Bảo tồn nhà cổ bên dòng Sào Khê-Giữ lại mạch nguồn nhịp đập từ quá khứ, góp phần xây dựng bản sắc Đô thị di sản

Dáng vóc một đô thị trong tương lai của Ninh Bình (thành phố Hoa Lư) được quy hoạch quanh ngũ giác nước là sự kết nối không gian tụ cư giữa 5 dòng sông: Sông Hoàng Long ở phía bắc; sông Đáy, sông Vân ở phía đông nam; sông Rịa, sông Bến Đang ở phía tây nam. Ngũ giác nước này cũng ôm trọn Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An ở trong lòng, một không gian thiêng chứa đựng nhiều giá trị nổi bật toàn cầu về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử, văn hóa nhân loại và dân tộc Việt Nam.

Dòng Sào Khê có tổng chiều dài khiêm tốn khoảng 10km nhưng mang trong mình bề dày dấu tích lịch sử địa chất, nhân loại và dân tộc. Truyền và nhận nước từ sông Hoàng Long, nơi không gian thiêng thực hiện nghi lễ rước nước trong Lễ hội Hoa Lư, chảy qua hai xã Ninh Xuân, Ninh Thắng rồi nhập với dòng sông Vân quanh làng Cổ Loan, xã Ninh Tiến, thành phố Ninh Bình. Dòng Sào Khê chảy trong lòng kinh thành Hoa Lư xưa, hình thành các cổng thành-cửa nước xuyên những tuyến tường thành cầu Dền, núi Chẽ, cầu Đông, cầu Hội, nay còn bóng dáng các cây cầu khi có tuyến đường bộ vượt qua như cầu Dền, cầu Chẽ, cầu Đông, cầu Hội. Dấu tích lịch sử địa chất, địa mạo bên dòng Sào Khê là những cảnh quan tháp đá vôi kỳ diệu, lúc ẩn lúc hiện qua nắng sớm, mây chiều, qua con nước đầy vơi, nơi ở ẩn của nhiều chí sỹ trong đó có cụ Phạm Văn Nghị gắn với các địa danh Đá Bàn; Ngô Ngã, Ông Trạng; Hòm Sách. Dòng chảy Sào Khê nối thông các thung lũng, vụng biển xưa (gắn với địa danh các áng như: Áng Xuân, Áng Nội, Áng Ngoại, Áng Nồi, Áng Lấm; các vụng: Vụng Quao, Vụng Chão…), chảy qua các vùng còn lưu giữ những di tích, truyền thuyết liên quan tới hành cung Vũ Lâm thời Trần, mà mới đây qua thăm dò, thám sát khảo cổ học đã tìm được bến thuyền xưa bên dòng Sào Khê trong không gian chùa Khả Lương (xã Ninh Thắng).

Quang cảnh khu vực đền Thái Vi, xã Ninh Hải (Hoa Lư).

Chúng ta chưa có điều kiện để làm một cuộc khai quật tại những làng ven sông Sào Khê, xem những lát cắt các tầng văn hóa của các làng ven sông này, xem những người đến tụ cư ban đầu ở thời điểm nào, nhưng những thông tin hiện tại kể trên cũng tạm cho chúng ta khẳng định những làng này hình thành trước thế kỷ X, trong không gian của vùng giao thủy. Hiện còn dấu ấn của việc con người thời tiền sử ở nơi đây thích ứng với những biến đổi của môi trường từ khô lạnh sang nóng ẩm, từ môi trường lục địa sang môi trường hải đảo và ngược lại, dấu ấn của việc con người tiến từ rừng núi cao xuống khai phá vùng đất trước núi, ven sông trong quá trình hình thành tam giác châu thổ Bắc Bộ, qua các di tích khảo cổ học thời đại, đồ đá, kim khí đến văn hóa Đông Sơn… đã phát hiện là minh chứng hết sức sinh động. Và đương nhiên, ở thế kỷ thứ X, những làng ven dòng Sào Khê cùng nằm chung trong không gian giao thoa giữa nước mặn và nước ngọt; giữa vùng núi và vùng đồng bằng. Và dưới triều Trần (thế kỷ XIII-XIV), nơi đây là cơ sở căn cứ để xây dựng nên hành cung Vũ Lâm và trước đó là không gian khởi đầu cho việc hình thành thiền phái Phật giáo Trúc Lâm mang đậm yếu tố văn hóa Việt.

Trong giai đoạn Nam Bắc triều (thế kỷ XVI) vùng đất ven dòng Sào Khê ghi dấu nhiều dòng họ về đây lập nghiệp và có sự đổi tên như họ Mạc sau đổi sang họ Nguyễn (họ Nguyễn gốc Mạc); họ Mạc đổi sang họ Phạm (họ Phạm gốc Mạc); họ Phạm (dòng dõi nho tướng Phạm Cương Nghị) đổi sang họ Nguyễn (họ Nguyễn gốc Phạm); họ Ngô (dòng dõi quận công Ngô Đình Nga) đổi sang họ Dương (họ Dương gốc Ngô, sinh Dương Tử Ngô)… Và cũng trong thời điểm này, họ Giang vốn là con cháu cụ Hàn Giang Hầu có gốc họ Nguyễn (con cả cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm) ở xứ Đông (Hải Phòng) về đất Trường Yên; họ Lưu về lập nghiệp ở xã Ninh Xuân….

Một số kiến trúc nhà cổ trên địa bàn xã Trường Yên (Hoa Lư).

Nhiều ngôi nhà cổ trên địa bàn xã Trường Yên (Hoa Lư) được người dân trân trọng, gìn giữ.

Chúng ta có hàng trăm những di sản là nhà có lối kiến trúc truyền thống, gồm hàng chục nhà thờ các dòng họ có tuổi đời tới 300 năm, những ngôi nhà có kết cấu kiến trúc gỗ có niên đại trên dưới 100 năm, hiện là nhà ở của người dân địa phương, qua đó phản ánh quá trình lập làng, mở đất, mở nước, đánh dấu mốc lịch sử văn hóa truyền thống của các dòng họ, cùng hun đúc nên truyền thống văn hóa dân tộc. Những ngôi nhà có lối kiến trúc truyền thống được hình thành nên trong quá trình lập làng, sự tụ cư của các dòng họ ven dòng Sào Khê, trong không gian cảnh quan thiên nhiên đẹp, đầy ắp những sự kiện lịch sử, được chắt lọc những giá trị văn hóa phi vật thể là những lễ hội, ẩm thực, phong tục tập quán… phong phú, đa dạng.

Nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống vẫn được lưu giữ song hành với kiến trúc làng quê. (Trong ảnh: Gói bánh trưng ngày Tết tại một gia đình trên địa bàn xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư)

Việc bảo tồn những ngôi nhà cổ, từ việc gìn giữ những vật liệu đá, gạch, gỗ, ngói đất nung, nghề nề, nghề mộc… cách thức làm nên hình hài, dáng vóc của ngôi nhà, gắn với những đồ dùng trong nhà, nếp sống sinh hoạt, những câu chuyện liên quan là cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần hết sức linh hoạt để chủ nhân có thể sinh hoạt thoải mái, tiện nghi thì cần có những cải biến hợp lý nhưng không làm mất đi dáng vóc, linh hồn của ngôi nhà truyền thống. Việc bảo tồn những ngôi nhà cổ cần bảo tồn không gian quanh chúng, từ tường rào đến cầu ao, ao xóm, ao làng (được hình thành khi đào ao vượt thổ làm nhà, làm đường..), lối ra cổng, ra đường liên kết với nhà hàng xóm, đường trong làng, bến nước, … gắn với những công trình tín ngưỡng tôn giáo (đình, đền, chùa, miếu, phủ…).

Kiến trúc đình làng thôn Hoàng Sơn, xã Ninh Tiến (Hoa Lư)

Một đặc trưng của những ngôi nhà cổ bên dòng Sào Khê còn tồn tại là theo cụm, gắn với không gian của ao dùng chung (cùng trong họ) có mối liên hệ anh em, cần được bảo tồn theo cụm, mở rộng hơn là cần được bảo tồn không gian xóm làng. Cần hết sức quan tâm việc bảo tồn các bến nước, đường nước, con ngòi nối thông với dòng Sào Khê và việc nối thông giữa dòng Sào Khê với sông Hoàng Long và sông Vân. Hơn nữa, cần có công nghệ xử lý nước thải bề mặt và sinh hoạt thật tốt trước khi cho nhập vào những đường nước kể trên. Để bảo tồn tốt những dấu tích lịch sử, văn hóa bên dòng Sào Khê, thì khi thực hiện việc nạo vét cần coi đây là một công trường khảo cổ chứ không thuần túy là một công trường thủy lợi. Cùng với đó là việc sưu tầm, số hóa, bảo tồn, phục dựng những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể có liên quan gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Việc bảo tồn, phục dựng những ngôi nhà cổ cùng với những công trình kiến trúc làm nên xóm làng xưa, kinh thành Hoa Lư xưa gắn với việc bảo tồn các dòng sông lịch sử văn hóa sẽ là điểm tựa, khơi nguồn nhịp đập từ quá khứ, tiếp sức, tạo động lực, định hướng, làm nên bản sắc cho một Đô thị di sản lịch sử nhân loại trong tương lai.

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/-emagazine-bao-ton-nha-co-ben-dong-sao-khe-giu-lai-mach/d2024020408481854.htm