Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội chính thức mở cửa đón khách tham quan

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mở cửa đón khách tham quan từ thứ 3 đến chủ nhật hằng tuần, buổi sáng từ 8h30 phút đến 11h30 phút; buổi chiều từ 14h đến 17h.

Sáng 1/1/2024, nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng (1/1/1914 - 1/1/2024), Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội đã chính thức mở cửa đón khách tham quan.

Năm 2020, gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có nguyện vọng nâng cấp Nhà Truyền thống Đại tướng ở địa chỉ 47 Phan Đình Phùng, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội thành Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội trưng bày hơn 300 bức ảnh, 220 hiện vật, hơn 150 tài liệu giấy, 23 pho tượng đồng

Được sự ủng hộ, chỉ đạo, giúp đỡ của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và TP Hà Nội, ngày 30/12/2020, UBND TP Hà Nội ra quyết định thành lập Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh theo hình thức bảo tàng ngoài công lập.

Ngay sau đó, gia đình Đại tướng đã tổ chức ổn định bộ máy hoạt động, triển khai xây dựng đề cương chính trị, đề cương trưng bày, thiết kế mỹ thuật trưng bày, đồng thời xin cấp phép và triển khai xây dựng Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Thiết kế kiến trúc tòa nhà Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại địa chỉ 81 Tân Nhuệ, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội được lấy theo nguyên mẫu ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội - nơi gia đình Đại tướng đã sinh sống từ năm 1958 đến năm 1986.

Tại ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế, gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nhiều lần dược đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và đặc biệt tại đây đã diễn ra cuộc họp Bộ Chính trị ngày 6/8/1964 để bàn về sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội trưng bày 8 chủ đề chính: Quê hương - Cách mạng miền Trung; Việt Bắc; Xây dựng Quân đội; Xây dựng hòa bình ở miền Bắc; Cách mạng miền Nam; Ngày 6/7; Tấm lòng những người ở lại; Gia đình - hành trình tiếp nối. Ngoài ra còn các tiểu chủ đề về Bình Trị Thiên khói lửa, Nông nghiệp, Đối ngoại, Văn hóa văn nghệ, Ông tướng du kích...

Tại bảo tàng trưng bày giới thiệu hơn 300 ảnh, 220 hiện vật, hơn 150 tài liệu giấy, 23 pho tượng đồng gắn với những dấu mốc quan trọng trong quá trình hoạt động Cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Không gian phòng làm việc của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế được tái hiện tại Bảo tàng

Nơi đây cũng tái hiện 2 không gian phòng làm việc trước đây của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế và lán làm việc của Đại tướng tại Trung ương Cục miền Nam cùng trên 100 đầu sách do Đại tướng viết và các tác giả viết về Đại tướng; hệ thống phim tài liệu thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Được biết, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mở cửa đón khách tham quan từ thứ 3 đến chủ nhật hằng tuần vào các khung giờ: Buổi sáng từ 8h30 phút đến 11h30 phút; buổi chiều từ 14h đến 17h.

Cùng ngày, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh phối hợp với Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản QĐND tổ chức tọa đàm: “Ký ức về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua những ấn phẩm mới”.

Chủ biên cuốn sách chính là người con trai của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Với tình cảm sâu sắc dành cho cha mình, trong những ngày tháng cuối đời, dù sức khỏe yếu nhưng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã rất cố gắng hoàn thành cuốn sách để phát hành đúng dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

3 ấn phẩm về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được ra mắt nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông. Ảnh: QĐND

Trong cuốn sách “Những câu chuyện về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”, từng câu chuyện được sưu tầm, biên soạn từ những tư liệu quý của Đại tướng, được sắp xếp logic theo diễn tiến thời gian, trên mọi lĩnh vực công tác và cuộc sống đời thường.

Độc giả thấy được ở cuốn sách một mạch chảy không ngừng của ký ức, của cảm xúc và những vết tích lịch sử năm tháng. Cuốn sách góp phần giáo dục thế hệ trẻ, nhất là thế hệ trẻ trong Quân đội về một tấm gương suốt đời phấn đấu hy sinh cho cách mạng, tấm gương về tinh thần hiếu học, tự trau dồi tri thức toàn diện… của Đại tướng và những người đồng chí, đồng đội trong giai đoạn đầu đầy gian khó của cách mạng.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bao-tang-dai-tuong-nguyen-chi-thanh-tai-ha-noi-chinh-thuc-mo-cua-don-khach-tham-quan-post279328.html