Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen

Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ nguồn gen quý hiếm của các loài động, thực vật, góp phần bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen.

Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra việc triển khai đề tài bảo tồn nguồn gen gà Ri vàng của đồng bào dân tộc Trại ở xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên).

Thái Nguyên là tỉnh có tính đa dạng sinh học cao. Về thực vật, trên địa bàn tỉnh có 1.640 loài và bậc dưới loài, trong đó có 97 loài quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam. Về động vật, côn trùng và thủy sinh có 57 loài thú; 147 loài chim; 52 loài lưỡng cư, bò sát; 1.060 loài côn trùng; 39 loài thực vật thủy sinh. Tuy nhiên, do tác động của con người và biến đổi khí hậu, trong những năm gần đây, số loài và số lượng cá thể thuộc các loài động vật, thực vật đặc hữu, quý hiếm trên địa bàn tỉnh đang bị suy giảm nghiêm trọng.

Nhằm bảo vệ các hệ sinh thái, sự đa dạng loài và đa dạng di truyền, tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài động, thực vật. Tỉnh đã xây dựng và tổ chức thực hiện 2 đề án khung nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) về quỹ gen cấp tỉnh (giai đoạn 2014-2020 và giai đoạn 2021-2025), với một số nội dung đề nghị chính: bảo tồn 40 nguồn gen cấp tỉnh, bảo tồn 3 nguồn gen cấp quốc gia, khai thác 9 nguồn gen cấp tỉnh, khai thác 3 nguồn gen cấp quốc gia.

Theo đó, Sở KH&CN đã chủ động phối hợp điều tra, khảo sát, đánh giá, tổ chức hội thảo khoa học, xây dựng dự thảo Đề án khung nhiệm vụ KH&CN về quỹ gen cấp tỉnh giai đoạn 2014-2020 và giai đoạn 2021-2025. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 36 nhiệm vụ KH&CN về quỹ gen cấp tỉnh, trong đó có 33 nhiệm vụ về bảo tồn nguồn gen, 3 nhiệm vụ về khai thác phát triển nguồn gen.

Đối với giống cây trồng, đã bảo tồn, lưu giữ làm cơ sở phát triển các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, như cây hồng xã Việt Cường (Đồng Hỷ); cây na (Võ Nhai); cây đậu tương Cúc bóng (Võ Nhai); cây rau sắng.

Đối với giống vật nuôi, đã chọn lọc, bảo tồn được các giống vật nuôi đặc sản, có giá trị kinh tế cao, cung cấp nguồn giống tại địa phương, gồm dê cỏ (Định Hóa); lợn đen (Định Hóa); gà nhiều cựa của đồng bào Dao thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ); gà Ri vàng của đồng bào Trại xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên); gà của đồng bào Mông (Đồng Hỷ, Võ Nhai).

Đối với thủy sản, đã điều tra, thu thập, bảo tồn được các giống thủy sản như cá chạch sông, cá lăng chấm, cá nheo, ếch Tam Dảo, cá Anh Vũ, cá bướm be, cá măng.

Về cây dược liệu, đã điều tra, đánh giá thực trạng phân bố, tuyển chọn và bảo tồn được các giống: cây lan Kim tuyến, cây mã tiền lông, bình vôi, lá khôi, thiên lý hương, hà thủ ô đỏ, thổ phục linh.

Đối với cây lâm nghiệp, đã điều tra, đánh giá thực trạng phân bố, xây dựng mô hình bảo tồn được các giống như: re hương, vù hương, đinh nật, nghiến gân ba, vàng tâm, lim xanh, sến mật, chò nâu, trai lý. Nguồn gen vi sinh vật trong phòng chống bệnh cho cây chè gồm nhóm trực khuẩn Bacillus thuringiensis (Bt), nhóm xạ khuẩn Actinomycetes.

Các giống cây, con đặc hữu, quý hiếm đã được điều tra, thu thập, được bảo tồn dưới các hình thức tại chỗ và chuyển chỗ. Việc bảo tồn và khai thác nguồn gen đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp bảo tồn được các nguồn gen quý hiếm, đặc trưng của tỉnh. Từ đó phát triển để thương mại hóa các nguồn gen, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ thiên nhiên, môi trường; khai thác phục vụ nghiên cứu khoa học, sản xuất, đời sống…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202311/bao-ton-va-su-dung-ben-vung-nguon-gen-3f10b3f/