Bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang

Tại hội thảo khoa học quốc gia 'Không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang' (Tây Yên Tử) do Viện Trần Nhân Tông (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang phối hợp tổ chức ngày 31/10, nhiều đại biểu 'hiến kế' cho Bắc Giang giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa Phật giáo. Báo Bắc Giang ghi lại một số ý kiến tâm huyết.

PGS.TS Lê Văn Canh, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội):

Xây dựng không gian văn hóa bằng triết lý đạo với đời là một

Nói đến không gian Phật giáo Tây Yên Tử là nói đến một di sản văn hóa phi vật thể mang tính đặc thù. Khác với tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa nếu biết khai thác với tinh thần tỉnh thức của đạo Phật thì giá trị đó càng khai thác càng phát triển.

PGS.TS Lê Văn Canh.

Để biến những giá trị văn hóa phi vật thể trong không gian văn hóa Phật giáo của Bắc Giang thành tài nguyên, thành sức mạnh nội sinh và động lực phát triển KT-XH, tỉnh cần bám sát triết lý trung đạo, gắn đời với đạo, trong đạo có đời, trong đời có đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Mọi ý tưởng xây dựng không gian văn hóa Phật giáo Tây Yên Tử phải hướng đến mục đích là làm cho triết lý, tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm thăng hoa, sống mãi trong tâm trí của mỗi người.

Quá trình xây dựng cần gắn phát triển các giá trị văn hóa Phật giáo với phát triển KT-XH của địa phương thông qua việc coi trọng mối quan hệ quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong đó lấy chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) là trung tâm không gian văn hóa Phật giáo của tỉnh để vừa khai thác được các giá trị văn hóa, vừa hài hòa mỗi liên hệ giữa giá trị truyền thống và phát triển kinh tế. Bởi nếu chỉ chú trọng lĩnh vực kinh tế thì di sản văn hóa chỉ như ngôi nhà chứa đầy của cải nhưng vắng chủ nhà, còn nếu bỏ qua khía cạnh kinh tế thì di sản chỉ là ngôi nhà trống rỗng. Lấy văn hóa để phát triển kinh tế và lấy thành tựu phát triển kinh tế để bảo tồn, làm phong phú thêm giá trị văn hóa chính là tư tưởng đời và đạo làm một của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Đại đức Thích Huệ Lương, Trụ trì Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng:

Kế thừa, phát huy phương pháp tu tập và hành đạo của Tam Tổ Trúc Lâm

Bằng những hoạt động tu tập và hành đạo thực tiễn của mình, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng đã và đang nỗ lực trong công tác phục hồi, chấn hưng và tôn vinh các giá trị văn hóa Phật giáo thời Trần, góp phần xây dựng một xã hội đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau, tích cực làm việc thiện, biết tu sửa những thói hư, tật xấu.

Đại đức Thích Huệ Lương.

Thông qua ghi chép về cuộc đời và sự nghiệp, đặc biệt những tác phẩm của Tam Tổ, chúng ta có thể hình dung phần nào phương pháp mà các ngài đã hành trì trong thời gian tu tập gồm: Lục thời sám hối, phản quang tự kỷ, biết vọng không theo, chân tâm hiện tiền. Các hoạt động hành đạo gồm lao động, chấp tác và hoạt động hoằng pháp.

Phương pháp tu tập và hành đạo của Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng ở Bắc Giang có tính kế thừa và phát huy những giá trị mà Tam Tổ Trúc Lâm để lại. Điều này giúp bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể của Phật giáo và dân tộc, góp phần bảo vệ và gìn giữ văn hóa Việt Nam trước nguy cơ của thời đại. Việc duy trì nếp sống, sinh hoạt, tu tập và hành đạo của các vị tổ sư tại Thiền viện đã khẳng định vị trí và vai trò của Phật giáo trên mặt trận văn hóa.

Do đó, tôi mong muốn, chính quyền các cấp trong tỉnh Bắc Giang cũng như Giáo hội các cấp tạo điều kiện giúp đỡ hơn nữa trong công tác Phật sự tại Bắc Giang, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể.

Tiến sĩ Phạm Thị Thảo, Viện Trần Nhân Tông (Đại học Quốc gia Hà Nội):

Xây dựng mô hình mới để phát triển du lịch tâm linh

Du lịch tâm linh nói chung, du lịch tâm linh Phật giáo nói riêng là xu hướng tất yếu trong phát triển KT-XH bởi nó không chỉ đáp ứng các tiêu chí của hoạt động du lịch mà còn giúp an định, chữa lành và tái tạo năng lượng tích cực.

Tiến sĩ Phạm Thị Thảo.

Với những di tích, công trình hiện có, Bắc Giang hội đủ các yếu tố để phát triển du lịch văn hóa tâm linh với nhiều tài nguyên và các di sản Phật giáo như: Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà cùng hệ thống các chùa và không gian tự nhiên…

Để khai thác những lợi thế này, Bắc Giang cần lựa chọn những mô hình mới như: Công viên Phật giáo; sức khỏe dưỡng sinh chốn Phật môn; thực hành, thực tập các nghi lễ Phật giáo; trải nghiệm đời sống chốn Phật môn; khám phá lịch sử, văn hóa thông qua không gian 3D…

Cùng đó, phát triển du lịch tâm linh Phật giáo cần có sự định hướng của các ngành quản lý; có sự tuyên truyền giáo lý của các tăng, ni, thái độ tu tập nghiêm túc của các cư sĩ. Bởi các mô hình trong du lịch tâm linh Phật giáo không chỉ để hoằng dương, đạo pháp, quan trọng hơn là để khai tâm minh tính, phổ độ chúng sinh. Có như thế, mối quan hệ giữa đạo pháp và xã hội mới cân bằng, trọn vẹn được giá trị mà Phật tổ tựu tác truyền lưu.

Nhóm PV

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/414234/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-khong-gian-van-hoa-phat-giao-bac-giang.html