Báo Mỹ: Nga 'làm căng' với phương Tây, hành trình rời Moscow thêm trắc trở, doanh nghiệp chịu sức ép 'ba bề bốn bên'

Việc Nga tuyên bố nắm quyền kiểm soát tạm thời cổ phần thuộc về doanh nghiệp nông nghiệp Pháp Danone và hãng bia Carlsberg của Đan Mạch là một 'phát súng' cảnh báo đối với các công ty phương Tây đang tìm cách rời khỏi đất nước này.

Nga tuyên bố áp đặt quyền kiểm soát tạm thời của nhà nước với Carlsberg. Hình ảnh nhà máy của Carlsberg tại St. Petersburg. (Nguồn: Bloomberg)

Bước tiến mới

Ngày 16/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh áp đặt quyền kiểm soát tạm thời của nhà nước đối với cổ phần nước ngoài của hai "đại gia" sản xuất thực phẩm và bia nước ngoài tại Nga. Cả Danone và Carlsberg gần đây đã công bố kế hoạch bán doanh nghiệp của họ ở Nga.

Cụ thể, Công ty thực phẩm Pháp Danone đã phải đối mặt với áp lực từ khách hàng và các nhà hoạt động buộc họ rời khỏi thị trường Nga trong bối cảnh xung đột giữa Moscow và Kiev. Tuy nhiên, công ty bảo vệ quyết định ở lại Nga.

Danone chi nhánh tại Nga có 13 nhà máy, 7.200 nhân viên và chiếm 5% doanh thu toàn cầu hằng năm khoảng 24 tỷ Euro (27 tỷ USD). Tháng 10/2022, công ty này thông báo đang tìm cách bán mảng kinh doanh ở Nga, có thể dẫn đến khoản nợ lên tới 1 tỷ Euro.

Trong khi đó, Carlsberg cũng thông báo ngừng đầu tư vào hoạt động kinh doanh ở Nga hồi tháng 3 năm nay. Đến tháng 6/2023, tập đoàn xác nhận đã đạt được thỏa thuận bán tài sản ở Nga cho một người mua giấu tên với số tiền không được tiết lộ, đồng thời từ chối cung cấp bất kỳ chi tiết nào về thỏa thuận.

Đây là lần thứ hai Moscow "ra tay" nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp phương Tây tại nước này, kể từ tháng 4/2023. Khi đó, Điện Kremlin công bố một sắc lệnh cho phép nhà nước tạm thời kiểm soát tài sản của các công ty hoặc cá nhân từ những quốc gia mà Moscow gọi là “không thân thiện”.

Các quan chức Nga nói rằng, sắc lệnh này là để trả đũa các động thái tương tự của các nước phương Tây. Ngay sau khi sắc lệnh ban hành, Nga đã tuyên bố nắm quyền kiểm soát các tiện ích thuộc sở hữu của Uniper của Đức và Fortum của Phần Lan.

Theo giới chuyên gia, sắc lệnh đặt ra các rào cản mới đối với các công ty nước ngoài đang cố gắng rời khỏi thị trường Nga, đánh dấu một bước tiến trong "cuộc chiến" kinh tế giữa hai bên.

Ông Alexandra Prokopenko, cựu quan chức Ngân hàng trung ương Nga, hiện là học giả không thường trú tại Trung tâm Á-Âu Carnegie Nga có trụ sở tại Berlin (Đức) nhận định: “Việc áp đặt quyền kiểm soát doanh nghiệp hay tài sản của các nước phương Tây sẽ được Moscow sử dụng thường xuyên hơn, đây mới chỉ là bước khởi đầu".

Một cửa hàng của Burger King ở Moscow. (Nguồn: AP)

Doanh nghiệp "mắc kẹt"

Theo Học viện CELI thuộc Trường Quản lý Yale (Mỹ), kể từ tháng 2/2022 - khi chiến dịch quân sự tại Ukraine bùng nổ, có hơn 1.000 công ty đa quốc gia đã rời bỏ hoặc cắt giảm đáng kể hoạt động ở Nga.

Hiện tại, danh sách công ty lớn khác đang tìm cách rời khỏi Nga bao gồm nhà sản xuất bia khổng lồ Heineken. Hồi tháng 3/2023, Heineken cho biết, họ đang làm mọi thứ có thể để tìm một chủ sở hữu mới.

Cùng thời điểm, British American Tobacco cũng tiết lộ đã bắt đầu quá trình chuyển giao nhanh chóng quyền sở hữu doanh nghiệp tại Nga và rời khỏi thị trường này.

Tuy nhiên, hành trình rời Nga có thể không còn dễ dàng.

Moscow hiện yêu cầu phải có sự chấp thuận của một ủy ban thuộc chính phủ và trong một số trường hợp cần cả sự chấp thuận từ Tổng thống Vladimir Putin; đặt ra các yêu cầu chiết khấu và thuế với giá bán tài sản…

Cụ thể, tháng 12/2022, Điện Kremlin đã thông qua các quy tắc yêu cầu chính phủ Nga tiến hành đánh giá giá trị thị trường của bất kỳ tài sản nào được bán bởi một công ty nước ngoài.

Đến tháng 3/2023, giới chức Nga cho biết, kế hoạch áp thuế lợi nhuận bất thường đối với các doanh nghiệp tại nước này, có hiệu lực từ đầu năm 2024. Trừ ngành dầu mỏ, khí đốt, than đá, các công ty khác có thể bị áp thuế 10% với lợi nhuận bất thường giai đoạn 2021-2022 so với giai đoạn 2018-2019.

Bloomberg cũng tiết lộ, mức thuế này có thể áp dụng cả với các công ty sắp rời Nga. Việc này sẽ không có ngoại lệ, do Nga cần bổ sung ngân sách. Và mức thuế này sẽ khiến các công ty càng khó khăn hơn nếu muốn rời đi.

Ông Michael Harms, Giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp Đông Đức nhận định, doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại nền kinh tế lớn thứ tám thế giới đang lạc lối khi bị "mắc kẹt" giữa các biện pháp trừng phạt và trả đũa giữa Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nga.

(theo WSJ)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-my-nga-lam-cang-voi-phuong-tay-hanh-trinh-roi-moscow-them-trac-tro-doanh-nghiep-chiu-suc-ep-ba-be-bon-ben-235139.html