Bảo vệ hiện vật lịch sử bằng ý thức cộng đồng

Pho tượng quý có niên đại 500 năm tuổi của Thái phó Nguyễn Ư Dĩ - cậu ruột chúa Nguyễn Hoànghiện đang lưu giữ ở thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong. Từ xưa đến nay, người dân nơi đây đều quan niệm nơi thờ tự pho tượng quý là chốn thiêng liêng, che chở và ban nhiều phước lộc cho con cháu trong làng. Suốt nhiều năm qua, ngoài việc chung tay gìn giữ bảo vật của làng, niềm mong ước chung của người dân làng Trà Liên là có một nơi thờ tự xứng đáng với tầm vóc và công lao to lớn của Thái phó Nguyễn Ư Dĩ để nơi đây trở thành điểm nhấn về du lịch tâm linh của địa phương, nằm trong tổng thể dinh Trà Bát.

Nơi thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ cạnh đình làng Trà Liên Tây. Ảnh: HN

Tượng quan Thái phó Nguyễn Ư Dĩ được đúc bằng đồng vào khoảng thế kỷ 17, ở tư thế ngồi ghế thấp, cao 0,62 m, phần vai rộng 0,3 m, nặng khoảng 300 kg. Mặt tượng chữ điền, mũi cao, cằm vuông, râu dài, tai to, đội mũ quan hai lớp, chân đi hia để lộ phần mũi. Do có nhiều lời đồn đoán bức tượng quý này được đúc bằng đồng nên nhiều lần bị kẻ trộm đánh cắp. Năm 1976, kẻ gian khiêng bức tượng này đi khoảng 100 m, ra bờ sông Ái Tử rồi vùi dưới cát bên bờ sông. Phát hiện bức tượng bị mất nên người dân kịp thời chia nhau đi tìm khắp làng. Lúc bấy giờ, mùa hè nước cạn, bà con thấy dấu vết lạ ở bờ sông Ái Tử nên dùng thanh sắt chọc xuống và tìm thấy được bức tượng.

Ông Huỳnh Tất Thành, Trưởng Ban kiểm soát HTX Trà Liên Tây, kể rằng: Bình thường, bức tượng nặng 4 người gánh không nổi, nhưng lúc tìm được, chắc vì mừng quá nên mọi người gánh đi băng băng. Lần khác, kẻ gian lợi dụng lúc sơ hở đã cắt hai dải hai bên mũ quan (người dân cho rằng kẻ gian muốn kiểm tra nguyên liệu bên trong có phải là đồng như đồn đoán hay không). Sau những lần bị kẻ gian rình rập đó, dân làng mang tượng về đặt sát bên đình làng Trà Liên Tây, xây gian thờ nhỏ kín 3 mặt, bên dưới quây thép đổ bê tông. Thế nhưng, ở khu vực này là cánh đồng, xa khu dân cư nên người dân trong thôn luôn nhắc nhở nhau trông coi, bảo vệ bức tượng. Ngoài việc dâng hương mỗi tháng 2 lần, vào rằm tháng 2 và tháng 6 hằng năm, người dân Trà Liên Tây tổ chức lễ tế tại đình làng. Dịp này, con cháu trong làng đều có mặt đông đủ. Trước lễ tế, dân làng phải đi rước các vị thần được thờ từ các miếu trong làng về đầy đủ mới bắt đầu chính lễ.

Trả lời thắc mắc của chúng tôi, nhiều bậc cao niên của thôn Trà Liên Tây cho biết: Sở dĩ có chuyện cúng ngài Nguyễn Ư Dĩ nhiều lần trong năm là vì người dân trong làng rất tôn kính ông, người gọi ông là ngài, người gọi là thần, rồi lập chùa Liễu Ba (hay còn gọi là Liễu Bông, Miếu Bông) thỉnh ngài vào chùa để thờ. Kể từ khi thờ pho tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, người dân luôn hưởng được nhiều điều may mắn, tốt đẹp. Trong chiến tranh, ngài đã che chở cho dân lành tránh được mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Năm 1972, bom đạn đã đánh sập chùa, song điều ngạc nhiên là pho tượng vẫn uy nghi ngồi trên bệ đá. Sau sự kiện này, mọi người càng tin tưởng ngài có phép thuật cao nên giúp dân tránh được mọi tai ương. Về sự kỳ lạ của bức tượng, ông Hồ Huỳnh, nguyên trưởng thôn Trà Liên Tây cho hay những năm chiến tranh, có một đơn vị ra đa về đóng quân gần nơi thờ cúng ngài Nguyễn Ư Dĩ, nhưng ra đa không hoạt động, bất chấp mọi nỗ lực khắc phục. Cuối cùng, đơn vị này phải chuyển đến làng kế bên mới hoạt động được. Bà con làng Trà Liên làm ăn xa quê, mỗi dịp về đều ghé thắp hương, báo công với ngài. Cũng nhờ sự “phù hộ” của ngài mà dân làng luôn làm ăn thuận lợi, con cháu học hành đỗ đạt, dân chúng được bình an.

Anh Hồ Viết Tuyền, Bí thư chi bộ thôn Trà Liên Tây, nguyên là Phó Công an xã Triệu Giang đánh giá rất cao tinh thần cảnh giác, giữ gìn hiện vật lịch sử của người dân, qua đó góp phần đưa phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn đạt kết quả tốt. Bất kỳ hành vi nào khả nghi liên quan đến miếu thờ, pho tượng đều gặp sự giám sát, cảnh giác từ người dân. Trong số 10 bảo vật ở Quảng Trị thì làng Trà Liên đã cống hiến 3 bảo vật, ngoài pho tượng đồng Nguyễn Ư Dĩ được đánh giá là “độc nhất vô nhị ở Việt Nam” còn có hai tấm phù điêu lá nhĩ Trà Liên 1 và Trà Liên 2, dấu tích kiến trúc Chăm điển hình có từ nửa cuối thế kỷ thứ 9 và nửa cuối thế kỷ thứ 10 được tìm thấy tại Trà Liên. Sau khi phát hiện Bức phù điêu lá nhĩ Trà Liên 1,2 (đã được công nhận là bảo vật quốc gia), người làng Trà Liên cũng rất có ý thức giữ gìn, bảo vệ, đến năm 1996 được chuyển giao cho Bảo tàng Quảng Trị bảo quản và phát huy tác dụng.

Dẫn chúng tôi ra nơi thờ ngài Nguyễn Ư Dĩ bên cạnh đình làng, ông Hồ Huỳnh, cho biết: Làng Trà Liên xưa là thủ phủ Trà Bát, một trong ba lỵ sở của chúa Nguyễn Hoàng nên ẩn chứa bên trong nhiều giá trị văn hóa cần được bảo tồn, phát huy. Huyện Triệu Phong từng mở hội thảo lớn nói về công chúa Nguyễn Hoàng và ngài Nguyễn Ư Dĩ. Riêng người dân chúng tôi mong muốn xây dựng một nhà thờ to đẹp hơn để thờ cúng ngài. Vừa qua, thông qua vận động con em xa quê, chúng tôi đã huy động được hơn 500 triệu đồng để tôn tạo, xây dựng khu thờ tự rộng rãi cho ngài Thái phó Nguyễn Ư Dĩ. Tuy nhiên với mức dự trù kinh phí trên 2 tỉ đồng, địa phương rất mong được cấp trên xem xét, hỗ trợ thêm.

Hoài Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=150194