Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc Dao

Với 25 nhóm ngành dân tộc cùng sinh sống, tỉnh Lào Cai có một kho tàng văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng và giàu bản sắc. Bản sắc văn hóa dân tộc của Lào Cai không chỉ là di sản, mà còn là tài nguyên quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của dân tộc Dao được tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm và gìn giữ để các di sản văn hóa của dân tộc trở thành tài sản.

Những quyển sách cổ chữ Nôm Dao được các nghệ nhân lưu giữ rất cẩn thận. Ảnh: Ái Vân

Những quyển sách cổ chữ Nôm Dao được các nghệ nhân lưu giữ rất cẩn thận. Ảnh: Ái Vân

Nghi lễ cấp sắc của người Dao đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Cấp sắc hay còn gọi là lễ thành đinh, lễ lập tịch là một nghi lễ quan trọng trong chu kỳ đời người của người Dao. Với người đàn ông dân tộc Dao, lễ cấp sắc không chỉ đánh dấu sự trưởng thành của người đàn ông, mà đó còn là nghi lễ mô phỏng sự ra đời của con người, là quá trình của người đàn ông Dao từ khi được sinh ra, là những lời răn dạy của các bậc thánh hiền, là nghi lễ để người Dao biết ơn tổ tiên, nguồn cội.

Vừa qua, ông Lý Díu Vạn, 80 tuổi, thôn Láo Vàng Chải, xã Tòng Sành, huyện Bát Xát mới được làm lễ cấp sắc 12 đèn. Ông cho biết: "Tôi đã làm cấp sắc 3 đèn, năm hơn 20 tuổi thì làm cấp sắc 7 đèn, bây giờ, các con lớn rồi mới làm cấp sắc 12 đèn được". Theo tín ngưỡng của người Dao, lễ cấp sắc là phong tục bắt buộc của người đàn ông, chỉ những người được cấp sắc mới được coi là người đàn ông trưởng thành có đủ tâm, đức để phân biệt trái, phải, được công nhận là con cháu của Bàn Vương, tổ tiên của người Dao. Lễ cấp sắc có ý nghĩa giáo dục về truyền thống, giúp con người nhận thức đúng đắn về nhân cách, đạo đức, trách nhiệm đối với gia đình và xã hội.

Thực hiện nghi lễ cấp sắc có nhiều thầy chính và nhiều thầy phụ, mỗi thầy có một nhiệm vụ khác nhau, nhưng đều có chung một mục đích là truyền lại các phép, quân binh, đạo đức của mình cho các học trò. Các bài hành lễ và bài cúng được ghi trong sách Nôm Dao, người được cấp sắc sẽ được tìm hiểu về lịch sử, cội nguồn, hiểu biết thêm về những đạo lý trên đời, hướng tới cái thiện để họ sống đẹp và nhân văn hơn.

Những người đi qua lễ cấp sắc đều thuộc nằm lòng những điều cấm và nguyện, những lời răn đã được thiêng hóa, dạy con cháu phải nhớ ơn tổ tiên, sống hiếu kính với cha mẹ, bỏ qua những hiềm khích, xây dựng gia đình hạnh phúc, làm rạng rỡ cho quê hương. Trong những nghi lễ thiêng, đời sống phong phú và sinh động của dân tộc Dao cũng được thể hiện qua âm nhạc, diễn xướng, các điệu múa dân gian, gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống ấy, góp phần tô điểm bức tranh văn hóa 54 dân tộc Việt Nam thêm đa dạng và giàu tính nhân văn.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, cộng đồng dân tộc Dao ở Lào Cai đã tạo dựng nên những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần làm phong phú, đa dạng các dân tộc Lào Cai. Đặc biệt, với người Dao, tri thức bản địa được ghi chép khá hệ thống, đầy đủ bằng văn tự, đó là kho tàng sách cổ bằng chữ Nôm Dao. Nội dung sách phong phú bao gồm nhiều loại hình, bên cạnh hướng dẫn thực hành đạo giáo còn có sách hướng dẫn bảo tồn phong tục tập quán, nghi lễ của người Dao.

Nhờ có sách cổ, những trò chơi dân gian được ghi chép, truyền lại cho thế hệ sau. Sách của người Dao còn là sách truyền dạy kinh nghiệm ứng xử, mối quan hệ xã hội, cách xem thời tiết, chọn đất canh tác, tri thức về dược liệu và cách chữa bệnh của người Dao, trong đó, các loại sách về kinh nghiệm ứng xử xã hội, sách giáo huấn răn dạy làm người khá đầy đủ và phong phú.

Yêu tha thiết văn hóa dân tộc Dao đỏ, ông Tẩn A Nhị rất trân quý những trang sách cổ. Với ông, sách cổ là nguồn tư liệu, là chìa khóa để mở cánh cửa nghiên cứu văn hóa của người Dao. Mỗi trang sách đều chứa đựng tinh thần nhân văn sâu sắc. Vì thế, ông Nhị dạy lớp trẻ học chữ, cũng là dạy cách làm người. Ông Nhị cho biết: "Đọc sách để học cách tôn trọng bố mẹ, anh em, họ hàng, để biết đạo lý ở đời, cái gì đúng, cái gì sai. Đây là quyển sách cực kỳ chuẩn mực mà tôi đã đọc và học được nhiều điều từ đó".

Ông Tẩn A Nhị dạy chữ Nôm Dao cho các thế hệ sau. Ảnh: Ái Vân

Ông Tẩn A Nhị dạy chữ Nôm Dao cho các thế hệ sau. Ảnh: Ái Vân

Khác với một số dân tộc của Việt Nam không có chữ viết, người Dao mượn chữ Hán để phiên âm ra tiếng Dao, lưu giữ giá trị văn hóa của dân tộc mình. Chữ Nôm Dao vì vậy có ý nghĩa đặc biệt trong cộng đồng người Dao. Chữ Nôm Dao trước đây, được sử dụng trong mọi văn tự của người Dao, từ sách vở ghi chép ngày tháng, thơ văn, di chúc, tục lệ. Chữ Nôm Dao gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào Dao. Qua thời gian, do ảnh hưởng của văn hóa, còn rất ít người biết đọc, biết viết chữ Nôm Dao.

Đồng bào dân tộc Dao là một trong số ít dân tộc thiểu số của Việt nam có chữ viết riêng. Đối với dân tộc Dao, văn tự là nơi ghi lại tất cả vạn vật, thay đổi, biến chuyển của cuộc sống và con người, chính vì vậy, bộ chữ Nôm Dao truyền thống, những trang sách cổ là một trong những văn hóa, tín ngưỡng truyền đời của người Dao, là di sản quý giá, đại diện cho văn hóa cội nguồn dân tộc mà không có gì thay thế được.

Tiến Sĩ Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Lào Cai cho biết, đã có những cuốn sách của người Dao dạy về chăn nuôi, canh tác, có những cuốn sách dạy về cách làm người, có cuốn lại dạy về các nghi lễ. Trong quá trình di cư, họ bỏ lại rất nhiều thứ nhưng họ không bao giờ bỏ lại sách cổ.

Tranh thờ là một bộ tranh thiêng vô cùng quan trọng có mặt trong nhiều nghi lễ cúng của người Dao, ẩn chứa sự huyền bí trong nét văn hóa, chứa đựng nội dung giáo huấn trong tôn sư trọng đạo, hướng đến việc thiện, hình thành nên nhân cách con người. Người Dao quan niệm, tranh thờ là vật thiêng gắn liền với đời sống tâm linh, cần phải tôn kính. Hiện nay, ở Lào Cai, chỉ còn ít người biết vẽ tranh thờ. Việc học vẽ tranh cũng mất thời gian, từ vài tháng đến cả năm, tùy vào nhận thức và khả năng học của mỗi người, đó chính là lý do những thanh niên người Dao không mặn mà với nghề truyền thống này.

Không nhận mình là thầy giỏi, ông Chảo Tờ Sài, ở xã Tòng Sành, huyện Bát Xát yêu tha thiết nét văn hóa của dân tộc mình, trân quý những bài học đạo đức, triết lý nhân sinh sâu sắc trong mỗi bức tranh thờ, mỗi trang sách cổ. Ông Sài luôn ôm ấp tâm nguyện được truyền lại tình yêu văn hóa dân tộc cho các thế hệ sau.

Trong cộng đồng người Dao, các nghệ nhân là những điển hình trong gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc. Những đóng góp, việc làm ý nghĩa của họ giúp bảo vệ, gìn giữ, trao truyền cho con em mình, đồng bào mình kho tàng quý giá của dân tộc. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy Lào Cai về phát triển văn hóa, con người Lào Cai, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững giai đoạn từ năm 2020 - 2025.

Trong dòng chảy hiện nay, mỗi cộng đồng dân tộc phải luôn có ý thức tìm hiểu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thì những giá trị đó sẽ trường tồn mãi với thời gian, sẽ tạo động lực cho sự phát triển và những di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Dao cũng không nằm ngoài dòng chảy chung đó.

Ái Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-cua-dan-toc-dao-post472143.html