Bảo tàng và chuyện tiền vé

Câu chuyện mua vé để tham quan bảo tàng, không gian trưng bày hay một không gian triển lãm… vẫn còn khá 'xa lạ' với nhiều du khách, đặc biệt là khách Việt nói chung và khách địa phương - nơi có không gian bảo tàng nói riêng.

Khách tham quan không gian Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị

Khách tham quan không gian Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị

“Mua vé thì quay ra”

Một nhóm du khách Việt vừa đặt chân vào Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị (Bảo tàng Mỹ thuật Huế). Ngay khi nhân viên của bảo tàng đề nghị khách mua vé trước khi tham quan, nhóm người này lập tức nói “ủa vậy à” rồi quay lưng đi.

Không khó để bắt gặp khách đến tham quan Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng (thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Huế) trên “tuyến phố bảo tàng” Lê Lợi. Thế nhưng nếu quan sát kỹ, sẽ thấy phần đông lượt khách mua vé để vào chiêm ngưỡng các tác phẩm trưng bày bên trong, đó là khách nước ngoài và khách phương xa. Khách là người bản địa khá ít.

Đứng trò chuyện các nhân viên bán vé của các trung tâm này, chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều khách tìm vào. Thế nhưng khi người bán vé giải thích không gian này có bán vé thì nhiều khách tỏ vẻ bất ngờ rồi quay ra. Một vài du khách tỏ vẻ không hài lòng trước lời hướng dẫn mua vé.

“Tình trạng vậy thường rồi”, một nhân viên bán vé thở dài. Theo quy định, giá vé tham quan Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị 30.000 đồng/vé/người lớn và 20.000 đồng/vé/trẻ em, cho mỗi cơ sở trưng bày. Riêng áp dụng giá vé 50.000 đồng/vé/người lớn khi tham quan cả hai cơ sở trưng bày.

“Để tham quan được những tác phẩm điêu khắc, mỹ thuật đẹp như thế trong khoảng thời gian thoải mái và với mức vé như thế tôi cho rằng là quá rẻ. Nhiều du khách nước ngoài họ tốn nhiều tiền đến đây để mua vé tham quan, trong khi đó rất nhiều người Việt chúng ta không chịu chi cho khoản đó, tôi thấy hơi tiếc”, chị Hồng Loan (du khách TP. Hồ Chí Minh) nói.

Thực tế, không chỉ Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị, mà ở nhiều không gian bảo tàng công lập lẫn ngoài công lập (có bán vé) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Quản lý nhiều bảo tàng cho rằng, đây là vấn đề băn khoăn, trăn trở không phải bây giờ mới được đề cập đến. Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế cho biết, thực trạng miễn phí thì vào, mua vé thì quay ra là câu chuyện muôn thuở và diễn ra trong thời gian dài, vì nhiều lý do.

Theo bà Trai, hầu hết khách vào hai trung tâm thuộc bảo tàng phần nhiều là du khách nước ngoài. Đa số khách ngoại tỏ vẻ bất ngờ khi mức giá để vào thưởng lãm quá rẻ. Nhưng ngược lại, khách Việt thì khác, vẫn có một bộ phận nghĩ rằng “tại sao vào bảo tàng phải mua vé?”.

Chỉn chu và chuyên nghiệp

“Bỏ một số tiền lớn làm việc khác thì đơn giản, nhưng để bỏ số tiền mua một vé tham quan bảo tàng thì người ta đắn đo, suy nghĩ”, bà Trai nhận định. Bà Trai cũng nói thêm, không phải ai cũng có thể hiểu được các tác phẩm trưng bày ở bảo tàng, đặc biệt là các bảo tàng chuyên về mỹ thuật, vì thế để tạo thói quen bỏ tiền mua vé vào bảo tàng là chuyện không phải ngày một ngày hai.

Để giải được bài toán này, bà Trai cho biết, bên cạnh trưng bày chuyên đề cố định, bảo tàng thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật ngay bên trong không gian bảo tàng. Thường những sự kiện này sẽ mở cửa đón công chúng miễn phí và nhờ thế, lượng khách tìm đến đông hơn. Từ đó, họ sẽ tiếp cận, cảm nhận và hình thành được thói quen đến bảo tàng.

Những năm gần đây, bà Trai cho biết, đã bắt tay với các đơn vị trong đó chú trọng vào ngành giáo dục để đưa học sinh đến với bảo tàng. Người đứng đầu Bảo tàng Mỹ thuật Huế cũng hy vọng, trong tương lai khi việc đưa học sinh tiếp cận gần hơn với bảo tàng, di sản thì việc hình thành thói quen đến bảo tàng, mua vé trong thế hệ trẻ về sau sẽ không còn là câu chuyện trăn trở.

Bàn về câu chuyện mua vé khi tham quan bảo tàng, bà Lê Cẩm Tế, chủ nhân Không gian ký ức Lê Bá Đảng (Lebadang Memory Space) ở đồi Kim Sơn (xã Thủy Bằng, TP. Huế) đưa ra quan điểm, đã trải nghiệm nghệ thuật cần bỏ ra một mức phí phù hợp.

Bà Tế cho hay, sau 4 năm kể từ ngày ra đời và gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, nhưng Lebadang Memory Space đón hơn 40.000 lượt khách tham quan. Trong đó, khách nước ngoài vẫn chiếm đa số. Chủ nhân của Lebadang Memory Space cho rằng, để thu hút được một lượng khách như thế cần có sự đầu tư một cách chỉn chu, bài bản từng ngày cũng như có đội ngũ vận hành chuyên nghiệp. Có như thế mới tương ứng với mức vé cần đưa ra, cũng như đổi lại được sự hài lòng của khách tham quan.

“Khách tới không gian chúng tôi họ rất vui vẻ. Nhiều vị khách cho rằng nếu giá vé cao hơn nữa họ cũng sẵn sàng chi để trải nghiệm”, bà Tế kể và nói thêm, để đổi lấy sự hài lòng của khách, những người làm bảo tàng cần phải làm bằng cái tâm, sự tử tế, niềm đam mê và nhiệt huyết để theo đuổi tận cùng. Được biết, giá vé Lebadang Memory Space với người địa phương 150.000 đồng/khách, miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi và người 70 tuổi trở lên. Với khách nước ngoài 269.000 đồng/khách.

Bài, ảnh: Nhật Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/bao-tang-va-chuyen-tien-ve-128879.html