Bảo tồn văn hóa sử thi Ê Đê, Jarai trên sóng phát thanh tiếng dân tộc thiểu số

Sáng 26/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Nguyên tổ chức hội thảo khoa học về Giải pháp bảo tồn văn hóa sử thi Êđê, Jarai trên làn sóng phát thanh tiếng dân tộc thiểu số tại VOV Tây Nguyên.

Sử thi Tây Nguyên nói chung, sử thi Ê Đê, Jarai nói riêng được biết đến là một thành tựu độc đáo trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Đây là loại hình văn học dân gian truyền miệng, thể hiện phong tục, tập quán, tính ngưỡng, lịch sử của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Từ sử thi Dăm Săn của người Ê Đê được công bố đầu tiên vào năm 1927, đến nay đã có trên 100 sử thi của các dân tộc ở Tây Nguyên được sưu tầm, công bố, xuất bản thành bộ sách. Tuy nhiên, trước sự tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, hiện nay sử thi Tây Nguyên nói chung, sử thi của các dân tộc Ê Đê, Jarai nói riêng đang đối mặt với nguy cơ bị thất truyền. Trước thực tế này, Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Nguyên đề ra giải pháp góp phần bảo tồn, phát huy giá trị sử thi Tây Nguyên nói chung, sử thi Êđê, Jarai nói riêng trên làn sóng phát thanh tiếng dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận về cơ sở lý luận, thực trạng bảo tồn văn hóa sử thi Ê Đê, Jarai, vai trò quản lý nhà nước đối với công tác bảo tồn sử thi Tây Nguyên. Các đại biểu thống nhất quan điểm rằng, thời gian qua, sử thi Tây Nguyên nói chung, sử thi Ê Đê, Jarai nói riêng đã được quan tâm, bảo tồn với nhiều hình thức như: phổ biến rộng rãi trên phát thanh truyền hình, mạng Internet, giảng dạy trong nhà trường, truyền dạy trong cộng đồng cũng như tổ chức các hội thi, chương trình giao lưu, ngày hội văn hóa.

Đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo

Theo P.GS-TS Buôn Krông Tuyết Nhung, giải pháp bảo tồn phổ biến nhất hiện nay là giải pháp về giáo dục và thông qua truyền thông. Tuy nhiên, những sử thi được lựa chọn phổ biến vẫn còn rất ít so với khối lượng đồ sộ của các sử thi hiện có.

"Lâu nay, dự án sử thi là sưu tầm, biên dịch, công bố, nhưng số lượng sử thi của các dân tộc tại Tây Nguyên, trong đó có Ê Đê, Jarai rất khiêm tốn so với trữ lượng mà chúng ta sưu tầm được. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục có tiếng nói đề nghị trao truyền lại di sản này về cho cộng đồng, và vai trò của VOV là một trong những đơn vị cực kỳ quan trọng nếu chúng ta được tiếp nhận kho tàng này. Chúng ta không chỉ sử dụng nguồn dữ liệu này để dịch ra phục vụ cho phát thanh mà chúng ta còn có một kho tư liệu để số hóa, quảng bá bảo tồn không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài" - P.GS-TS Buôn Krông Tuyết Nhung chia sẻ.

Đánh giá cao cách làm của VOV Tây Nguyên trong nỗ lực bảo tồn văn hóa sử thi Tây Nguyên cũng như sử thi Ê Đê, Jarai, dưới góc độ của đơn vị quản lý nhà nước, ông Lại Đức Đại, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho rằng, việc bảo tồn văn hóa sử thi trên làn sóng là cách làm hiệu quả trong việc lan tỏa sâu rộng di sản văn hóa này trong cộng đồng.

"Việc bảo tồn văn hóa sử thi qua làn sóng phát thanh chính là cách bảo tồn hiệu quả nhất. Bởi vì sử thi được thể hiện bằng lời nói, lời kể, lời hát, mà chỉ có làn sóng phát thanh mới có thể thể hiện hiệu quả nhất. Bởi vì phát thanh đến được với vùng sâu, vùng xa và đến được với tất cả mọi thành phần của xã hội, len lỏi vào mọi ngõ ngách, mọi đối tượng. Các nhà đài thì cần chọn phương án và cách thức xây dựng như thế nào cho hiệu quả, tùy vào đặc thù lĩnh vực của mình" - ông Lại Đức Đại bày tỏ.

Khách mời tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo

Bà Phạm Thúy Ngọc, Trưởng phòng Tiếng Dân tộc, VOV Tây Nguyên cho rằng, để có thể phát huy hiệu quả của việc bảo tồn văn hóa sử thi trên làn sóng phát thanh tại đơn vị, rất cần sự phối hợp tổng thể giữa các ngành, các nhà nghiên cứu, các đơn vị quản lý nhà nước để có được những chương trình phát thanh có ý nghĩa thiết thực.

Theo bà Phạm Thúy Ngọc: "Đội ngũ nghệ nhân, nghệ sĩ, tri thức và những người nghiên cứu, họ đang gióng lên hồi chuông cấp thiết về sự mai một của sử thi trong cộng đồng. Và những người làm phát thanh phải suy nghĩ, đặt vào tình huống, điều kiện hiện nay để làm sao có những giải pháp hợp lý nhất, thích ứng nhất để đưa được sử thi Tây Nguyên và giá trị văn hóa của Sử thi Tây Nguyên đến với chính cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, họ hiểu và muốn duy trì nó, muốn lắng nghe và đưa văn hóa này lan tỏa hơn nữa".

H Xíu/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/bao-ton-van-hoa-su-thi-e-de-jarai-tren-song-phat-thanh-tieng-dan-toc-thieu-so-post1041858.vov