Báo Hà Giang 'Nghèo vật chất, dư dả tình người!'

BHG - Đầu năm 1973, tôi vào công tác tại Báo Hà Giang. Khi ấy gặp tôi, bác Phạm Kim Quy, Tổng Biên tập Báo Hà Giang cười vui bảo tôi: “Cả tòa soạn chỉ có mỗi một mình cháu là phóng viên nữ. Cơ quan Báo nghèo lắm, không có tủ kính để cho cháu vào đấy”.

Hồi ấy phương tiện để đi làm báo khó khăn lắm, tôi và anh phóng viên Hoàng Gia Trung đi làm bằng xe đạp từ sáng sớm tinh mơ, mang theo nắm cơm muối vừng. Lúc ngồi đợi đò ở bến sông km8 đường Hà Giang – Hà Nội, anh Trung chia sẻ: “Tòa soạn Báo Hà Giang cơ sở vật chất chẳng có gì đâu. Hồi trước cũng có một, hai cô vào làm, nhưng chỉ ít tháng sau xin nghỉ luôn, vì nghề báo vất vả, gian khổ lắm. Anh giới thiệu em vào cơ quan Báo chẳng biết em có trụ được lâu không!?”. Tôi đáp “dạ em sẽ hết sức cố gắng để không phụ lòng tin của của anh ạ”.

Từ phải qua trái: Hai cựu nhà báo Thiều Dương, Minh Đức và vợ chồng chú Phí Văn Tường, nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Tuyên. Ảnh: CTV

Hồi ấy Tổng Biên tập là bác Phạm Kim Quy, Phó tổng Biên tập là anh Hoàng Quang Sôi, Ủy viên Biên tập là anh Đặng Cao Sơn, Thư ký tòa soạn là anh Nguyễn Đức Trọng, kế toán là chị Nguyễn Thị Tuyết, đánh máy chị Nguyễn Thị Mai, thủ quỹ chị Nguyễn Thị Yên, tạp vụ chị Nguyễn Thị Thiện. Phòng Phóng viên lúc đó có khoảng 20 người, ngoài các anh Hoàng Gia Trung, Xuân Mai, Dương Trung Thanh, Dương Văn Khóa, Vũ Xuân Bặc, số còn lại đều là thanh niên chưa lập gia đình. Anh em trong cơ quan quý nhau lắm, như người thân trong nhà. Anh Trần Phượng đi công tác ở hai huyện phía Bắc Đồng Văn, Mèo Vạc về khoác túi mận to, đi bộ từ bến xe mang về tòa soạn cho cả cơ quan thưởng thức; anh Vương Văn Phát đi công tác ở hai huyện phía Tây là Xín Mần, Hoàng Su Phì về có quà cho cả cơ quan là túi hạt óc chó.

Các buổi lao động tập thể những năm tỉnh Hà Giang phát động phong trào lao động trồng lúa, trồng màu tự túc lương thực khá mệt, nhưng rất vui. Báo Hà Giang khi đó cũng tham gia hoạt động này. Tôi còn nhớ cả cơ quan trồng sắn, trồng khoai lang, trồng chuối quanh khu đất của cơ quan. Có lần, cơ quan tổ chức đi lao động trồng lúa ở Bản Tùy, xã Ngọc Đường, thị xã Hà Giang. Cánh nhà báo quen nghề cầm bút, nay phải vào rừng chặt nứa về rào nương trồng lúa, ai nấy đều mệt bã người, chưa kể bị vắt cắn lúc vào rừng.

Tuy cơ quan Báo nghèo về vật chất, nhưng đã hết sức chăm lo đời sống tinh thần cho anh em. Công đoàn Báo tổ chức cho anh chị em đi xem phim tập thể, tôi ngồi cùng hàng ghế với anh Nguyễn Đình Lục và Vương Văn Phát. Anh Phát rỉ tai tôi “Anh Lục khó khăn Đức ạ, anh ấy bị vôi hóa toàn bộ cột sống, là thương binh...”. Nghe anh Phát nói tôi thấy thương anh Lục quá. Tự nhủ lòng “hãy coi anh Lục như người anh của mình để động viên giúp đỡ anh ấy”. Sau mỗi chuyến công tác xa: Từ huyện Bắc Quang về Tòa soạn Báo Hà Giang, tôi chủ động mời anh Lục về nhà tôi ăn cơm, tôi là phóng viên nữ được cơ quan phân công thường trú tại huyện Vị Xuyên và thị xã Hà Giang. Lòng yêu nghề và tình yêu đôi lứa “đã xích” hai nhà báo trẻ đến với nhau và nên duyên vợ chồng.

Những bài báo được tác giả trân trọng gìn giữ.

Hồi chúng tôi cưới nhau, anh em cơ quan đến giúp khiêng bàn ghế mượn từ hội trường Công ty Chè về nhà, chẳng có loa đài, váy cô dâu, nhẫn cưới. Anh em đến chúc mừng đám cưới chúng tôi chỉ ngồi uống nước chè, ăn ít bánh kẹo và thuốc lá. Quà tặng hồi ấy chẳng ai có phong bì như bây giờ. Quà là túi quần áo sơ sinh trẻ em. Riêng anh Xuân Mai tặng tôi đôi mắc màn trị giá 5 đồng. Suốt 50 năm qua (1973 - 2023), mấy lần tôi bị mất tiền, mất vàng nhưng riêng thư của vợ chồng tôi hồi yêu nhau, nhật ký, đôi mắc màn anh Xuân Mai tặng và một số tin, bài, ảnh của tôi đăng trên Báo Hà Giang, tôi vẫn nâng niu gìn giữ như báu vật vô giá.

Tình yêu đã cho tôi sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trụ vững ở Báo Hà Giang và khi sáp nhập với Báo Tuyên Quang thành Báo Hà Tuyên. Tuy mẹ già, chồng ốm đau, một nách ba con nhỏ, tôi vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm nào cũng được tập thể bình xét danh hiệu thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Một số bài còn được thưởng chất lượng cao và có bài đoạt giải cuộc thi của tỉnh. Phóng sự “Mùa Xuân ở một cung đường” phản ánh sự đột phá trong cách khoán người, khoán việc đạt hiệu quả cao trong việc khắc phục sự cố sạt lở đường ở tuyến Nậm Dịch, huyện Hoàng Su Phì. Cơ quan khoán cho công nhân từng đoạn đường, họ coi đoạn đường như của nhà mình, cả nhà cùng dọn đường, bảo quản đường. Đường lúc nào cũng thông thoáng, cống rãnh luôn thoát nước. Khi sự cố sạt lở bình thường phải khắc phục từ 4 - 5 ngày, nhưng nhờ có sáng kiến lợi dụng sức nước bắc máng nước chảy vào khu đất sạt lở, cộng với sức người nên chưa đầy hai ngày đã giải phóng mặt đường. Đơn vị được nhận Cờ thi đua đơn vị xuất sắc của ngành Giao thông - Vận tải. Bài viết của tôi mang tính phát hiện nên được anh em tập thể trong phòng đánh giá rất cao. Phóng sự “Cửa hàng ăn tuyến Lửa” của tôi ngoài đăng trên Báo Hà Tuyên còn được tuyển chọn đăng trong cuốn sách “Hà Tuyên chiến thắng”.

Rồi năm 1976, sau khi sáp nhập hai Báo Hà Giang, Tuyên Quang thành Báo Hà Tuyên. Lúc đó Tổng Biên tập là bác Phạm Kim Quy, các Phó tổng là anh Phí Văn Tường, Chu Thái Tinh, Thư ký tòa soạn là anh Hoàng Liên. Số lượng phóng viên đông, nhưng Phòng Phóng viên anh em rất đoàn kết.

Nhà tôi - nơi cửa ngõ mặt trận là trạm đón tiếp miễn phí chỗ ăn, nghỉ cho anh em Báo Hà Tuyên từ Tuyên Quang lên nghỉ để hôm sau lên đường đi tác nghiệp ở các tuyến biên giới như Thanh Thủy (Vị Xuyên), các huyện Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc, Đồng Văn… Khi chiến sự diễn ra ác liệt, tôi được phân công về tuyến sau vì có mẹ già và ba con nhỏ.

Khi xe Báo Hà Tuyên lên đón các hộ gia đình ở Hà Giang về trụ sở Báo Hà Tuyên, nay là Báo Tuyên Quang. Dù đã gần sáu giờ chiều, nhưng anh Phí Văn Tường vẫn nán lại cơ quan để đón đợi anh em Hà Giang xuống, thăm hỏi giúp đỡ anh em. Anh Tường bảo thủ kho xuất cho anh chị em sơ tán mỗi gia đình ba khúc củi to để nấu cơm tối. Anh Tường bảo anh Nguyễn Đức Tằng lúc đó là Trưởng phòng Phóng viên cho tôi mượn bếp nấu cơm. Anh bảo tôi “Em lấy xe đạp của anh ra chợ mua thức ăn về nấu cho bà và các cháu”… Hình ảnh người Phó tổng Biên tập Phí Văn Tường chu đáo, tận tụy với anh em Hà Giang sơ tán cứ mãi in đậm trong tâm trí tôi chẳng bao giờ quên.

Những năm tháng không thể nào quên về một Báo Hà Giang rồi sau sáp nhập là Báo Hà Tuyên (1976 - 1991). Rất nghèo về vật chất, chỉ có tình người là dư dả. Tôi thiết nghĩ “Chỉ có tình đoàn kết và ý chí quyết tâm mới giúp Báo Hà Giang sau sáp nhập là Báo Hà Tuyên vững mạnh và phát triển như hôm nay. Chỉ có sự đoàn kết mới gắn bó anh em Báo Hà Giang và Báo Tuyên Quang luôn thân thiết như anh em ruột thịt trong một gia đình”. Và cho đến hôm nay, suốt 50 năm (1973 - 2024) được công tác trong cùng một tòa soạn và dù sau khi đã nghỉ chế độ, anh em chúng tôi vẫn giữ tình cảm “xa là nhớ, gặp nhau là mừng”. Ở tuổi ngoài 70, tôi thật vui mừng khi thấy các thế hệ Báo Hà Giang, Tuyên Quang vẫn giữ được truyền thống đoàn kết và ngày càng phát triển.

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202404/bao-ha-giang-ngheo-vat-chat-du-da-tinh-nguoi-db0399d/