Báo Sóc Trăng - 73 năm hình thành và phát triển

Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2021), 73 năm ngày Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng cho ra mắt tờ báo mang tên 'Lửa Hồng' (tiền thân của Báo Sóc Trăng) đầu tiên vào năm 1948, điểm lại quá trình hình thành và phát triển của Báo Sóc Trăng cũng là dịp nhằm tôn vinh các thế hệ nhà báo ở Sóc Trăng đã đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng Sóc Trăng trong suốt chặng đường lịch sử 73 năm đầy vẻ vang và anh dũng. Từ những ngày đầu thành lập đến nay, hệ thống Báo chí cách mạng của tỉnh nhà đã có những bước phát triển vượt bậc về chất lượng nguồn nhân lực, hiệu quả về tuyên truyền, trong đó Báo Sóc Trăng tự hào có quá trình lịch sử khá dài, ra đời rất sớm so với nhiều tờ báo trong cả nước.

Kỳ 1: Tự hào về các thế hệ nhà báo của Báo Lửa Hồng – Chiến Đấu – Sóc Trăng

Tại Sóc Trăng trước năm 1945 chưa có tờ báo nào, nhưng sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, loại hình báo chí nhanh chóng được hình thành, đáp ứng kịp thời yêu cầu kháng chiến của nhân dân tỉnh nhà. Do đó, ngày 12-7-1946, Ủy ban Kháng chiến tỉnh quyết định thành lập Ty Thông tin tỉnh Sóc Trăng. Lúc này chỉ có tờ “Thông tin tuần”, số lượng phát hành không nhiều, chủ yếu phục vụ cho các cơ quan và vùng tự do của ta. Tuy là tờ tin, nhưng đăng tải cả bài bình luận, xã luận, tranh đả kích, hay lời hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh, của Ủy ban Kháng chiến tỉnh Sóc Trăng; nội dung tập trung vào phản ánh công cuộc kháng chiến của tỉnh nhà, nhiều tin, bài súc tích, phong phú, đa dạng…

Tờ Báo Chiến Đấu nội dung phong phú, đa dạng, phản ánh kịp thời các sự kiện, tin tức về chiến sự với những thắng lợi của cách mạng. Ảnh: Tư liệu Báo Sóc Trăng

Tiếp đó, tờ “Thông tin tuần” được quyết định có tên gọi mới là tờ “Lửa Hồng” ra đời vào năm 1948 để đáp ứng cho cuộc kháng chiến và nhu cầu hoạt động báo chí. Tờ báo do đồng chí Trịnh Song Anh phụ trách; đồng chí Hai Cà, Lâm Văn Khai, Trương Thị Nghiêm vừa là biên tập viên, vừa là phóng viên. Ngoài lực lượng phóng viên, biên tập, tờ báo “Lửa Hồng” còn có sự tham gia, cộng tác khá đông của đội ngũ cộng tác viên từ cơ quan, đoàn thể các cấp từ quận đến tỉnh. Số phát hành của tờ “Lửa Hồng” có lúc lên vài nghìn tờ/kỳ, ra đều đặn mỗi tháng một số, có khi nửa tháng để phục vụ nhiệm vụ chính trị. Cho đến đầu năm 1952, do yêu cầu của cuộc kháng chiến lên cao, đòi hỏi công tác tuyên truyền của cách mạng càng cấp bách, tờ “Lửa Hồng” tăng kỳ ra 2 số/tuần, phục vụ kịp thời nhiệm vụ cấp thiết của cách mạng…

Đến năm 1957, để phù hợp với hoàn cảnh đấu tranh cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tất cả các huyện, thị của tỉnh Bạc Liêu được sáp nhập với tỉnh Sóc Trăng. Và tờ “Thông tin Sóc Trăng - Bạc Liêu” ra đời do đồng chí Nguyễn Văn Quí (Hai Cà), Ủy viên Ban Tuyên huấn tỉnh phụ trách. Năm 1958 đồng chí Nguyễn Văn Lưu (Năm Bình) - Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách chung công tác Tuyên huấn của tỉnh, trong đó có mảng báo chí; năm 1959, đồng chí Năm Bình chuyển về Liên Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Sấn (Bảy Nóp) Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng lên thay, bộ phận thông tin báo chí vẫn do đồng chí Hai Cà (Nguyễn Văn Quý) đảm nhận. Ngoài tờ tin tức, tỉnh còn ấn hành thêm một số báo, tạp chí khác như: “Hòa bình - Thống nhất”, “Tạp chí Văn nghệ”… Từ năm 1959, Mỹ - Diệm dùng Luật 10/59 đàn áp phong trào cách mạng Sóc Trăng. Để bảo toàn lực lượng, Tỉnh ủy chủ trương thu gọn báo “Hòa bình - Thống nhất”, phân tán cán bộ, chỉ làm những tờ tin nhỏ và truyền đơn. Đầu năm 1960, tỉnh Sóc Trăng không còn ấn phẩm báo “Hòa bình - Thống nhất”.

Đến thời kỳ chống “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ (năm 1961 - 1965), công tác tuyên truyền, báo chí càng được quan tâm nhiều hơn, sâu sát hơn. Tỉnh ủy thành lập Ban Tuyên - Văn - Giáo tỉnh, điều động một số đồng chí là cán bộ nòng cốt, có cả huyện ủy viên, bổ sung gần 20 đồng chí cho tổ chức này hoạt động, đồng chí Nguyễn Văn Quí (Hai Cà) tiếp tục phụ trách thông tin báo chí, nhà in có đồng chí Sáu Phong, Trần Văn Mão (Tư Thép), Đoàn Thanh Niên (Năm Nhàn) phụ trách… Sau này, bộ phận thông tin báo chí được bổ sung thêm các đồng chí như: Trần Văn Bảo (Việt Hoành), Quách Tài Lợi (Chung Đông), Hàng Soi (Hai Lợi)… Trong đó, đồng chí Hàng Soi phụ trách biên dịch ra tiếng Khmer. Đồng chí Nguyễn Minh Quang (Tư Quang), Lê Chí ghi tin đọc chậm, làm tờ tin. Đồng chí Thái Thành Long (Tư Hình) làm nhiếp ảnh.

Tháng 10-1964, Trưởng Tiểu ban Thông tin - Báo chí do đồng chí Phạm Quang (Ba Thảo) phụ trách, đồng chí có thâm niên và kinh nghiệm làm báo lâu năm, trước đây đồng chí Ba Thảo làm báo tại tỉnh Bạc Liêu. Trong tiểu ban này có đồng chí Nguyễn Văn Quí (Hai Cà), Ba Chiến, Bào Anh Tuấn, Lê Hoàng Sơn (Ba Tấn), bộ phận nhiếp ảnh có đồng chí Tư Hình (Nguyễn Thành Long), Ngô Việt Lâm, Trương Việt Đoàn (Tám Đoàn). Về hoạt động “Thông tin - Báo chí”, tỉnh thường xuyên cho ra đời tờ “Tin tức” bằng chữ quốc ngữ (chữ Việt), chữ Khmer và chữ Hoa. Tờ “Tin tức” chữ Hoa phát hành TX. Sóc Trăng, tờ “Tin tức” chữ Khmer được biên soạn và dịch ra từ tờ chữ Việt (Quốc ngữ), mỗi tháng xuất bản từ 1 - 2 số, khổ 21 x 27cm. Tờ tin chữ Khmer do đồng chí Hàng Soi viết tay, chữ nhỏ trên giấy sáp, các tựa tin viết kẻ rất đẹp, rõ ràng, hấp dẫn người đọc. Thời điểm này, duy nhất tỉnh Sóc Trăng có “Tờ tin” bằng chữ Khmer và được đánh giá là một trong những tờ tin mạnh nhất của miền Tây Nam bộ cả về lực lượng, tính chiến đấu của tờ tin với nội dung phong phú, có tác dụng tuyên truyền tốt trong cộng đồng người Khmer trong tỉnh và khu vực Tây Nam bộ.

Bước sang năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang trên đà thắng lợi, để phản ánh kịp thời những sự kiện, con người anh hùng của quê hương Sóc Trăng, cũng như chủ trương, chính sách của cách mạng đối với những người “bên kia chiến tuyến”, tờ báo mang tên “Chiến Đấu” được ra đời. Báo “Chiến Đấu” in từ 2 - 4 trang, ra hàng tháng đến nửa tháng, nội dung ngày càng phong phú, đa dạng, phản ánh kịp thời các sự kiện, tin tức về chiến sự với những thắng lợi của cách mạng.

Đến cuối năm 1973, sau Hiệp định Paris, Bạc Liêu tái lập tỉnh và thành lập tờ báo mới của mình, riêng tỉnh Sóc Trăng, báo vẫn mang tên là tờ “Chiến Đấu”.

Trong suốt hai cuộc kháng chiến, trải qua muôn vàn gian nan, vất vả, nhiều chiến sĩ - nhà báo phải đổ xương máu và mồ hôi, nước mắt, nhưng tất cả vẫn kiên cường, dũng cảm bám sát cơ sở, chiến trường đưa tin bài kịp thời, phản ánh cuộc kháng chiến anh hùng của Đảng bộ, quân và dân Sóc Trăng. Không ít lần cơ quan báo tiễn biệt các đồng chí, đồng nghiệp. Tấm gương hy sinh sáng ngời của các đồng chí: Nguyễn Văn Kim - Phó Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy phụ trách báo chí, Quách Tài Lợi (Chung Đồng), Nguyễn Văn Bảo (Việt Hoành)...; Tổ Thông tin Khmer rất ít người nhưng cũng đã có đến 3 đồng chí hy sinh, có những nhà báo bám theo các chiến trường, tin, bài vừa gửi về đến tòa soạn thì mấy hôm sau tin đồng chí ấy hy sinh cũng về đến tòa soạn làm mọi người sững sờ. Nhiều đồng chí bị địch bắt, tù đài, tra tấn dã man nhưng vẫn giữ vững khí tiết cách mạng như đồng chí: Phạm Quang, Thanh Long, Nguyễn Văn Quí, Xuân Quyên, Lệ Hồng, Lê Hoàng Sơn... và nhiều đồng chí khác đã dâng hiến một phần thân thể của mình cho sự nghiệp cách mạng, trong đó có sự nghiệp báo chí tỉnh nhà.

Sau chiến thắng 30-4-1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Báo “Chiến Đấu” sau khi ổn định cơ quan đã ra số báo đầu tiên mang tên “Sóc Trăng” chào mừng ngày kỷ niệm Chiến thắng 30-4 và Quốc tế Lao động 1-5. Tòa soạn lúc này do đồng chí Lê Hoàng Sơn (Ba Tấn) - Thường trực Ban Biên tập, các đồng chí: Bào Anh Tuấn (Ba Tuấn), Nguyễn Thanh Long (Hai Long), Thái Thanh Long (Tư Hình), Trần Văn Miêng (Mười Miêng), Trương Việt Đoàn (Tám Đoàn), Ngô Quang Thạch, Hàng Soi, Lê Quý… đảm nhận nội dung và kỹ thuật của tờ báo.

Đầu năm 1976, Trung ương quyết định sáp nhập tỉnh Cần Thơ, TP. Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng thành tỉnh Hậu Giang. Tháng 2-1976, Báo Hậu Giang, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Hậu Giang ra mắt bạn đọc, do đồng chí Nguyễn Văn Thường phụ trách trực tiếp, sau đó là Tổng Biên tập.

H.P

(Còn tiếp)

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/chinh-tri/bao-soc-trang-73-nam-hinh-thanh-va-phat-trien-49574.html