải có.

Ở thời điểm đầu năm học 2019- 2020, năm học đầu tiên Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên do Bộ GDĐT ban hành chính thức có hiệu lực.

Trả lời câu hỏi về việc cần có chế tài như thế nào để thông tư đạt hiệu quả trong thực tiễn triển khai, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GDĐT) cho rằng, trong thông tư hướng dẫn thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học không đặt nặng đến các chế tài. Tuy nhiên, điều đó đã được quy định cụ thể trong các văn bản khác, ví dụ: điều lệ, quy chế hoạt động của nhà trường và các điều chỉnh hành vi của pháp luật.

Như vậy, những quy định về ứng xử trong môi trường học đường chưa có quy định nghiêm ngặt về xử phạt. Nhưng từ một vụ việc cụ thể, rõ ràng việc phụ huynh xông vào trường đánh bạn học của con, thì không có lý do nào để biện minh.

Sự việc này cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh để giáo viên chủ nhiệm/nhà trường phải sát sao hơn với mâu thuẫn của học sinh trong lớp. Từ những vụ việc bạo lực học đường liên tiếp xảy ra, người lớn, trong đó có giáo viên chủ nhiệm cần ý thức được rằng phải sớm ngăn chặn bạo lực học đường, đừng để nó xảy ra rồi mới xử lý.

Về phía phụ huynh, họ cũng cần phải lý trí hơn, tỉnh táo hơn khi đối diện với xung đột của con em mình ở trường. Thậm chí cần phải dạy trẻ cách giải tự quyết mâu thuẫn theo chiều hướng tích cực ( như xin lỗi, làm hòa…), âu cũng là giúp trẻ rèn kỹ năng sống.

Nhìn rộng hơn, những hành vi côn đồ, mang tính bạo lực xảy ra ngay trong phạm vi nhà trường sẽ tạo ra sự bất an trong môi trường giáo dục; đồng thời, tác động tiêu cực đến suy nghĩ và hành động của học sinh khi chứng kiến cảnh phụ huynh khác đánh bạn mình. “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó”, liệu những đứa trẻ sẽ học được gì từ những ứng xử bạo lực của cha mẹ mình?

Bạo lực thì thường sinh ra bạo lực. Nguyên nhân bạo lực học đường cũng đã được chỉ ra rằng do tác động của ứng xử gia đình/hành xử làm gương của người lớn đối với mỗi cá nhân là vô cùng lớn.

Vi Cầm

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bat-an-truong-hoc-491319.html