Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản ở huyện Mường La

Di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước, là kết tinh lao động và sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác dày công tạo dựng. Với sự phong phú và giàu bản sắc, các di sản văn hóa huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã góp phần quan trọng trong việc vun đắp lịch sử truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và quảng bá bức tranh đa sắc màu vùng Tây Bắc.

2 cây dẻ tại bản Mường Chiến, xã Ngọc Chiến được công nhận là cây di sản Việt Nam. Ảnh: Vân Hà

2 cây dẻ tại bản Mường Chiến, xã Ngọc Chiến được công nhận là cây di sản Việt Nam. Ảnh: Vân Hà

Xã Ngọc Chiến, huyện Mường La được biết với tiềm năng phát triển du lịch, trong đó có rừng cây sơn tra cổ thụ, thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan trải nghiệm. Mới đây, Hội đồng cây di sản Việt Nam đã gắn biển 7 cây di sản có tuổi đời lên tới hàng trăm năm tuổi như cây du sam, cây sồi, cây gạo, cây đạ tía. Đây là niềm vui lớn, niềm tự hào của nhân dân trên địa bàn về những loại cây đã gắn bó mật thiết lâu đời, thậm chí gắn liền với đời sống tâm linh của đồng bào. Theo các cụ cao niên trong xã kể lại, những cây cổ thụ này đều có tích truyện linh thiêng của thời kỳ đầu khai phá, mở mang xây dựng xã Ngọc Chiến, là những minh chứng lịch sử mà những yếu tố tâm linh đem lại may mắn, mưa thuận, gió hòa trong quá trình sản xuất của dân trong vùng.

Theo hồ sơ được Hội đồng cây di sản Việt Nam công nhận, cây số 1 là cây du sam núi đất ở bản Nà Tâu được người dân ở đây gọi là cây thần, cây sa mu đại thụ, có đến hàng nghìn năm tuổi. Những người dân ở Nà Tâu cũng không biết cây du sam cổ thụ có từ bao giờ, họ chỉ biết khi lớn lên đã thấy cây lớn sừng sững giữa làng. Ngày nay, ở bản Nà Tâu vẫn lưu truyền truyền thuyết về cây du sam.

Khi người dân mới đến mảnh đất này định cư, họ muốn đốn hạ cây du sam núi đất này để dựng nhà, lấy đất làm ruộng nhưng dông bão bỗng nổi lên, mây đen kéo đến, từ trên thân cây có một con hổ to lớn nhảy xuống, đôi mắt rực lửa, nó gầm gừ, nhe nanh, muốn xông tới vồ mọi người. Ngay lúc đó, từ trong thân cây, có một cụ già đi ra và bảo, đây là cây thần, là nơi thần ngự, mọi người cứ ở đây canh tác sinh sống, làm ăn, thần sẽ bảo vệ, nhưng không được đốn hạ cây, nếu không sẽ chết cả bản. Nói xong, cụ già và con hổ biến mất. Từ đó, người dân Nà Tâu dựng miếu thờ thần và gọi cây du sam là cây thần.

Những cây lịch sử ở Ngọc Chiến còn gắn liền với sự tích chống giặc ngoại xâm và những bậc tiền nhân có công khai hoang lập bản, lập mường. Hằng năm, vào ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch, người dân ở nơi đây lại làm lễ cúng thần cây để cầu mong mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, người dân được bình an, cây thần trở thành biểu tượng, báu vật cao quý của nhân dân bản Nà Tâu. Ông Lò Văn Quán, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Mường Chiến, xã Ngọc Chiến cho biết, tại địa phương có cây cổ thụ lâu năm, tôi tuyên truyền cho người dân biết đây là những cây di sản cần được bảo tồn để tiến tới phát triển du lịch.

Còn 2 cây sồi mọc trên một gò đất nhỏ tại cánh đồng bản Mường Chiến, cây có tán lá cân đối, dáng cây đẹp, trường tồn đã 400 năm. Theo truyền thuyết người Thái trắng ở Mường Chiến, 2 cây này đã có khi họ đến đây lập bản, trong cuộc sống, bà con thường ra đây để cầu xin hạnh phúc, nhất là những đôi đang yêu nhau. Hai cây này là biểu tượng cho mối tình thủy chung, son sắt.

Ngoài cây sa mu đại thụ, cây đôi tình yêu, còn có quần thể 3 cây đa tía trên 400 năm tuổi ở bản Lướt và cây gạo 300 năm tuổi ở bản Phày. Khác với những cây di sản ở các vùng khác, mỗi cây di sản ở Ngọc Chiến đều được người dân dựng nhà thờ, phân công người trông coi vì theo quan niệm của đồng bào nơi đây, cây cổ thụ có hàng trăm năm tuổi được cho là nơi trú ngụ của thần linh. Việc 7 cây cổ thụ trên địa bàn được công nhận là cây di sản đã tạo thêm điểm nhấn, tạo sức hút cho du khách khi đến du lịch ở Ngọc Chiến, không chỉ cảnh quan thiên nhiên văn hóa độc đáo mà còn hấp dẫn bởi câu chuyện linh thiêng gắn với liền với các cây di sản.

Với tiềm năng du lịch cùng với những tích truyện linh thiêng, những cây di sản ở Ngọc Chiến đang là điểm nhấn, hấp dẫn trong chuyến tham quan của du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần thúc đẩy du lịch của miền quê này.

Ông Lò Văn Thoa, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến cho biết, trong quá trình phát triển văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn, chúng tôi rất chú trọng những cây cổ thụ này. Đồng thời tuyên truyền cho bà con địa phương cùng gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của cây di sản, để mỗi cây là một địa điểm tham quan, thu hút khách du lịch đến với Ngọc Chiến.

Ở Mường La có 5 dân tộc cùng sinh sống, tạo ra màu sắc văn hóa đa dạng, phong phú. Việc bảo tồn và phát triển văn hóa phi vật thể của người dân và chính quyền nhìn từ bảo tồn văn hóa di sản có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc đổi mới hiện nay, làm giàu thêm các giá trị văn hóa riêng có để Mường La trở thành điểm đến trong hành trình khám phá Tây Bắc.

Vân Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-ton-va-phat-huy-cac-gia-tri-di-san-o-huyen-muong-la-post470343.html