Bảo Yên tái phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm

Đã có thời kỳ, nghề trồng dâu, nuôi tằm phát triển mạnh ở Bảo Yên, nhưng cây trồng, vật nuôi này từng bị mai một và nay nghề này đang hồi sinh.

Chúng tôi tới gia đình chị Vi Thị Tuyến ở thôn Cóc Khiểng, xã Việt Tiến đúng lúc các thành viên trong gia đình đang tất bật sửa né tằm để chuẩn bị đón lứa tằm mới. “Tôi là hộ đầu tiên trồng dâu, nuôi tằm tại xã. Trước đây, nhờ nghề này, gia đình tôi có thu nhập tốt, ổn định đời sống, nhưng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây sụt giảm về giá nên gia đình đã phải chuyển sang trồng ngô. Nay dịch bệnh đã được kiểm soát và có đầu ra cho sản phẩm, gia đình quyết định trồng lại cây dâu, nuôi tằm”, chị Tuyến cho biết.

Từ tháng 3/2023 đến nay, chị Tuyến nuôi được 2 lứa tằm và có 1 lứa đang nở. Lứa đầu chị nuôi 5 vòng, thu về 13 triệu đồng, trừ chi phí, chị lãi hơn 12 triệu đồng trong khoảng 15 ngày. Lứa thứ 2, chị nuôi 4 vòng, thu về 10 triệu đồng, đạt lợi nhuận 9 triệu đồng trong khoảng 12 ngày. Chị Tuyến khẳng định: Trồng dâu, nghề nuôi tằm đạt hiệu quả kinh tế cao nên tôi sẽ tiếp tục gắn bó với nghề này.

Trước đây, diện tích dâu nuôi tằm của huyện Bảo Yên lên đến hàng trăm ha, nhưng mấy năm gần đây, diện tích giảm mạnh. Theo kết quả rà soát của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cuối năm 2022, diện tích dâu của cả huyện còn 16,3 ha, tập trung tại 5 xã: Kim Sơn, Nghĩa Đô, Cam Cọn, Việt Tiến, Bảo Hà, trong đó 3 ha còn nguyên cây nhưng không chăm sóc; 4,9 ha đã chặt cây, còn gốc; 8,4 ha người dân đang chăm sóc.

Nguyên nhân được xác định là do từ năm 2020, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề trồng dâu, nuôi tằm trên cả nước nói chung và huyện Bảo Yên nói riêng. Việc tiêu thụ sản phẩm kén tằm gặp khó khăn, giá giảm liên tục, từ 120.000 đồng/kg xuống 90.000 đồng/kg, 60.000 đồng/kg rồi 50.000 đồng/kg; người dân từ có lãi ít xuống hòa vốn rồi lỗ vốn.

Mặt khác, “nuôi tằm ăn cơm đứng” đòi hỏi rất nhiều công sức nên khi cây dâu bị bệnh và tằm chết đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng. Thời điểm đó, tỉnh và huyện chưa có đơn vị cung cấp con giống chất lượng, người dân chủ yếu mua giống trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc nên tỷ lệ tằm chết cao, năng suất kén thấp.

Từ cuối năm 2022 trở lại đây, dịch Covid-19 được kiểm soát, đầu ra cho sản phẩm dần phục hồi, huyện đánh giá nghề trồng dâu, nuôi tằm vẫn cho thu nhập cao, tiềm năng phát triển tốt nên xác định đây là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, huyện Bảo Yên phấn đấu trồng 300 ha dâu và xây dựng 1 nhà máy ươm tơ tại huyện.

Huyện Bảo Yên đã xây dựng các phương án liên kết với các công ty, doanh nghiệp đảm bảo đầu ra cho kén tằm. Kết quả là có một số nhà máy lớn tại Yên Bái đã cam kết thu mua kén tằm với giá từ 110.000 đồng/kg - 190.000 đồng/kg. Doanh nghiệp này cũng sẽ cung cấp nguồn giống tằm cho người dân. Trước mắt, dự án khôi phục sẽ thực hiện thí điểm ở những hộ còn duy trì diện tích trồng dâu.

Bà Nhữ Thị Tâm, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên

Là 1 trong 5 hộ của huyện còn giữ một số diện tích dâu, gia đình chị Ngô Thị Duyên ở thôn Cóc Khiểng, xã Việt Tiến được lựa chọn phục hồi nghề trồng dâu, nuôi tằm. Từ cuối năm 2022, chị bắt đầu chăm sóc lại vườn dâu, nuôi tằm lấy kén. Gia đình chị Duyên còn được chọn là hộ ươm giống cung cấp cho các hộ khác.

Gia đình bà Nguyễn Thị Toàn ở thôn 1 Tân Văn, xã Kim Sơn cũng vậy. Với 2 ha dâu đất bãi và kinh nghiệm làm nghề, đầu năm 2023, gia đình bà được lựa chọn là hộ khôi phục nghề trồng dâu, nuôi tằm. Trung tuần tháng 5, bà Toàn thu lứa kén tằm mới và bán tại nhà với giá 160.000 đồng/kg.

Cùng với việc thí điểm thực hiện mô hình, các địa phương cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân trồng lại cây dâu. Ông Nguyễn Văn Bưởi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Kim Sơn cho biết: Mới đây, lãnh đạo xã đã có cuộc đối thoại trực tiếp nhằm giải đáp những lo lắng, vướng mắc cũng như lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân trong việc khôi phục nghề trồng dâu, nuôi tằm tại địa phương. Nhiều hộ phấn khởi, kỳ vọng vào cơ hội mới của nghề.

Với những lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, đặc biệt là điều kiện thuận lợi về đầu ra cho sản phẩm, nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Bảo Yên hứa hẹn tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, để khôi phục một nghề đã từng gặp khó khăn không phải là điều đơn giản, đòi hỏi chính quyền, ngành chức năng địa phương cần có những tính toán cụ thể, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, đồng thời kêu gọi sự hợp tác, đầu tư hiệu quả từ các đơn vị, doanh nghiệp…

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bao-yen-tai-phat-trien-nghe-trong-dau-nuoi-tam-post371460.html