Bảo tồn, phát huy giá trị kinh đô Vạn Lại - Yên Trường (Bài 2): Ước mong bao đời...

Dù là một kinh đô có vai trò quan trọng trong việc giúp nhà Lê trung hưng đất nước, song theo thời gian, kinh đô kháng chiến một thời dần rơi vào quên lãng. Bảo tồn, phát huy giá trị kinh đô xưa một cách xứng tầm không chỉ là ước mong của người dân Vạn Lại - Yên Trường mà còn là nỗi niềm mong mỏi của các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương nơi đây.

Đàn Nam Giao đang nằm trên phần đất người dân, xung quanh cỏ cây mọc um tùm. Ảnh: Đình Giang

Mượn chuyện “voi đá đổ lệ”

Trở lại câu chuyện về cặp linh vật voi, ngựa đá ở nghinh môn (thuộc thôn 7, xã Thuận Minh), ngoài việc nhà nghiên cứu Hoàng Hùng đã từng chỉ ra nhiều điều kỳ lạ ở kỳ trước, như kích thước giữa cặp voi, ngựa đá bên tả, bên hữu không đồng nhất; voi đá bên có mắt, bên không thì chuyện yên vị của cặp linh vật cũng như việc voi đá đổ lệ, khiến cho nhiều người không khỏi tò mò.

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, vào những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, một xưởng cơ khí sơ tán đến khu vực núi Gò Tô, cách hành điện Vạn Lại khoảng 3km. Ban lãnh đạo xưởng cơ khí này đã đặt vấn đề với chính quyền địa phương xin đưa cặp voi, ngựa đá về cơ quan để trưng bày. Được sự đồng ý của chính quyền địa phương lúc bấy giờ, chủ xưởng cơ khí đã cho máy móc, phương tiện vào vận chuyển, nhưng điều kỳ lạ đã diễn ra. Khi đơn vị cho máy cẩu đưa cặp linh vật này đi, thì liên tiếp 3 lần không thành. Lần thì bị hỏng động cơ máy, lần thì máy cẩu trục trặc, rồi đứt cáp. Quá ba lần không thành, ban lãnh đạo xưởng cơ khí thấy lạ lùng, hỏi các bậc cao niên trong làng thì mới hay đó là cặp linh vật của hành điện Vạn Lại. Biết được đây là chốn thiêng, ban lãnh đạo xưởng cơ khí đã sắm đồ lễ đến hành điện tạ lỗi.

Bà Nguyễn Thị Đỡ (96 tuổi, thôn 6, xã Thuận Minh) cho biết: Thuở nhỏ, bà được nghe ông bà, bố, mẹ kể về hành cung Vạn Lại, về những câu chuyện huyền bí xoay quanh đàn Nam Giao, giếng Mắt Rồng, tượng phổng, voi ngựa đá... nên không ai dám mạo phạm. Việc bỏ hoang, thiếu sự quan tâm bảo vệ khiến bà cũng như người dân nơi đây không khỏi xót xa.

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, điều khiến ông cũng như người dân địa phương trăn trở đó là chuyện voi đá đổ lệ. Trong mắt của voi đá thường xuyên chảy ra một dòng nước màu đen rơi xuống mi mắt dưới, thành từng dòng. Người dân, các nhà nghiên cứu đã kiểm chứng bằng việc lau chùi sạch sẽ, nhưng chỉ được một thời gian, những giọt lệ này lại chảy ra như cũ. “Không biết vì lý do gì mà đến voi đá cũng biết khóc, phải chăng do sự lãng quên của hậu thế?!” - nhà nghiên cứu Hoàng Hùng băn khoăn.

Trách nhiệm bảo tồn, phát huy

Ông Lữ Văn Trưởng, công chức văn hóa - xã hội, xã Thuận Minh cho biết: Di tích lịch sử văn hóa Hành cung - đền thờ nhà Lê (thế kỷ XVI), xã Xuân Châu (nay là xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân) được Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ký Quyết định số 137/VHQĐ ngày 4-5-1995 về việc bảo vệ di tích văn hóa và danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, suốt từ năm 1995 đến năm 2020, tại khu vực kinh đô Vạn Lại - Yên Trường chưa có một cuộc nghiên cứu, khảo cổ nào diễn ra. Đến năm 2021, mới có đợt khảo cổ đầu tiên trên nền diện tích 294m2 ở kinh đô Vạn Lại - Yên Trường. Ông Trưởng xót xa nói, nếu không sớm có giải pháp trùng tu, bảo vệ thì những dấu tích của kinh thành xưa sẽ không còn theo thời gian.

Mắt voi đá đổ lệ...?

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Lực, Bí thư Đảng ủy xã Thuận Minh cho biết, trước sự xuống cấp của di tích, địa phương dù đã rất nỗ lực trong việc kêu gọi xã hội hóa để lấy nguồn bảo tồn nền móng của hành điện và các linh thú, cũng như khoanh vùng để phục vụ cho việc khảo sát, nghiên cứu sau này. Tuy nhiên, để trùng tu, bảo vệ cũng như phát huy giá trị di tích rất cần sự quan tâm, đầu tư của các cấp ngành.

Còn ông Lê Minh Thuấn, Chủ tịch UBND xã Thọ Lập cho biết, tại hội thảo năm 2021, các nhà nghiên cứu đã đề nghị sớm hoàn thiện hồ sơ công nhận di tích quốc gia đặc biệt ngang tầm với Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đền thờ Lê Hoàn và sẽ phát triển chuỗi du lịch trải nghiệm tâm linh Thành Nhà Hồ - Lê Hoàn - Vạn Lại - Yên Trường - Lam Kinh.

Theo tài liệu huyện Thọ Xuân cung cấp, ngày 19-3-2022, Huyện ủy Thọ Xuân đã có Tờ trình số 77-TTr/HU về việc xin chủ trương lập quy hoạch bảo tồn, tu bổ, phục hồi Di tích hành cung Vạn Lại - Yên Trường, huyện Thọ Xuân gắn với phát triển du lịch. Theo đó, căn cứ kết quả khai quật khảo cổ trên nền 294m2 năm 2021, bước đầu cho thấy Di tích hành cung Vạn Lại - Yên Trường thuộc đối tượng được lập quy hoạch bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích theo quy định tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25-12-2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa tại Văn bản số 16536/UBND-VX ngày 4-11-2022 về việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di tích hành cung Vạn Lại - Yên Trường, huyện Thọ Xuân; Văn bản số 6101/UBND-VX ngày 5-5-2023 về việc giao rà soát, hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu, mở rộng khai quật khảo cổ Di tích hành cung Vạn Lại - Yên Trường, xã Thuận Minh và Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, ngày 8-5-2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa có Văn bản số 2117/SVHTTDL-DSVH về việc xin ý kiến về mục đích, quy mô, diện tích, kinh phí thực hiện nghiên cứu mở rộng khai quật Di tích hành cung Vạn Lại - Yên Trường, gửi các sở, ban, ngành.

Theo đó, trước thực tế di tích hiện nay và kết quả khai quật bước đầu, nhằm tiếp tục bổ sung tư liệu, tài liệu để xác định rõ hơn giá trị, phạm vi, quy mô, cấu trúc, kiến trúc, tính chất... của Di tích hành cung Vạn Lại - Yên Trường, làm cơ sở khoa học cho việc lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích, đồng thời nghiên cứu lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích hành cung Vạn Lại - Yên Trường gắn với phát triển du lịch huyện Thọ Xuân.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Viện Khảo cổ học, UBND huyện Thọ Xuân, UBND các xã Thọ Lập, Thuận Minh rà soát, nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện Dự án khai quật khảo cổ Di tích hành cung Vạn Lại - Yên Trường, với các nội dung: Về quy mô, diện tích khai quật: Dự kiến là 1.500m2 (gồm: Khu vực hành cung Vạn Lại, xã Thuận Minh là 800m2. Khu vực Đàn tế Nam Giao, xã Thuận Minh là 200m2; Khu vực Thềm Điện, xã Thọ Lập là 300m2. Khu vực kho tàng, xã Thọ Lập là 100m2; khu vực Bến thuyền, xã Thọ Lập là 100m2). Thời gian thực hiện trong năm 2023-2024, kinh phí bố trí từ ngân sách tỉnh.

Đình Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/bao-ton-phat-huy-gia-tri-kinh-do-van-lai-yen-truong-bai-2-uoc-mong-bao-doi/191924.htm