Bảo Thắng gắn lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường

Những năm gần đây, huyện Bảo Thắng tiếp tục thể hiện rõ phương châm phát triển là gắn chặt nhiệm vụ, lợi ích từ phát triển kinh tế với yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái. Trọng tâm là bảo vệ môi trường nông thôn, an toàn sản xuất tại các cơ sở, khu công nghiệp; để nghị xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.Sự chủ động của cơ sở

.

Khu Công nghiệp Tằng Loỏng là nơi sản xuất nhiều loại hóa chất, luyện kim màu và phân bón với sự tập trung hàng chục nhà máy, tổ hợp nhà máy. Đặc thù của Khu Công nghiệp Tằng Loỏng là xen lẫn khu dân cư, gần nơi sản xuất của người dân nên mỗi lần xảy ra sự cố, quy trình sản xuất công nghiệp gặp rủi ro thì mức độ, phạm vi ảnh hưởng lớn.

Một ngày hè oi bức cuối tháng 5/2022, các hộ ở thôn Phú Hà, xã Phú Nhuận bỗng thấy mùi hóa chất nồng nặc, khó thở, người cao tuổi, người có sức khỏe không tốt cảm thấy đau tức trong lồng ngực, một số cây trồng mẫn cảm với môi trường bắt đầu rũ lá, có dấu hiệu tàn héo. Nhiều hộ tỏ thái độ bức xúc, phẫn nộ, một số người còn kéo nhau tới cổng cơ sở sản xuất công nghiệp được cho là gây ra sự cố để “làm cho ra nhẽ”.

Nhà máy DAP số II đang chiếm kỷ lục tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng về số lần gây ra sự cố ô nhiễm môi trường.

Sự việc được báo cho chính quyền sở tại, Đảng ủy, UBND xã Phú Nhuận lập tức có cán bộ lãnh đạo tới hiện trường kiểm tra, nắm tình hình, tuyên truyền cho người dân để giảm căng thẳng và báo cáo với UBND huyện, các ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh. Lãnh đạo xã Phú Nhuận cũng chủ động xác lập các phương án ứng phó, trong đó có việc sẵn sàng xin ý kiến để di tản người dân trong điểm bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.

Cán bộ, công nhân Nhà máy DAP số II xử lý một điểm sự cố sản xuất tác động đến môi trường.

Kết quả kiểm tra, rà soát của cơ quan chuyên môn sau đó xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng trên là do trong quá trình sản xuất axit sunfuaric (H2SO4), Nhà máy sản xuất DAP số 2 (Công ty cổ phần DAP số 2) đã để hóa chất phát tán ra môi trường. Sau đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên, UBND huyện Bảo Thắng đã thành lập tổ rà soát, thống kê thiệt hại của các hộ, có 871 hộ bị thiệt hại với tổng diện tích 453,3 ha cây trồng. Với sự tham mưu tích cực của chính quyền địa phương, UBND tỉnh đã buộc Công ty cổ phần DAP số 2 phải chi trả 7,9 tỷ đồng đền bù thiệt hại cho các hộ, doanh nghiệp này còn bị xử phạt hành chính 350 triệu đồng.

Sau sự cố gây thoát khí hóa chất, tháng 6/2022, hoạt động sản xuất của Nhà máy sản xuất DAP số 2 lại tiếp tục để xảy ra sự cố tràn nước róc tại bãi thải Gyps. Lãnh đạo UBND xã Phú Nhuận đã kịp thời có mặt tại hiện trường để phối hợp với các cơ quan có liên quan, doanh nghiệp lập biên bản sự việc, tập trung khắc phục hậu quả. Trong sự cố này, Công ty cổ phần DAP số 2 khắc phục bằng việc đắp đê quai để ngăn nước tràn từ bãi thải Gyps và đền bù thiệt hại cho 7 hộ nuôi cá với số tiền 58 triệu đồng.

Xử lý ô nhiễm môi trường do sản xuất công nghiệp càng kịp thời, hậu quả càng được hạn chế.

Trong năm 2022, sự chủ động của chính quyền địa phương còn thể hiện khi Nhà máy sản xuất phốt pho vàng của Công ty cổ phần tập đoàn Nam Tiến để nước thải xỉ lẫn bùn tràn ra suối Khe Chom, thị trấn Tằng Loỏng. Sau khi nhận thông tin báo cáo của chính quyền cơ sở, UBND huyện Bảo Thắng, các cơ quan chức năng của tỉnh đã có mặt lập biên bản, yêu cầu doanh nghiệp khắc phục; doanh nghiệp sau đó đã bị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính 300 triệu đồng.

Bảo vệ môi trường nông thôn

Nhiều năm qua, Bảo Thắng được ghi nhận là địa phương phát triển chăn nuôi mạnh nhất tỉnh với hơn 300 trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, hơn 19.000 hộ chăn nuôi. Năm 2022, toàn huyện có 135.000 con gia súc, hơn 2 triệu con gia cầm, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt gần 30.000 tấn. Huyện luôn quan tâm các giải pháp phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Đến nay, huyện có 18.035 hộ chăn nuôi có chuồng, trại đảm bảo vệ sinh môi trường (đạt 94%), trong đó có 1.903 hộ thực hiện các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng biogas, 100% trại chăn nuôi gia súc có hầm biogas xử lý chất thải, nhiều hộ còn sử dụng đệm lót là chế phẩm sinh học để hạn chế tác động đến môi trường sống.

Phương châm phát triển của Bảo Thắng là gắn lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường.

Ông Đào Văn Quang, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Thắng cho biết, thời gian qua, các xã, thị trấn trên địa bàn đã triển khai tốt việc thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Ước tính riêng năm 2022, toàn huyện đã thu gom, xử lý gần 20 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật và hàng chục tấn vỏ vắc-xin các loại, rác thải từ vỏ thuốc, bao bì thức ăn trong chăn nuôi, thủy sản.

11/11 xã của Bảo Thắng tiếp tục duy trì tốt các tiêu chí về môi trường đã được công nhận trước đó trong xây dựng nông thôn mới, nhất là các tiêu chí có tác động trực tiếp, sâu, rộng như quy hoạch nghĩa trang nhân dân, bãi chôn lấp chất thải rắn, xây dựng hương ước, quy ước giữ vệ sinh môi trường. Tiêu chí môi trường còn được bổ sung bằng hoạt động trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tạo môi trường trong lành và cảnh quan xanh - sạch - đẹp tại các tổ dân phố, các thôn, khu dân cư. Trong nông nghiệp, nổi bật tại huyện Bảo Thắng phải kể tới việc triển khai mạnh các ứng dụng công nghệ sản xuất sản phẩm hàng hóa thân thiện với môi trường, ưu tiên phát triển nông nghiệp hàng hóa theo các tiêu chí hữu cơ, oganic, VietGAP, GACP… Đến nay, diện tích các sản phẩm sản xuất theo quy trình VietGAP tại Bảo Thắng đạt hơn 90 ha, huyện có 1 vùng trồng và 2 cơ sở đóng gói chuối được cấp mã số; có 30 sản phẩm được công nhận OCOP; 12 doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia với 18 sản phẩm được gắn mã QR-Code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Lãnh đạo và cơ quan chuyên môn huyện Bảo Thắng họp xử lý một cơ sở sản xuất công nghiệp tại Tằng Loỏng gây ô nhiễm môi trường trong năm 2021.

Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Thắng cho biết thêm, UBND huyện đã đề xuất với UBND tỉnh đầu tư hệ thống lò đốt rác thải trên địa bàn. Ngoài ra, thực hiện các vấn đề cấp bách về môi trường, huyện cũng đã đề xuất với UBND tỉnh sớm di chuyển 96 hộ tại khu vực tổ dân phố số 1, số 7 và số 8, thị trấn Tằng Loỏng ra khỏi vùng bị ảnh hưởng và có nguy cơ bị ảnh hưởng môi trường hóa chất độc hại.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364491-bao-thang-gan-loi-ich-kinh-te-voi-bao-ve-moi-truong