Bao giờ Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng mở rộng?

Nhiều câu hỏi sẽ cần được trả lời, bao gồm về đóng góp ngân sách và cải cách nội bộ, khi nói đến việc mở rộng khối 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU).

“Các vị là một phần của gia đình chúng tôi, tương lai của các vị nằm trong liên minh của chúng tôi và liên minh của chúng tôi sẽ không trọn vẹn nếu không có các vị”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã nói hồi năm ngoái với Ukraine và 9 quốc gia khác đang kiên nhẫn xếp hàng để trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Nhà lãnh đạo hàng đầu EU đã nhiều lần nhắc lại lời mời gia nhập khối nhưng vẫn chưa bao giờ ấn định ngày điều đó sẽ diễn ra.

Trả lời càng sớm càng tốt

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã đưa vấn đề mở rộng EU trở lại vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự của liên minh, bổ sung thêm 3 quốc gia nữa vào danh sách các ứng cử viên tiềm năng.

“Đã quá muộn để các quốc gia thành viên EU hiện tại nhận ra ý tưởng rằng họ sẽ phải cải cách nội bộ”, ông Steven Blockmans, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Châu Âu (CEPS), cho biết.

“Việc mở rộng không chỉ trở lại chương trình nghị sự mà còn trở thành một trong 3 vấn đề hàng đầu mà các nhà lãnh đạo đang giải quyết”, trang Modern Diplomacy dẫn lời một nhà ngoại giao EU nói.

Ukraine, Moldova và Georgia (Gruzia) đã được thêm vào danh sách ứng cử viên chính thức vào mùa hè năm ngoái, vốn đã bao gồm Albania, Serbia, Kosovo, Thổ Nhĩ Kỳ, Montenegro, Bắc Macedonia và Bosnia và Herzegovina.

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Ukraine-Balkan ở Athens, Hy Lạp, ngày 21/8/2023. Ảnh: Kiyv Independent

Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP), Roberta Metsola, đã kêu gọi bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức để gia nhập EU với Ukraine và Moldova vào năm tới. Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại kiêm Phó Chủ tịch EC Josep Borrell đã tuyên bố cánh cửa đang mở để Georgia gia nhập EU, nhưng nhấn mạnh Tbilisi “vẫn còn khá nhiều việc phải làm”.

Trong khi đó, người đứng đầu EC đã thừa nhận rằng, giờ đây sự chú ý cũng phải tập trung vào các vấn đề còn tồn tại, đó là sự gia nhập của các nước Tây Balkan.

“Chúng ta phải thảo luận về quá trình ra quyết định sẽ như thế nào. Chúng ta phải thảo luận về cách phân bổ nguồn tài trợ chung mà chúng ta có, những chính sách chung mà chúng ta tuân theo là gì? Đây là những câu hỏi rất có tính nguyên tắc mà chúng ta phải hỏi nhau. Chúng ta phải trả lời những câu hỏi này càng sớm càng tốt, vì chúng ta sẽ mất thời gian để đưa ra kết luận”, bà von der Leyen cho biết hồi tháng trước.

Trong khi Ukraine và Moldova hiện đang là những ứng cử viên tiềm năng hàng đầu, một nhà ngoại giao cấp cao của EU cảnh báo rằng sẽ không có gì xảy ra để đẩy nhanh quá trình này cho đến khi có sự kêu gọi lớn hơn từ bên trong EU.

“Sẽ không có chuyện gì xảy ra cho đến khi có áp lực chính trị tối đa. Tại sao các quốc gia thành viên lại đồng ý mở rộng trái với hiện trạng?”, nhà ngoại giao trên cho biết.

“Ác mộng” cải cách nội bộ

Nhiều câu hỏi sẽ cần được trả lời khi nói đến việc mở rộng EU. Ví dụ: Tác động của việc mở rộng sẽ như thế nào đối với ngân sách EU vốn đang chịu áp lực?

Ngân sách EU, hiện là 186 tỷ euro, sẽ tăng bao nhiêu sau mở rộng? Liệu 3 thành viên hàng đầu – Đức, Pháp và Italy – có sẵn sàng đóng góp nhiều hơn không? Liệu Ba Lan, Hy Lạp hay Hungary có vui lòng chuyển từ những nước hưởng lợi ròng từ nguồn tài trợ của EU trở thành những nước đóng góp ròng không?

Sau đó là câu hỏi về quy mô của Nghị viện châu Âu (EP) – vốn đang bao gồm 705 nhà lập pháp đại diện cho 27 quốc gia thành viên. Liệu các thành viên EP có phải nhích lên băng ghế trên để nhường chỗ cho nhiều chính trị gia từ các quốc gia thành viên mới gia nhập trong một nơi có thể sẽ trở thành Quốc hội lớn nhất thế giới không? Cán cân chính trị sẽ nghiêng về cánh tả hay cánh hữu?

Để hình dung, có thể lấy ví dụ với Ukraine. Với dân số trước xung đột là 44 triệu người, ít hơn Tây Ban Nha 3 triệu người và nhiều hơn Ba Lan 3 triệu người, Ukraine có thể mong đợi có 50-60 ghế nghị sĩ trong EP sau khi gia nhập khối. Câu hỏi là liệu người Ukraine có thể giành được bao nhiêu trong số 73 ghế còn trống do Brexit để lại, và sẽ có bao nhiêu ghế mới? Hay việc mở rộng EU có làm cho EP trở nên quá cồng kềnh để hoạt động?

Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Roberta Metsola khai mạc phiên họp toàn thể ở Strasbourg, tháng 4/2023. Ảnh: EP News

Cuối cùng, bất kỳ quốc gia nào trong số 27 quốc gia thành viên EU hiện tại đều có thể phủ quyết việc gia nhập của một quốc gia khác, khiến chính trị trong nước trở thành yếu tố mạnh mẽ trong việc quyết định ứng viên nào sẽ vào EU và ứng viên nào sẽ không.

Nếu một quốc gia thành viên EU nhận thấy bất kỳ câu hỏi nào trong số những câu hỏi trên có thể gây khó chịu cho cử tri của mình, thì quốc gia đó có thể hành động để ngăn cản sự mở rộng.

Rõ ràng, muốn hiện thực hóa tham vọng của mình, các nhà lãnh đạo EU sẽ cần phải đương đầu với những khó khăn ngày càng gia tăng. Cuộc tranh luận có thể sẽ diễn ra gay gắt giữa các chính phủ ở châu Âu khi các quan chức cân nhắc sự phù hợp của các quốc gia ứng cử viên, và sau đó là viễn cảnh “ác mộng” về việc cải cách các quy trình ra quyết định nội bộ của EU để phù hợp với một khối lớn hơn nhiều.

Tuần qua, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã kêu gọi các chính trị gia bắt đầu tham gia vào các cải cách của EU, đặt mục tiêu sẵn sàng mở rộng khối vào năm 2030. “Vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Nó sẽ khó khăn và đôi khi đau đớn. Vì các quốc gia thành viên tương lai và vì EU”, ông nói.

Minh Đức (Theo Modern Diplomacy, Politico EU)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bao-gio-lien-minh-chau-au-eu-san-sang-mo-rong-a626227.html