Bảo vệ biên giới Tây Nam: Chiến thắng của tình đoàn kết

Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen dự Lễ kỷ niệm 45 năm “Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” tại Bình Phước, ngày 20/6/2022. (Nguồn: TTXVN)

Hồi sinh một đất nước

Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Việt Nam cùng quân dân Campuchia xóa bỏ chế độ diệt chủng đã giúp xứ Chùa tháp hồi sinh, bước vào kỷ nguyên mới, hòa bình, hòa hợp và phát triển.

Trong chiều dài lịch sử, Việt Nam và Campuchia luôn đoàn kết bên nhau, kề vai sát cánh cùng chống kẻ thù chung, giành độc lập, tự do cho mỗi nước. Những năm tháng cam go của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đáp lại lời kêu gọi của cách mạng Campuchia, Việt Nam sẵn sàng đưa quân tình nguyện sang giúp nước bạn. Thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Campuchia ngày 17/4/1975 là thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu thủy chung, trong sáng giữa ba nước Đông Dương.

Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền vào tháng 4/1975, được các thế lực bên ngoài giúp sức, tập đoàn Pol Pot Ieng Sary đã phản bội nhân dân Campuchia. Chúng lập nên cái gọi là “nhà nước Campuchia dân chủ”, thi hành chế độ diệt chủng, thanh trừng nội bộ... Chỉ trong 3 năm 8 tháng và 20 ngày, từ tháng 4/1975 đến cuối năm 1978, bè lũ Pol Pot đã giết hại gần 3 triệu người dân Campuchia vô tội, xóa bỏ mọi hình thức xã hội, đẩy đất nước Campuchia tươi đẹp đứng trước thảm họa diệt vong. Lực lượng yêu nước Campuchia đứng trước tình thế vô cùng khó khăn như lời Thủ tướng Campuchia Hun Sen rằng “Chúng ta chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng và ngồi chờ cái chết”.

Đối với Việt Nam, tập đoàn Pol Pot Ieng Sary xuyên tạc lịch sử, kích động thù hằn dân tộc, gây rối rồi xâm lấn lãnh thổ trên vùng biển biên giới Tây Nam, chà đạp lên những giá trị tốt đẹp giữa hai nước. Chúng còn được tiếp sức từ bên ngoài, đưa quân áp sát biên giới rồi đánh chiếm đảo Thổ Chu và một số đảo khác ở khu vực Tây Nam. Đêm ngày 30/4/1977, lợi dụng lúc quân và dân ta kỷ niệm hai năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tập đoàn Pol Pot mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới thuộc địa phận tỉnh An Giang, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam Việt Nam.

Trước hành động gây hấn, mở rộng chiến tranh của Pol Pot, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã kiềm chế và kiên trì thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị. Nhưng càng kiềm chế, thì chúng càng lấn tới, buộc Việt Nam phải chọn con đường đứng lên thực hiện quyền tự vệ chính đáng. Đáp lại lời kêu cứu của nhân dân Campuchia và lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, ngày 23/12/1978, quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia tổng phản công trên toàn tuyến biên giới. Ngày 26/12/1978, toàn bộ hệ thống phòng thủ vòng ngoài của quân Pol Pot bị phá vỡ. Đến ngày 31/12/1978, quân và dân ta đã hoàn thành nhiệm vụ đánh đuổi quân Pol Pot, thu hồi toàn bộ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc bị kẻ thù lấn chiếm. Ngày 7/1/1979, thủ đô Phnom Penh hoàn toàn giải phóng. Thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam không chỉ đập tan âm mưu xâm lược, mà còn lật đổ chế độ diệt chủng của tập đoàn Pol Pot, đưa nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người, bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do...

Trong cuộc chiến đấu gian khổ và ác liệt đó, biết bao cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh, để lại một phần máu, thịt trên các chiến trường nước bạn.Thủ tướng Hun Sen khi còn tại vị đã khẳng định: “Nếu không có ngày 7/1/1979, nhân dân Campuchia không thể có được những gì trong ngày hôm nay. Đây là chân lý lịch sử không một thế lực phản động nào có thể phủ nhận”.

Tại Hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính (ngày 11/12/2023) trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên kể từ khi lên nhậm chức, Thủ tướng Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet bày tỏ chân thành cảm ơn quân đội và nhân dân Việt Nam đã giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, cũng như trân trọng truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước trong thời kỳ đấu tranh chống thực dân, đế quốc trước đây. Trong buổi giao lưu với cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương ngày 12/12, Thủ tướng Hun Manet tiếp tục khẳng định, đó là chân lý lịch sử không thể phủ nhận được và là cơ sở để xây dựng tương lai lịch sử hai nước, điều này mang ý nghĩa rất quan trọng. Campuchia không bao giờ quên sự giúp đỡ của Việt Nam.

Thủy chung son sắt

Sau thắng lợi ngày 7/1/1979, tàn quân Pol Pot còn khoảng 4 vạn tên do bọn đầu sỏ chỉ huy rút chạy ẩn náu ở các vùng biên giới phía Tây, Tây Bắc Campuchia và một số nơi trong nội địa, dựa vào sự giúp đỡ của bên ngoài tiếp tục chống phá cách mạng. Chúng đẩy mạnh các hoạt động chính trị, ngoại giao, tạo sức ép đẩy quân tình nguyện Việt Nam ra khỏi Campuchia trong khi lực lượng cách mạng của nước bạn còn yếu; chúng hy vọng phản công chiếm lại thủ đô Phnom Penh với ảo tưởng lập lại chính quyền diệt chủng.

Ngày 18/2/1979, tại Phnom Penh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Heng Samrin thay mặt Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia ký “Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác”. Hai bên cam kết hết lòng ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau bằng mọi hình thức nhằm tăng cường khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và công cuộc lao động hòa bình của nhân dân mỗi nước.

Thực hiện Hiệp ước, trong 10 năm tiếp theo, từ 1979-1989, Việt Nam tiếp tục giúp Campuchia vừa xây dựng lực lượng, vừa phối hợp truy quét tàn quân Pol Pot, đồng thời xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, ổn định, hồi phục đời sống trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, giáo dục, giao thông vận tải, y tế… chăm lo đời sống nhân dân.

Trong 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã anh dũng hy sinh. Người dân Campuchia trìu mến gọi những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam là bộ đội nhà Phật. Khi tình hình Campuchia đi vào ổn định, ngày 26/9/1989, trước sự chứng kiến của truyền thông quốc tế, các đơn vị cuối cùng của quân tình nguyện Việt Nam rút quân về nước. Khi đó, báo Pracheachon của Campuchia ra xã luận viết: “Trong những năm cực kỳ bi thảm dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, trên thế giới này, có không biết bao nhiêu kẻ mạnh, kẻ giàu nhưng duy nhất chỉ có người bạn láng giềng nghèo Việt Nam đến cứu dân tộc ta mà thôi”.

Phát biểu trong buổi gặp mặt người dân, sinh viên Việt Nam và Campuchia cùng các thế hệ bộ đội tình nguyện, chuyên gia Việt Nam đã từng có thời gian sang giúp nhân dân Campuchia bảo vệ và xây dựng đất nước, ngày 21/6/2017 tại Bình Dương nhân kỷ niệm 40 năm ngày cùng đồng đội bắt đầu con đường cách mạng cứu đất nước khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, Thủ tướng Hun Sen tiếp tục khẳng định: “Không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay, dứt khoát là thế”.

Mở trang sử mới

Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng ngày 7/1/1979 trở thành mốc son lịch sử của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, hữu nghị giữa hai dân tộc, là sự tiếp nối truyền thống đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc.

Ngày nay, mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia được tiếp thêm sức mạnh từ những truyền thống lâu đời trong lịch sử, đã và đang được củng cố và phát triển theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”. Về chính trị, lãnh đạo cấp cao hai bên thường xuyên điện đàm, hội đàm trực tuyến, kể cả trong thời gian dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt là việc Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen sang Việt Nam dự cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào Thongloun Sisoulith ngày 26/9/2021 và có các cuộc gặp với Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ.

Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước và giữa các tỉnh biên giới khá sôi động. Kim ngạch thương mại hai nước năm 2023 dự kiến cán mốc 9 tỷ USD và đang phấn đấu đạt 20 tỷ USD trong thời gian tới. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia, sau Trung Quốc và Mỹ và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN. Đặc biệt, Campuchia đứng thứ 2/79 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài.

Hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh ngày càng thực chất hiệu quả, là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước. Các lĩnh vực hợp tác khác về giáo dục, đào tạo, giao thông vận tải, văn hóa, y tế, viễn thông… được quan tâm đẩy mạnh. Hai nước thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, nhất là ở các địa phương giáp biên giới, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng, nâng cao vị trí, uy tín của mỗi nước.

Ngày 20/6/2022, tại Lễ kỷ niệm 45 năm “Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” được tổ chức tại Lộc Ninh, Bình Phước – nơi Thủ tướng Hun Sen và đồng đội đặt những bước chân đầu tiên trong hành trình cách mạng,nhà lãnh đạo Campuchia khẳng định, “45 năm qua, quan hệ hai nước ngày càng sâu sắc, trên tất cả các lĩnh vực. Sự giúp đỡ của nhân dân Việt Nam thể hiện tinh thần hữu nghị trong sáng, tốt đẹp giữa hai nước, nhân dân hai nước. Tôi tin tưởng mối quan hệ này sẽ mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

Đức Trí

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-ve-bien-gioi-tay-nam-chien-thang-cua-tinh-doan-ket-256210.html