Bảo vệ đê điều, kỳ 2: Nan giải tình trạng 'xẻ thịt' hành lang đê

Trên các tuyến đê chính của tỉnh như đê Hoàng Long, đê hữu Đáy và các tuyến đê cấp 4, 5 ở địa phương... còn tồn tại 53 vụ việc doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ngang nhiên lấn chiếm hành lang đê. Mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần có văn bản yêu cầu tháo dỡ, xử lý để đảm bảo an toàn cho đê trong mùa mưa bão nhưng đến nay các vi phạm vẫn tái diễn.

Một cảng sông đang hoạt động trên địa bàn xã Khánh Phú (Yên Khánh) nhưng không có biển hiệu, tên doanh nghiệp. Ảnh: Minh Đường

Bảo vệ đê điều- Nhiệm vụ cấp bách và lâu dài: Kỳ 3: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ đê điều

Bảo vệ đê điều - nhiệm vụ cấp bách và lâu dài: Kỳ 1: Tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố đê điều

Theo khoản 5, Điều 7, Luật Đê điều 2020, các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt. Tuy nhiên hiện nay các bến, cảng thủy nội địa trên hành lang đê tả Hoàng Long, đê hữu Đáy... vẫn ngang nhiên hoạt động. Hoàng loạt công trình kiên cố như các lán trại, nhà để xe, tường bao, bãi tập kết vật liệu xây dựng... làm cản trở dòng chảy tái diễn nhiều năm nay.

Theo quan sát của phóng viên, dọc tuyến đê tả Hoàng Long trên địa bàn huyện Gia Viễn xuất hiện nhiều bến, cảng rộng hàng nghìn m2 với các công trình kiên cố khiến lòng sông Hoàng Long bị thu hẹp, gây ách tắc giao thông đường thủy và đe dọa an toàn hành lang thoát lũ, nhất là trong cao điểm mùa mưa bão.

Đáng lo ngại hơn, nhiều đơn vị như: Công ty TNHH vận tải và thương mại Thịnh Gia xây dựng lán tạm trong hành lang thoát lũ từ 30/12/2014; lắp đặt máng rót, xây dựng trụ cẩu, tập kết vật liệu xây dựng trong hành lang thoát lũ. Cảng của Nhà máy xi măng The Vissai - Xây dựng các hạng mục không có trong văn bản thỏa thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bao gồm: nhà điều hành, nhà bảo vệ, nhà để xe, tường bao... trong hành lang bảo vệ đê. Các hạng mục vi phạm nêu trên đều xây dựng trước năm 2016 khi chưa được cấp phép. Công ty TNHH Nam Phương Ninh Bình xây nhà điều hành, trạm cân, tường bao, lán, cọc thép, mái tôn, hệ thống băng tải, thậm chí là xây dựng trạm biến áp trong hành lang bảo vệ đê điều từ năm 2015.

Theo báo cáo của UBND huyện Gia Viễn: Hiện nay, trên địa bàn có tổng cộng 12 trường hợp vi phạm, chủ yếu là các công ty, doanh nghiệp tư nhân. Phần lớn các dự án khi thi công xây dựng đều mới chỉ có các thỏa thuận, chưa được UBND tỉnh cấp phép, có những dự án thực hiện không đúng thỏa thuận như: mặt bằng mở rộng hơn, cao trình san lấp không đúng quy định.

Ông Đỗ Đức Đạt, cán bộ Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Gia Viễn cho biết: Trên địa bàn huyện có 4 tuyến đê, tổng chiều dài 56,285 km. Các tuyến đê chạy qua các khu dân cư nên việc quản lý, bảo vệ đê điều và hành lang thoát lũ gặp nhiều khó khăn. Một số hành vi vi phạm đê điều xảy ra thường xuyên như: Xe quá tải trọng chạy trên mặt đê, phá hoại cột giới hạn tải trọng, dựng hàng rào thép gai trên mái đê để trồng rau, dựng lán tạm nuôi vịt, bò, đổ rác ở mái đê… Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn ngày càng tăng dẫn đến hình thành một số bãi kinh doanh trung chuyển vật liệu xây dựng trong hành lang bảo vệ đê, hành lang thoát lũ... vi phạm Luật Đê điều.

Tâm điểm của các vụ việc vi phạm hành lang đê còn phải kể đến khu vực bến, cảng thủy nội địa ở dọc tuyến đê hữu Đáy, địa phận xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, nơi có Khu công nghiệp Khánh Phú. Trên tuyến đê này mặc dù đã vào cao điểm của mùa mưa bão nhưng hàng vạn tấn than của các doanh nghiệp vẫn được chất cao như núi, chạy dài gần 3km dọc hành lang đê. Ngoài ra, không ít doanh nghiệp còn tự ý xây dựng nhà điều hành, xưởng sản xuất, cảng bốc xếp hàng hóa, lán trại… án ngữ phía ngoài đê sông Đáy, gây mất an toàn đê điều, ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ. Việc xây dựng, tập kết vật liệu của các đơn vị, doanh nghiệp đã vi phạm vào khoản 10, điều 7 của Luật Đê điều 2020.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Khánh cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 18 vụ vi phạm Luật Đê điều đã tồn tại từ nhiều năm nay.

Công ty TNHH Cảng Đạm Ninh Bình, Công ty TNHH Tiến Mạnh, Công ty TNHH Mặt trời Việt Ninh Bình, Công ty TNHH An Gia Bình, Công ty cổ phần Kinh doanh than miền Bắc - Vinacomin, Công ty đầu tư và thương mại Nam Phương Anh, Công ty TNHH Long Sơn, Công ty đầu tư thương mại Ninh Bình, Công ty TNHH TM&DV Hòa Khánh, Công ty TNHH Tân Phù Đổng... là những đơn vị đang xây dựng trạm cân, bể chứa téc dầu, dựng nhà xưởng, nhà điều hành, trạm biến áp, tập kết hàng hóa, than... trong hành lang bảo vệ đê điều phía sông và hành lang thoát lũ, vi phạm Luật Đê điều.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 53/UBND-VP3 về việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, cát và bảo vệ hành lang đê điều trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 160/QĐ-SNN về việc kiểm tra các vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống lụt, bão trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2021. Qua kiểm tra, tính đến ngày 27/4/2021 trên địa bàn toàn tỉnh còn tồn tại 53 vụ vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống lụt, bão. Trong đó huyện Nho Quan còn tồn tại 7 vụ, huyện Gia Viễn 12 vụ, huyện Hoa Lư 7 vụ, thành phố Ninh Bình 3 vụ, huyện Yên Khánh 18 vụ, huyện Kim Sơn 5 vụ và huyện Yên Mô 1 vụ.

Đối tượng vi phạm chủ yếu là các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến hành lang bảo vệ đê điều và hành lang thoát lũ. Ngoài ra còn có một số hộ dân sống ven đê có các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Các hành vi vi phạm trên chủ yếu là san lấp mặt bằng, tập kết vật liệu xây dựng, than, xây dựng các công trình phụ trợ, nhà tạm, nhà xưởng, nhà điều hành, trạm cân, trụ cẩu, máng rót, trồng cây, đào ao thả cá... Hồ sơ, thủ tục pháp lý chưa đủ điều kiện để hoạt động sản xuất, kinh doanh trong phạm vi bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ, bãi sông.

Được biết, hằng năm, trước mùa mưa bão các cơ quan chức năng của tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, chỉ ra hàng loạt sai phạm và xử phạt các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hàng trăm triệu đồng. Đồng thời yêu cầu các công ty tự tổ chức giải tỏa, tháo dỡ những công trình vi phạm ra khỏi phạm vi bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, để ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, các cấp chính quyền cũng cần phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên kiểm tra, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Nguyễn Thơm

Kỳ 3: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ đê điều

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/bao-ve-de-dieu-ky-2-nan-giai-tinh-trang-xe-thit-hanh-lang/d2021090907554292.htm