Bảo tồn động vật hoang dã từ ý thức người dân

Khi ý thức người dân, cộng đồng được nâng cao, tham gia vào các hoạt động bảo tồn thì sự sinh tồn của các loại động vật hoang dã (ĐVHD) mới bình yên, sinh sôi.

Tiếp nhận cá thể quá hoang dã quý, hiếm

Chỉ trong vòng vài ngày, nhiều cá thể ĐVHD được người dân phát hiện, báo với cơ quan chức năng và tự nguyện giao nộp với nguyện vọng được thả về môi trường tự nhiên, hoang dã theo tập tính, vốn sống của chúng. Đây thật sự là điều đáng mừng sau nhiều nỗ lực của ngành kiểm lâm, cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong bảo tồn sự sống của các loài ĐVHD.

Mới đây, ngày 16/4, ông Lê Phước ở xã Bình Tiến (TX. Hương Trà) phát hiện một cá thể rùa hộp trán vàng miền Trung bò vào vườn nhà. Thấy hình dáng đẹp và lạ, ông Phước nghi đây là loài rùa quý, hiếm nên báo ngay với kiểm lâm qua đường dây nóng. Nhận được tin báo, lực lượng kiểm lâm đến hiện trường và xác nhận đây là loài nguy cấp cần được bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt. Ít ngày sau đó, cá thể rùa này được thả về với môi trường hoang dã.

Theo ông Phước, không chỉ các loài ĐVHD quý hiếm, nguy cấp mà cả các loài ĐVHD thông thường cũng cần phải bảo vệ, bảo tồn nghiêm ngặt. Nếu không bảo vệ hiệu quả, nạn săn bắt động vật cứ tái diễn thì các loài động vật thông thường cũng trở nên khan hiến, nguy cấp trong tương lai không xa. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự sinh tồn của muông thú, các loài ĐVHD và chính cả sự sống của con người.

Cùng ngày, ông Lê Lụa ở xã Lộc Bình (Phú Lộc) phát hiện một cá thể khỉ mặt đỏ xuất hiện ở vườn nhà. Qua nhận dạng, đặc biệt mặt có màu đỏ, ông Lụa biết ngay đây là loài khỉ mặt đỏ quý, hiếm như sách báo từng tuyên truyền nên báo ngay với lực lượng chức năng. Cá thể khỉ quý, hiếm này sau đó được kiểm lâm địa bàn phối hợp với người dân bắt giữ, chăm sóc và tiến hành thả về môi trường tự nhiên.

Ông Lê Lụa chia sẻ, một thời không hề hay biết đến chuyện về các loài ĐVHD quý, hiếm, nguy cấp cần phải bảo tồn mà chỉ nghĩ chúng là loài động vật thông thường. Sau khi được chính quyền địa phương, cán bộ kiểm lâm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ các loài thì ông Phước mới thật sự thấu hiểu và chung tay cùng với lực lượng chức năng bảo tồn ĐVHD.

Chỉ trong những ngày đầu tháng 4, có 7-8 cá thể ĐVHD quý, hiếm, nguy cấp được người dân phát hiện và tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng với nguyện vọng được thả chúng về với môi trường hoang dã vốn sống của chúng. Trong ngày 9/4, bà Vũ Thị Thanh Huyền ở phường Xuân Phú (TP. Huế) giao nộp một cá thể cú lợn lưng xám, có tên khoa học Tytoalba, trọng lượng 0,7kg. Sau đó 3 ngày, Hạt Kiểm lâm TP. Huế phối hợp với Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong thả cá thể này về môi trường tự nhiên.

Ngày 12/4, ông Đặng Hoài Phương ở phường Kim Long (TP. Huế) giao nộp hai cá thể rùa hộp trán vàng miền Trung (có tên khoa học Cuora bourreti) với trọng lượng 1,5kg/2 cá thể. Cùng ngày, Hạt Kiểm lâm TP. Huế đã bàn giao cá thể trăn đất cho Trung tâm Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên Việt Nam và Cứu hộ động, thực vật để thả về môi trường tự nhiên. Cá thể trăn đất này được tiếp nhận từ một người dân tự nguyện giao nộp.

Tính từ đầu năm đến nay, thông qua đường dây nóng của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, lực lượng chức năng đã tiếp nhận khoảng 15 cá thể ĐVHD quý, hiếm, nguy cấp từ người dân tự nguyện giao nộp. Hầu hết các cá thể đều trong điều kiện sức khỏe bình thường, sau đó được lực lượng kiểm lâm phối hợp với cơ quan chức năng thả về với môi trường hoang dã.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn cho rằng, cộng đồng, dân cư có vai trò quan trọng trong bảo tồn, bảo vệ ĐVHD. Thời gian qua, ngành kiểm lâm cùng với các tổ chức bảo tồn trong và ngoài nước tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn, bảo vệ ĐVHD. Nhận thức của người dân, cộng đồng từ đó có sự chuyển biến tích cực, góp phần cùng với cơ quan chức năng trong bảo tồn ĐVHD.

Những ngày đầu tháng 4 mới đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Ban Quản lý dự án VFBC tỉnh, Tổ chức WWF-Việt Nam và Trường đại học Nông Lâm phối hợp tổ chức tọa đàm sinh viên hành động vì ĐVHD. Hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết cho các bạn sinh viên về đa dạng sinh học và ĐVHD. Từ đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của sinh viên trong việc cắt đứt chuỗi tiêu thụ thịt ĐVHD, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học tại Thừa Thiên Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.

Cùng thời điểm, tại Vườn Quốc gia Bạch Mã (QGBM), Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế, Trường THCS Trần Cao Vân và Trường THCS Thống Nhất tổ chức thí điểm lồng ghép chương trình ngoại khóa với hoạt động trải nghiệm về với ĐVHD.

Về với Vườn QGBM, các bạn học sinh đã được hướng dẫn trải nghiệm tại rừng với những cung đường chinh phục Hải Vọng Đài và thác Đỗ Quyên. Đồng thời, được nghe giới thiệu nhiều thông tin về đa dạng sinh học, các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm tại Vườn QGBM; được hướng dẫn kinh nghiệm đi rừng, kỹ năng sinh tồn của các cán bộ kiểm lâm khi làm công tác bảo tồn, giám sát động ĐVHD bằng bẫy ảnh… Đặc biệt, học sinh được tận mắt chứng kiến, gặp gỡ anh Trương Cảm, người có nhiều kỹ năng huýt sáo giả tiếng chim bằng miệng để “gọi chim trời”, từ đó nâng cao nhận thức, hiểu biết về bảo tồn, bảo vệ ĐVHD.

Bài, ảnh: Thế Hùng

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/phap-luat-cuoc-song/bao-ton-dong-vat-hoang-da-tu-y-thuc-nguoi-dan-140272.html