Báo Đức tiết lộ dự thảo hòa bình Nga - Ukraine đã thất bại như thế nào

Đoàn đàm phán Nga và Ukraine được cho là đã gần đạt được thảo thuận hòa bình vào mùa xuân năm 2022, khi phía Kiev sẵn sàng cam kết duy trì vị thế trung lập và nhận được bảo đảm an ninh quốc tế, còn Moscow sẽ chấp nhận ngừng bắn.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trước phái đoàn Nga - Ukraine tại cuộc đàm phán hòa bình ở Istanbul, ngày 29/3/2022. Ảnh: Reuters

RT đưa tin, tờ Welt của Đức ngày 26/4 đã trích dẫn một tài liệu dài 17 trang đề ngày 15/4/2022, cho biết đây là dự thảo hiệp ước mà phái đoàn Nga và Ukraine đã đưa ra. Những điểm khác biệt còn lại giữa hai bên sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.

Theo Welt, Ukraine được cho là sẽ cam kết “trung lập vĩnh viễn”, đồng ý không cho phép vũ khí và quân đội nước ngoài đặt tại nước này và cam kết không “nhận, sản xuất hoặc mua” vũ khí hạt nhân. Kiev cũng được cho là sẽ không tổ chức các cuộc tập trận quân sự với các nước khác.

Về phía Nga, nước này sẽ cam kết không tấn công Ukraine nữa và đồng ý rằng Kiev có thể nhận được sự đảm bảo an ninh từ Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc. Nếu Ukraine bị tấn công, những bên đảm bảo an ninh này sẽ ủng hộ quyền tự vệ của Kiev trong vòng 3 ngày. Các thỏa thuận liên quan sẽ được mỗi quốc gia tham gia phê chuẩn, khiến chúng có tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Welt cũng tiết lộ rằng, dự thảo hiệp ước hòa bình đã loại trừ bán đảo Crimea và một phần của Donbass khỏi bất kỳ đảm bảo an ninh nào được cấp cho Ukraine. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ điều khoản này đề cập đến phần nào của Donbass.

Phái đoàn Nga, Ukraine đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ, năm 2022. Ảnh: Sputnik

Tờ báo Đức lưu ý rằng, trong khi Moscow muốn hai bên xác định biên giới chính xác tại hội nghị thượng đỉnh giữa hai Tổng thống, thì Kiev đã từ chối và nhấn mạnh rằng biên giới này dựa trên cách giải thích của Ukraine.

Nga cũng được cho là đã “bật đèn xanh” rằng họ sẵn sàng rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, nhưng không rút khỏi bán đảo Crimea và Donbass. Các chi tiết này được cho là đã được Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky thảo luận.

Tuy nhiên, hai bên cũng có những bất đồng lớn về quy mô của quân đội Ukraine, vì Kiev muốn duy trì quân số nhiều hơn mức Moscow sẵn sàng cho phép.

Theo Welt, khi các bên tham chiến gần đạt được thỏa thuận đàm phán, thì Moscow sau đó đã yêu cầu tiếng Nga phải trở thành ngôn ngữ chính thức thứ hai ở Ukraine. Nga được cho là muốn dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt lẫn nhau và bãi bỏ các vụ kiện tụng tại các tòa án quốc tế, đồng thời nhấn mạnh rằng Kiev phải cấm chủ nghĩa Quốc xã và “chủ nghĩa dân tộc hung hãn”. Tuy nhiên, những yêu cầu đó đã bị Ukraine bác bỏ.

Bình luận về dự thảo tiềm năng trên, một nhà đàm phán Ukraine nói với Welt rằng: “Đó là thỏa thuận tốt nhất mà chúng tôi có thể có”. Ông cho rằng Kiev đã có vị thế đàm phán mạnh mẽ hơn vào năm 2022 so với tình hình hiện tại.

Nga và Ukraine chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.

Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, đã có nhiều nỗ lực đàm phán và xúc tiến hòa bình được đề xuất. Trong đó, Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga và Ukraine vào mùa xuân năm 2022.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hòa bình đã đổ vỡ kể từ tháng 4/2022, sau khi cả hai bên đều cáo buộc nhau đưa ra những yêu cầu phi thực tế. Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó cho biết phái đoàn Ukraine ban đầu đã đồng ý với một số điều khoản của Nga trong cuộc đàm phán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào tháng 3/2022, nhưng sau đó đột ngột từ bỏ thỏa thuận.

Ông David Arakhamia - nhà đàm phán hàng đầu của Ukraine tại cuộc đàm phán ở Istanbul, tiết lộ rằng Thủ tướng Anh khi đó là ông Boris Johnson đã tới Kiev và thuyết phục Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục chiến đấu. Tuy nhiên, ông Johnson phủ nhận vai trò trong việc này.

Đến tháng 10/2022, sau khi Nga tiến hành sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, Tổng thống Ukraine Zelensky ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Tổng thống Nga Putin. Sắc lệnh này loại trừ mọi khả năng Kiev tiến hành đàm phán với Moscow khi ông Putin vẫn nắm quyền, nhưng để ngỏ đối thoại với "Tổng thống khác của Nga".

Đến tháng 11/2022, Tổng thống Zelensky đã công bố “công thức hòa bình 10 điểm” của Ukraine. Trong đó, Kiev đưa ra các đề xuất hòa bình, bao gồm việc yêu cầu quân đội Nga phải rút khỏi lãnh thổ Ukraine, từ bỏ 4 vùng tuyên bố sáp nhập (Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia), cũng như bán đảo Crimea (được sáp nhập vào Nga từ năm 2014).

Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ kế hoạch hòa bình này, nhấn mạnh rằng những đề xuất từ Ukraine cần tính đến "tình hình thực tế" của liên quan đến lãnh thổ Nga (bao gồm các vùng được sáp nhập). Mặt khác, Moscow đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng giải quyết xung đột thông qua đàm phán hòa bình, trong khi Kiev không có thái độ tương tự.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 19/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Moscow mong muốn đối thoại hơn là xung đột và nước này luôn để ngỏ đàm phán với Kiev. Tuy nhiên, ông cũng tuyên bố rằng Nga không có ý định ngừng bắn kể cả khi hai nước bắt đầu hòa đàm và sẽ không chấp nhận giải quyết xung đột trên cơ sở "công thức hòa bình" của Ukraine.

Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo nếu Nga và Ukraine quay trở lại bàn đàm phán thì các cuộc đàm phán sẽ không giống như trước, vì Kiev sẽ phải chấp nhận “thực tế mới” về lãnh thổ.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/bao-duc-tiet-lo-du-thao-hoa-binh-nga-ukraine-da-that-bai-nhu-the-nao-post34147.html