Bảo tồn, phát triển làng nghề gắn với Chương trình OCOP

Làng nghề đan đát thôn Vinh Ba, xã Hòa Đồng là một trong những làng nghề được đưa vào đề án Khôi phục phát triển làng nghề gắn với du lịch. Ảnh: NGỌC HÂN

Các địa phương trong tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống, là tiềm năng để phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần nâng cao đời sống vật chất của người dân, cũng như hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM).

Phát huy tiềm năng

Theo Chi cục Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có 2.220 cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn ở 17 làng nghề truyền thống. Trong đó, một số nghề bị mai một và dần thất truyền; một số nghề khác tiếp tục tồn tại, phát triển, thích ứng với hoàn cảnh mới. Những năm qua, các nghề, làng nghề luôn được tỉnh quan tâm, có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh ngành nghề nông thôn phát triển sản phẩm đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

“Nhằm bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn, tỉnh đã phê duyệt nhiều đề án, dự án, chính sách hỗ trợ phát triển giao cho các sở, ngành, địa phương triển khai. Năm 2022, tỉnh đã tổ chức 6 đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và có 52 sản phẩm dự thi được hội đồng đánh giá sản phẩn OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm tham gia vào Chương trình OCOP được sản xuất từ các làng nghề truyền thống”, ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho hay.

Theo ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy An, các sản phẩm tham gia chương trình OCOP muốn đạt sao phải qua tuyển chọn rất kỹ về quy trình sản xuất, cách đóng gói sản phẩm. Việc này đã tạo động lực cho các làng nghề từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Địa phương đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ gửi Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm tỉnh để đánh giá, phân hạng các sản phẩm truyền thống OCOP đặc trưng của địa phương như bánh tráng Hòa Đa, cá ngừ đại dương, bánh đồng tiền gắn hạt dinh dưỡng, thanh gạo lứt ngũ cốc, thanh gạo lứt chà bông...

Ông Nguyễn Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa cho biết: Giá trị của Chương trình OCOP là để thúc đẩy các sản phẩm của địa phương. Tiêu biểu như nghề mây tre đan Phước Nông, xã Hòa Bình 1 được sản xuất bởi các chủ thể làng nghề đan mây, tre. Họ sẽ có những bí quyết riêng để tạo ra sản phẩm độc quyền mà các làng nghề khác không có. Từ đó, giá trị thương hiệu sản phẩm sẽ rất cao.

Khôi phục, phát triển làng nghề

Làng nghề dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời ở xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân. Đặc thù làng nghề dệt thổ cẩm này sử dụng nguyên liệu chỉ len nhiều màu sắc, khung dệt, máy may, máy vắt sổ… tạo nên những sản phẩm mang nét đặc trưng riêng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là số hộ theo nghề truyền thống rất ít, chỉ còn khoảng 15/192 tổng số hộ của thôn, chủ yếu ở quy mô gia đình, sản phẩm chưa đa dạng; lượng khách du lịch biết đến những sản phẩm của địa phương còn ít.

Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: Để tạo động lực cho các làng nghề từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, huyện đang hỗ trợ, hướng dẫn các hộ làng nghề dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại xây dựng mô hình sản phẩm dệt thổ cẩm để giới thiệu và quảng bá sản phẩm đặc trưng thông qua tham gia Chương trình OCOP.

Các nghề, làng nghề trên địa bàn tỉnh có từ lâu đời, gắn với đặc trưng từng địa phương. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thắng, trong xu hướng phát triển theo cơ chế thị trường, nhiều làng nghề không bắt kịp, dần mất thị phần và cả sự quan tâm của người tiêu dùng. Từ đó dẫn đến việc người làm nghề chỉ làm vì đam mê, làm vì muốn giữ lại nghề truyền thống của cha ông mà không tính đến chuyện mở rộng quy mô hay cải tiến mặt hàng truyền thống để bắt kịp nhu cầu của người tiêu dùng. Mặt khác, việc giảm sút về quy mô hoạt động của các làng nghề là do thu nhập không cao, không còn là sự lựa chọn của phần lớn người nông thôn trong độ tuổi lao động.

Để tiếp tục phát triển các sản phẩm OCOP truyền thống đặc trưng của địa phương, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án Khôi phục phát triển một số làng nghề tiểu thủ công nghiệp và du nhập phát triển một số nghề mới gắn với phát triển du lịch. Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Theo đề án, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh nỗ lực khôi phục, bảo tồn 10 làng nghề có nguy cơ mai một; ít nhất 10 sản phẩm làng nghề tham gia Chương trình OCOP và được gắn sao, đồng thời xây dựng thương hiệu 5 làng nghề. Các làng nghề cần khôi phục và bảo tồn là làng nghề dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), dệt thổ cẩm thôn Xây Dựng, xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa), dệt thổ cẩm buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), làng nghề làm rượu cần từ men lá rừng của đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê (huyện Sông Hinh), làng nghề mây tre đan Phước Nông, xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa)…

Để có thể bảo tồn, phát triển làng nghề bền vững, ngành Nông nghiệp tỉnh xác định tiếp tục xây dựng kế hoạch, đề án, dự án phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn phát triển nghề, làng nghề truyền thống; tăng cường công tác đào tạo nghề; hỗ trợ tín dụng, đổi mới ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài ra, thông qua thực hiện Chương trình OCOP, đầu tư, khuyến khích phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống hoàn thiện, nâng cấp chất lượng sản phẩm, dần dần áp dụng các công nghệ mới, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/291849/bao-ton-phat-trien-lang-nghe-gan-voi-chuong-trinh-ocop.html