Bão Sao La có đường đi phức tạp, khó lường

Áp thấp nhiệt đới hoạt động ở vùng biển phía Đông Bắc đảo Luzon (Philippines) đã mạnh lên thành bão, có tên Sao La, dự báo đường đi và cường độ rất phức tạp.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng nay (25/8), bão Sao La nằm ở vị trí phía Đông Bắc của đảo Luzon, Philippines với cường độ mạnh cấp 10, giật cấp 12. Bão Sao La được các chuyên gia nhận định là cơn bão rất khó lường, cả về cường độ và quỹ đạo.

Dự báo của các trung tâm trên thế giới đang có sự phân tán lớn với rất nhiều kịch bản khác nhau. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đang theo dõi chặt cơn bão.

Bão Sao La ở gần Biển Đông có diễn biến khó lường cả về cường độ và quỹ đạo.

Bão Sao La ở gần Biển Đông có diễn biến khó lường cả về cường độ và quỹ đạo.

Cũng theo cơ quan khí tượng, nếu cơn bão Sao La không di chuyển vào Biển Đông thì tháng 8/2023 là năm không xuất hiện cơn bão/áp thấp nhiệt đới nào trên Biển Đông, đánh giá trong 30 năm qua chỉ có năm 2011 và năm 2015 là 2 năm mà không có bão/áp thấp nhiệt đới trong tháng 8. Điều này cũng phản ánh tác động của năm El Nino khiến bão/áp thấp nhiệt đới xuất hiện ít hơn bình thường.

Từ đầu năm đến nay, Biển Đông đã hứng 2 cơn bão có tên quốc tế lần lượt là Talim (bão số 1) và Doksuri (bão số 2). Trong đó, cơn bão số 1 đổ bộ vào phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) vào ngày 18/7, sau đó đi dọc theo biên giới Việt-Trung và suy yếu thành một vùng thấp trên khu vực các tỉnh Cao Bằng-Lạng Sơn vào chiều tối 19/7. Cơn bão số 2 xuất hiện trên khu vực Đông Bắc Biển Đông nhưng không ảnh hưởng đến đất liền nước ta

Trước đó, cơ quan khí tượng dự báo từ 21/8 đến 20/9, Biển Đông khả năng xuất hiện 1-2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, có thể ảnh hưởng đến Bắc Bộ, Trung Bộ. Trên đất liền, dự báo chiều tối và đêm 25/8, vùng núi và trung du Bắc Bộ mưa rào và dông, cục bộ mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30 mm, có nơi trên 70 mm. Trong mưa dông khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Mưa to cục bộ có thể gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi.

Về diễn biến nắng nóng, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây nên ngày mai (26/8), các tỉnh trung du, đồng bằng Bắc Bộ có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-35 độ, có nơi trên 35 độ.

Ngày 27/8, Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-36 độ, có nơi trên 36 độ. Dự báo, nắng nóng ở các tỉnh miền Bắc kéo dài đến hết 27/8. Từ đêm 27 đến 28/8, miền Bắc khả năng xuất hiện mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông.

Tại miền Trung, đợt nắng nóng kéo dài nhiều ngày qua chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Dự báo trong hai ngày 26-27/8, miền Trung tiếp tục có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất từ 36-38 độ, có nơi trên 38 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất 50-55%.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bao-sao-la-co-duong-di-phuc-tap-kho-luong-169230825152744929.htm