Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của người Ê Đê

Nhận thấy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê đang ngày mai một, không chỉ các ngành chức năng mà người dân cũng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực.

Gìn giữ di sản của cha ông

Từ lâu, dệt thổ cẩm đã trở thành nghề thủ công mang đậm nét văn hóa, truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Đối với đồng bào dân tộc Ê Đê ở tỉnh Đắk Lắk, thổ cẩm là một sản phẩm nghệ thuật độc đáo, không chỉ đơn thuần là một tấm vải bình thường mà còn chứa đựng giá trị văn hóa riêng của dân tộc.

Theo đó, bất cứ cô gái Ê Đê nào khi lớn lên đều được các mẹ, các bà bày cho cách dệt thổ cẩm, để dệt cho mình những bộ váy và cho cả gia đình của mình sau này. Vì thế, nghề dệt thổ cẩm truyền thống được giữ gìn, lưu truyền qua bàn tay khéo léo của những người phụ nữ trong gia đình và góp phần tạo nên nét văn hóa truyền thống của người Ê Đê.

Đối với đồng bào dân tộc Ê Đê, thổ cẩm là một sản phẩm nghệ thuật độc đáo.

Đối với đồng bào dân tộc Ê Đê, thổ cẩm là một sản phẩm nghệ thuật độc đáo.

Tuy nhiên, hiện nay, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê tại tỉnh Đắk Lắk đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Trước tình hình đó, để tiếp tục duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của nghề dệt truyền thống của người Ê Đê, thu hút sự quan tâm của các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ, thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp (trong đó có nghề dệt thổ cẩm) của người Ê Đê gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Ông Từ Văn Hợi, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho hay: “Trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay, bản sắc văn hóa dân tộc là một giá trị quan trọng, cần được bảo vệ và phát triển. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ đảm bảo sự tồn tại và phát triển của các giá trị văn hóa truyền thống mà còn có ý nghĩa lớn đối với việc tạo ra một xã hội văn minh, đa dạng và tôn trọng lẫn nhau. Bởi, bản sắc văn hóa dân tộc là sản phẩm của lịch sử, là di sản của cha ông để lại cho chúng ta. Nó mang trong mình những giá trị văn hóa đặc biệt, là biểu hiện của tính cách, tâm hồn, tư tưởng và lối sống của mỗi dân tộc”.

Phát huy nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch

Từ những nhận thức đó, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Hòa Xuân rất quan tâm đến việc khôi phục, giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã.

Các nghệ nhân truyền dạy dệt thổ cẩm cho thành viên câu lạc bộ.

Các nghệ nhân truyền dạy dệt thổ cẩm cho thành viên câu lạc bộ.

Mới đây, Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê ở buôn Drai Hling, xã Hòa Xuân được thành lập theo quyết định của UBND Tp.Buôn Ma Thuột, với 15 thành viên. Đây là hoạt động thực hiện theo kế hoạch của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk về dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ nguồn kinh phí sự nghiệp năm 2022-2023.

Bà H'Nga Byă, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê ở buôn Drai Hling chia sẻ: “Nhận thấy, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê đang ngày mai một nên để tham mưu kịp thời cho các cấp lãnh đạo, chúng tôi tập hợp nhóm người có cùng sở thích để thành lập Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê trong địa bàn xã. Hoạt động của câu lạc bộ hướng tới mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, đây cũng là nơi các thành viên có cơ hội giao lưu, học hỏi và trao đổi, chia sẻ cho nhau các phương pháp hoàn thiện sản phẩm, cùng nhau tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống từ di sản văn hóa”.

Ngay sau khi ra mắt câu lạc bộ, lớp hướng dẫn, truyền dạy dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê ở buôn Drai Hling, xã Hòa Xuân đã được khai giảng với 15 học viên tham gia. Theo đó, trong thời gian 20 ngày, các học viên sẽ được nghệ nhân truyền dạy các kỹ năng dệt cơ bản, cách lên khung, xếp sợi để tạo hình hoa văn và tạo khổ dệt một sản phẩm cụ thể.

Các học viên được hướng dẫn sử dụng máy khâu.

Các học viên được hướng dẫn sử dụng máy khâu.

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa xuân, đây chỉ là bước khởi đầu. Để công tác truyền dạy dệt thổ cẩm đạt được kết quả tốt nhất, lãnh đạo đề nghị các nghệ nhân với ý thức, trách nhiệm và lòng nhiệt huyết của mình hãy truyền dạy những kinh nghiệm quý báu, vốn kiến thức căn bản về kỹ năng dệt thổ cẩm cho các học viên. Từ đó, góp phần bảo vệ di sản của nhân loại trước nguy cơ bị thất truyền.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân cũng đề nghị các học viên tham gia đầy đủ nội dung, chương trình của khóa học, ra sức học tập, rèn luyện để lĩnh hội những kiến thức mà các nghệ nhân đã truyền dạy. Từ đó, xứng đáng trở thành những hạt nhân văn hóa tiêu biểu trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc tại địa phương. Đồng thời, tích cực tham gia các hội thi, hội diễn liên hoan, giao lưu văn hóa văn nghệ quần chúng, nhằm giới thiệu, quảng bá giá trị sản phẩm, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương đề ra.

Để tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của nghề dệt thổ cẩm truyền thống gắn với phát triển du lịch trong thời gian tới, ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đề nghị Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê ở buôn Drai Hling và các hội viên xây dựng kế hoạch sinh hoạt định kỳ, thường xuyên tổ chức các hoạt động sôi nổi, tạo ra nhiều sản phẩm hấp dẫn để thu hút thêm các thành viên tham gia. Đồng thời, đề nghị UBND xã tạo điều kiện để câu lạc bộ tổ chức các hoạt động, sinh hoạt.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng mong muốn, UBND xã Hòa Xuân và Câu lạc bộ dệt thổ cẩm sẽ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ lòng tự hào, tự tôn dân tộc và ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch. Từ đó, khơi dậy ý thức bảo tồn, gìn giữ và lưu truyền nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, góp phần bảo vệ và phát huy mạnh mẽ các giá trị di sản văn hóa dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Khánh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bao-ton-nghe-det-tho-cam-cua-nguoi-e-de-a634988.html