Bảo vệ bản quyền tăng giá trị cho sáng tạo

Người sáng tạo nội dung cần nhận được thù lao công bằng cho việc sử dụng các tác phẩm/nội dung sáng tạo của mình, tuy nhiên trong thực tế, đặc biệt là trong thời đại số, việc vi phạm bản quyền xảy ra tràn lan khiến cho người sáng tạo nội dung (tác giả, chủ sở hữu quyền...) khó có thể nhận được đầy đủ khoản thù lao này.

Giới hạn của bảo vệ bản quyền trên không gian mạng

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra nhiều cơ hội, đưa đến nhiều công cụ sáng tạo mới, đồng thời tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng…

Tuy nhiên, môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan, nhất là trong bối cảnh hành vi vi phạm bản quyền trên không gian mạng có sự tham gia của nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau, gây khó khăn cho việc xác định và xử lý hành vi vi phạm trong thẩm quyền tài phán quốc gia.

Công nghệ mới đã làm thay đổi đáng kể cấu trúc và tính kinh tế của các mô hình kinh doanh mà theo đó, các tác phẩm có bản quyền được xuất bản, phân phối đến công chúng một cách nhanh chóng. Một thị trường ảo dành cho các sản phẩm âm nhạc, phim ảnh và giải trí đã được hình thành và hoạt động trên môi trường mạng. Sự tồn tại của thị trường này không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, nó thách thức các quy tắc bảo vệ pháp lý truyền thống vốn bị giới hạn bởi biên giới địa lý.

Với sự tồn tại và hoạt động của không gian ảo này, các nhà lập pháp buộc phải xây dựng những "hàng rào bảo vệ" hay xây dựng và ban hành các quy định về việc sử dụng hoặc lạm dụng các sản phẩm kỹ thuật số có bản quyền được truy cập thông qua Internet.

Các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan thì khả năng loại trừ người khác truy cập, sử dụng trái phép các tác phẩm kỹ thuật số của mình trên mạng là rất quan trọng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích kinh tế, với doanh nghiệp còn ảnh hưởng cả tới khả năng tồn tại của doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, còn tồn tại thực tế là chính những người sáng tạo nội dung "ăn cắp" nội dung của nhau. Một số tác giả, chủ sở hữu quyền còn chưa nắm vững các quy định của pháp luật, chưa chủ động áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình…

Gần đây, thông tin tại tọa đàm “Giải bài toán bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp âm nhạc - điện ảnh - truyền hình số” cho biết, Việt Nam có đến 80% vi phạm bản quyền diễn ra trên nền tảng số, gây thiệt hại tới 348 triệu USD năm 2022 (tương đương 7.000 tỷ đồng).

Bảo vệ bản quyền sẽ khiến cho giá trị tác phẩm được toàn vẹn hơn (ảnh minh họa)

Thực thi nhiều biện pháp bảo vệ bản quyền trên mạng

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Trong đó có xác định nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan để đáp ứng yêu cầu về quản lý và thực thi trên không gian mạng.

Một số thuật ngữ, nội dung quyền, giới hạn quyền liên quan đến bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng đã được sửa đổi, bổ sung, trong đó có cơ chế thông báo gỡ bỏ nội dung vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và các chủ thể quyền.

Tháng 4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Bộ VHTTDL cũng đã tham mưu trình Chính phủ tham gia 2 Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả, quyền liên quan trên Internet: Hiệp ước WCT và Hiệp ước WPPT… góp phần giải quyết những thách thức đặt ra bởi công nghệ kỹ thuật số hiện nay, đặc biệt là đối với yêu cầu bảo hộ các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình được sáng tạo, lưu trữ, phổ biến và sử dụng trên Internet.

Theo nhận định của các chuyên gia thì "Đây chính là những hành động cụ thể, góp phần thực hiện chủ trương chủ động tích cực tham gia chuyển đổi cũng như hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam."

Trước thực trạng xâm phạm, khai thác bản quyền trên không gian mạng, chia sẻ về các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng hiện nay, bà Phạm Thị Kim Oanh Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cho biết, chúng ta có được 1 số thuận lợi như, hệ thống văn bản pháp luật về bảo hộ, quản lý và thực thi bản quyền tương đối đồng bộ, là công cụ hữu hiệu giúp cho công tác quản lý và thực thi được hiệu quả hơn.

Các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan về cơ bản đã đi vào cuộc sống, đóng vai trò tích cực, thúc đẩy sáng tạo văn học, nghệ thuật và khoa học, bảo vệ lợi ích của người sáng tạo, tổ chức, cá nhân sử dụng và công chúng. Các quyền về nhân thân và tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan được tôn trọng.

Hiện nay, các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan được hình thành từ Trung ương đến Địa phương, từng bước đưa pháp luật về bản quyền được thi hành trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, ý thức của người dân cũng đã có chuyển biến, các cá nhân, cơ quan, tổ chức đã từng bước triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật để nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm bản quyền, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Tuy vậy, vẫn chưa thể xử lý được triệt để việc vi phạm bản quyền. Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho rằng, cần có các giải pháp để xử lý các hành vi xâm phạm bản quyền tác giả, quyền liên quan để làm sao đảm bảo sự công bằng đối với những người sáng tạo nội dung, chủ sở hữu quyền.

Bà Phạm Thị Kim Oanh cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là quy định về bảo hộ bản quyền trên môi trường kỹ thuật số, hướng tới xây dựng Luật Bản quyền tác giả độc lập.

Chúng ta cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong nước và quốc tế, đồng thời tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng trong toàn xã hội, đồng thời nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, cảnh báo họ không nên mua quảng cáo ở các website/mạng xã hội vi phạm bản quyền.

Đồng thời, tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng CNTT trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm phạm bản quyền trên Internet. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ- ISP, trong việc thực thi quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số.

Bà Phạm Thị Kim Oanh nhấn mạnh tới vai trò của các đơn vị đại diện tập thể bản quyền trong việc thực thi, bảo vệ bản quyền. Các chủ thể quyền cần chủ động áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số theo quy định của pháp luật, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng cũng nhắc tới việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc thực thi bảo hộ quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số. Nhà nước cần có các chính sách tổng thể để tạo thị trường, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mà Việt Nam có thế mạnh.

Vân Khánh

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/bao-ve-ban-quyen-tang-gia-tri-cho-sang-tao-20231130224351696.htm