Bảo tồn vựa lúa Vĩnh Tường trước sức ép của quá trình hội nhập

Đối với tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, huyện Vĩnh Tường nói riêng, trồng lúa nước là một nghề truyền thống từ lâu đời và có vị trí hết sức quan trọng, góp phần đảm bảo sinh kế cho người dân, ổn định an ninh lương thực. Tuy nhiên, trong bối cảnh CNH-HĐH, hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu, vựa lúa Vĩnh Tường đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các cấp, các ngành, chính quyền địa phương phải kiểm soát tốt quỹ đất trồng lúa nước, thay đổi tư duy, chuyển từ trồng lúa để ăn sang trồng lúa để bán, thương mại hóa ngành lúa gạo, nhằm nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã mang hiệu quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp ở Vĩnh Tường. Ảnh Nguyễn Lượng

Áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã mang hiệu quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp ở Vĩnh Tường. Ảnh Nguyễn Lượng

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Tường liên tục tăng trưởng và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) cho người dân trên địa bàn huyện.

Giai đoạn 2016-2020, giá trị tăng thêm bình quân toàn ngành tăng 0,76%/năm; cơ cấu giá trị sản xuất trong nội bộ ngành nông nghiệp tiếp tục có sự chuyển dịch đúng hướng. Về cơ bản, sản xuất nông nghiệp đã đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm đủ cho tiêu dùng trong huyện. Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích đất lúa trên địa bàn huyện có xu hướng ngày càng bị thu hẹp. Năm 2021, tổng diện tích gieo trồng cây lúa toàn huyện là 9.415,49 ha; giảm 180,98 ha so với năm 2020 và giảm 2.408,31 ha so với năm 2016.

Một trong những nguyên nhân chính của việc giảm diện tích trồng lúa là do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Không đơn thuần là “vựa lúa” của tỉnh như trước kia, Vĩnh Tường giờ đây đang trong lộ trình trở thành đô thị loại IV. Diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp; nhiều khu đất nông nghiệp đã, đang và sẽ bị thu hồi để triển khai thực hiện các khu đô thị mới, dự án phát triển khu công nghiệp (KCN) và xây dựng hệ thống các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đường sá, cầu cống...

Cây lúa nước trên địa bàn huyện đang phải đối mặt với nguy cơ suy giảm số lượng và chất lượng đất đến từ những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu. Hiện, tổng diện tích đất trồng lúa trên địa bàn huyện là 5.770,42 ha. Trong đó, có 178,55 ha đất 1 vụ lúa; 586 ha đất 2 vụ lúa bấp bênh, có địa hình trũng thấp, thành phần cơ giới nặng, dễ ngập úng.

Hơn nữa, tình trạng nông dân bỏ ruộng, hoặc chỉ cấy lúa vụ Xuân và bỏ không gieo trồng vụ Mùa đang diễn ra ở nhiều xã, thị trấn trong huyện, gây lãng phí tài nguyên đất. Trong cả giai đoạn 2016-2021, toàn huyện có 34.819 ha không gieo trồng (chiếm 33,18% tổng diện tích gieo trồng); trong đó, diện tích không gieo trồng vụ Mùa 8.432,7 ha; diện tích không gieo trồng vụ Đông 24.847 ha.

Nhiều địa phương, người dân đã và đang thực hiện chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng các loại cây nông sản (rau, củ, quả…) theo hướng sản xuất hàng hóa, cho giá trị kinh tế cao hơn, phù hợp với điều kiện các vùng sinh thái và địa phương trong huyện. Giai đoạn từ năm 2016 - 2021, tổng diện tích đất lúa đã thực hiện chuyển đổi là hơn 1.296,2 ha.

Ông Hà Văn Minh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Tường cho biết: Diện tích đất lúa giảm, song nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ có sự chuyển biến mạnh mẽ, giảm dần các giống dài ngày, tăng giống ngắn ngày, đưa các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt như TB225, BC15, Thiên ưu 8, ADI 28, ... vào sản xuất đã góp phần tăng năng suất, sản lượng và tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác.

Tỷ lệ các giống lúa chất lượng đến năm 2021 đạt trên 70% (tăng 38,5% so với năm 2016). Cơ giới hóa trong khâu làm đất chiếm 95% tổng diện tích; thu hoạch lúa bằng máy đạt trên 90%. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác đạt trên 143 triệu đồng/ha/năm. Năm 2021, năng suất lúa tăng 12,72 tạ/ha so với năm 2016. Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, bước đầu đã hình thành được vùng lúa thâm canh, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.

Mặc dù vậy, sản xuất lương thực của Vĩnh Tường, trong đó có lúa gạo vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức, nhất là trong bối cảnh dân số tăng nhanh, tình hình chính trị thế giới bất ổn, đất nông nghiệp ngày càng suy giảm, thiên tai, dịch bệnh xảy ra với tần suất ngày càng cao và khốc liệt hơn.

Trước thực tế đó, các sở, ngành liên quan cùng chính quyền địa phương cần phải làm tốt công tác dự báo nhu cầu tiêu dùng lúa gạo của nhân dân trên địa bàn huyện để kiểm soát tốt, giữ ổn định quỹ đất trồng lúa nước, đảm bảo nguồn cung lúa gạo; ưu tiên chuyển đổi mục đích sử dụng những diện tích đất lúa kém hiệu quả; việc chuyển đổi bao nhiêu diện tích, loại đất trồng lúa nào cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng để vừa đảm bảo nhu cầu đất cho phát triển các ngành nhưng vẫn phải giữ được đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực.

Đồng thời, chủ động nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp, đề xuất định hướng, giải pháp thực hiện nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến sản xuất lúa gạo trên địa bàn huyện; đẩy mạnh dồn thửa đổi ruộng, tạo tiền đề xây dựng vùng sản xuất hàng hóa; ứng dụng tiến bộ KHCN trong các khâu của quá trình sản xuất, đưa các giống lúa mới, năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.

Đẩy mạnh cơ chế liên kết hợp tác 4 nhà "Nhà nước- Nhà Doanh nghiệp- Nhà nông - Nhà khoa học" trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ; xây dựng nhãn hiệu, quảng bá gạo chất lượng cao, thay đổi tư duy, chuyển từ trồng lúa để ăn sang trồng lúa để bán, thương mại hóa ngành lúa gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Phùng Hải

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/79153/bao-ton-vua-lua-vinh-tuong-truoc-suc-ep-cua-qua-trinh-hoi-nhap.html