Bảo hiểm thất nghiệp: Có đóng là có hưởng

Nhờ có chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) mà khi người lao động bị thất nghiệp, chủ doanh nghiệp không phải lo phần chi phí chi trả trợ cấp. Nhờ BHTN, gánh nặng của Nhà nước về ngân sách cũng hạn chế rất nhiều.

* “Phao cứu sinh” của người lao động

Thất nghiệp và nhận tiền hỗ trợ là chuyện “chẳng đẳng đừng” của nhiều người lao động (NLĐ). Bởi thực tế, khi có việc làm ổn định, thu nhập hàng tháng của NLĐ cao hơn nhiều.

6 năm làm công nhân cuốn giấy, anh Nguyễn Văn Nam (ngụ tại P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) đều được doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, BHTN, bảo hiểm y tế đầy đủ. Do tình hình khó khăn chung, ngay từ đầu năm nay, công ty ít việc hơn nên anh Nam cũng xin nghỉ việc. Trước khi nghỉ việc, lương của anh là 6 triệu đồng/tháng. Trong thời gian tìm việc mới, anh Nam đã làm thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) và được giải quyết với mức hưởng 3,6 triệu đồng/tháng.

“Tôi đã lãnh tiền bảo hiểm thất nghiệp được 3 tháng rồi. May là có khoản tiền này trang trải cuộc sống trong lúc chờ xin việc làm mới. Tôi mong muốn tìm được việc mới với lương cao hơn trước, vì giờ cái gì cũng tăng, nhưng có vẻ không dễ kiếm việc trong lúc này” - anh Nam chia sẻ.

Tiền TCTN mỗi người một mức và những lúc khó khăn, không có việc làm thì khoản tiền này đã hỗ trợ phần nào cho cuộc sống.

Là công nhân may có 13 năm kinh nghiệm, gần 1 năm nay, chị Thanh Vân (ngụ tại P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) phải nghỉ việc để ở nhà trông con, chăm sóc mẹ bệnh. Vài tháng nay, chị Thanh Vân muốn đi làm trở lại nhưng vẫn chưa thể tìm được công việc mới, dù tích cực tìm kiếm. Đóng bảo hiểm 13 năm, giờ mỗi tháng chị Thanh Vân được lãnh 4,7 triệu đồng và được hưởng trong 11 tháng.

Chị Thanh Vân cho rằng: “Dù số tiền TCTN chỉ bằng một nửa so với thu nhập của tôi (có tăng ca) nhưng giờ nhờ nó tôi thấy yên tâm hơn khi không có việc làm. Tất nhiên, mình phải cố gắng gói ghém chi tiêu, phải “cân đo đong đếm” hơn so với thời còn đi làm”.

Công thức tính tiền trợ cấp thất nghiệp

Theo Luật Việc làm năm 2013, mức hưởng TCTN hàng tháng được tính theo công thức sau: Mức hưởng TCTN = 60% x (mức tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề đóng vào quỹ BHTN trước khi thất nghiệp).

Trường hợp những tháng cuối cùng trước khi thất nghiệp, NLĐ có thời gian gián đoạn đóng BHTN thì 6 tháng liền kề để tính mức hưởng TCTN là bình quân tiền lương của 6 tháng đóng BHTN trước khi NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định.

* Phương châm 3 đúng

Tính đến cuối tháng 11-2023, Đồng Nai có gần 61 ngàn người được hưởng TCTN. Theo quy định, NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc hợp đồng mùa vụ từ 3 tháng đến dưới 12 tháng đều bắt buộc tham gia BHTN.

Nếu chẳng may bị thất nghiệp, NLĐ sẽ nhận được mức TCTN và thời gian nhận TCTN tùy vào thời gian đóng, nhưng tối đa không quá 12 tháng. Cụ thể: đóng từ 12-36 tháng sẽ được trợ cấp 3 tháng, sau đó cứ 12 tháng sẽ hưởng thêm 1 tháng. Mức trợ cấp là 60% mức của 6 tháng liền kề trước khi NLĐ nghỉ việc.

Theo Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai Nguyễn Thị Kim Thùy, năm 2009, chính sách BHTN bắt đầu có hiệu lực và đi vào cuộc sống. Sau nhiều lần thay đổi, bổ sung, chính sách nhân văn này nhanh chóng phát huy ý nghĩa thiết thực như một điểm tựa cho NLĐ chẳng may mất việc.

Thực tế, BHTN đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp và Nhà nước trong an sinh xã hội. Nhờ có chính sách BHTN mà khi NLĐ bị thất nghiệp, chủ doanh nghiệp không phải lo phần chi phí chi trả trợ cấp. Nhờ BHTN, gánh nặng của Nhà nước về ngân sách cũng hạn chế rất nhiều.

Việc tổ chức thực hiện BHTN thời gian qua với phương châm “3 đúng” gồm: “đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn” khi giải quyết các chế độ hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; TCTN và bảo hiểm y tế. Tất cả đã có tác động tích cực, trực tiếp đến NLĐ, người sử dụng lao động và vấn đề an sinh xã hội.

Sau 13 năm triển khai thực hiện, đối tượng tham gia BHTN được mở rộng, số người tham gia và hưởng thụ vượt so với phương án xây dựng chính sách. Hiện nay, ngoài thực hiện các thủ tục hưởng BHTN trực tiếp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai và văn phòng ở các huyện thì NLĐ có thể để đăng ký TCTN trực tuyến qua cổng dịch vụ công.

Cụ thể, NLĐ có thể làm theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn tại: https://dichvucong. gov.vn.

Bước 2: Tìm kiếm và chọn dịch vụ công "Giải quyết hưởng TCTN" và nhấn nút "Nộp trực tuyến".

Bước 3: Nhập thông tin đơn đề nghị hưởng TCTN theo mẫu số 01 và tải lên bản chụp/ scan giấy tờ chứng minh việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Bước 4: Chọn nơi đề nghị nhận TCTN, có thể là qua tài khoản ngân hàng hoặc tại cơ quan bảo hiểm xã hội quận/ huyện nơi cư trú.

Bước 5: Gửi hồ sơ và chờ xác nhận của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội.

Mức tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp

Mức tiền hưởng TCTN phụ thuộc vào chế độ lương và vùng lương của NLĐ. Cụ thể, mức hưởng TCTN tối đa không được vượt quá:

+ 5 lần mức lương cơ sở đối với NLĐ hưởng lương theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định. Trong đó mức lương cơ sở từ ngày 1-7-2023 là 1,8 triệu đồng/người/tháng.

Như vậy đối với người thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định mức hưởng TCTN năm 2023 tối đa không được vượt quá 1,8 x 5 = 9 triệu đồng/người/tháng.

+ 5 lần mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm việc tại doanh nghiệp.

Như vậy, đối với người thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì mức hưởng TCTN tối đa là từ 16,25 triệu đồng/người/tháng đến 23,4 triệu đồng/người/ tháng (căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng mới nhất năm 2023).

P.V

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202312/bao-hiem-that-nghiep-co-dong-la-co-huong-419227d/