Bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo luật sư, hành vi bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chủ lớp mẫu giáo là cô đánh trẻ

UBND phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh vừa ra quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục đối với lớp mẫu giáo Tí Bo (49 đường Linh Đông, phường Linh Đông) do bà L.T.B.NG. làm chủ. Bà NG. là người đã có hành vi bạo hành trẻ em đối với 2 trẻ em tại lớp mẫu giáo do bà quản lý.

Quyết định đình chỉ nêu rõ: bà NG. vi phạm quy định pháp luật về trẻ em, vi phạm tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, vi phạm quy định về chuẩn mực đạo đức của chủ lớp mẫu giáo độc lập, không đủ điều kiện để tiếp tục điều hành hoạt động của lớp mẫu giáo Tí Bo.

Quyết định của UBND Phường Linh Đông cũng cho biết, thời hạn đình chỉ từ ngày 25/4 đến khi có kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra về hành vi bạo hành trẻ em tại lớp mẫu giáo Tí Bo. Căn cứ kết luận của Cơ quan điều tra và xét tình hình thực tế tại lớp mẫu giáo Tí Bo, UBND phường tham mưu Phòng GD&ĐT TP Thủ Đức thẩm định, cho phép hoạt động trở lại nếu đủ điều kiện.

Chủ lớp mẫu giáo ngồi lên người bé trai, liên tục nhét thức ăn vào miệng bé trai (Ảnh: Cắt từ clip)

Trước đó, tối 23/4, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh cô giáo ngồi lên bụng bé trai đang khóc, đè bé xuống nền nhà, ngồi lên người bé rồi liên tục nhét thức ăn vào miệng mặc cho trẻ khóc lóc, giãy giụa. Vụ việc diễn ra ngay trước mặt của nhiều trẻ em trong lớp.

Sự việc xảy ra tại lớp Mẫu giáo Tí Bo, phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Bà NG. đã thừa nhận hành vi bạo hành trẻ của mình trong buổi làm việc với các cơ quan chức năng vào sáng 24/4. Cùng ngày, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo sau vụ chủ nhóm lớp bạo hành trẻ.

Đối với bà NG., UBND phường yêu cầu bà thực hiện đúng theo quyết định của UBND phường, đảm bảo đầy đủ chế độ cho giáo viên, nhân viên và trách nhiệm dân sự đối với các phụ huynh và trẻ đang học tại lớp mầm non sau khi có quyết định đình chỉ hoạt động của UBND phường.

"Về xử lý hành vi của bà L.T.B.NG., UBND phường chỉ đạo công an phường tiếp tục làm việc, xác minh thông tin, tham mưu xử lý theo quy định pháp luật đối với hành vi vi phạm của bà L.T.B.NG.", báo cáo nêu rõ.

UBND phường sẽ phối hợp với Phòng GD&ĐT tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình các bé là nạn nhân trong vụ việc trên. UBND phường Linh Đông cũng cho biết, phường sẽ trao đổi trực tiếp, vận động, hướng dẫn phụ huynh 22 bé còn lại tạm thời gửi trẻ tại các cơ sở khác trên địa bàn phường trong thời gian giải quyết vụ việc; đồng thời phối hợp Phòng GD&ĐT TP Thủ Đức trao đổi các trường, lớp mẫu giáo, nhóm trẻ trên địa bàn phường đồng thuận, hỗ trợ các trẻ từ lớp mẫu giáo Tí Bo chuyển sang học tập an toàn.

Xác minh làm rõ và xử lý nghiêm

Qua theo dõi vụ việc trên, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trẻ em là những đối tượng được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, được chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển lành mạnh cả về thể chất và tinh thần. Vì vậy, mọi hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em là trái pháp luật và phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.

Luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết, qua nội dung clip ghi lại cảnh chủ cơ sở mẫu giáo Tí Bo ngồi lên bụng bé trai đang khóc, đè bé xuống nền nhà, ngồi lên người bé rồi liên tục nhét thức ăn vào miệng mặc cho trẻ khóc lóc, giãy giụa. Đây là hành vi phản giáo dục, có tính chất côn đồ, có thể gây ra tổn hại nghiêm trọng về tâm lý và sức khỏe cho trẻ em. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc xác minh làm rõ và xử lý nghiêm minh đối với cô giáo này.

Với hành vi này thì giáo viên sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 28, Nghị định 04/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đây là hình phạt hành chính dành cho người vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, trong trường hợp cháu bé có thương tích thì có thể khởi tố vụ án hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” được quy định theo Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015. Trường hợp không đủ căn cứ xử lý về tội “Cố ý gây thương tích” nhưng có căn cứ cho thấy hành vi là đối xử tàn ác với học sinh thì cũng có thể xử lý hình sự về tội “Hành hạ người khác” được quy định theo Điều 140, Bộ luật Hình sự năm 2015, sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài ra, người thực hiện hành vi hành hạ, ngược đãi đối với trẻ em còn phải bồi thường cho cha mẹ hoặc người giám hộ của các bé số tiền để bù đắp những tổn thất vật chất thực tế và tổn thất tinh thần” - luật sư Đinh Thị Nguyên nhận định.

Luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết thêm, khi những sự việc xảy ra như vậy, việc đình chỉ hoạt động của cơ sở giáo dục là cần thiết. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần xem xét trách nhiệm không chỉ đối với các nhân đã thực hiện hành vi bạo hành với trẻ mà cần làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động giáo dục ở địa phương này.

“Làm nghề giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, tiểu học là nghề đặc biệt, người tham gia hoạt động nghề nghiệp này phải được đào tạo, có đạo đức, có kỹ năng, chuyên môn phù hợp và đặc biệt là phải có lòng yêu trẻ, coi học sinh như những đứa con của mình thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ” - Luật sư Đinh Thị Nguyên nhấn mạnh.

Thái An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bao-hanh-tre-em-co-the-bi-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su.html