Báo động tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật

Thời gian gần đây, số vụ thanh, thiếu niên phạm tội ngày càng gia tăng với tính chất manh động, côn đồ ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhận thức pháp luật kém, tâm lý đám đông, công tác quản lý của gia đình chưa chặt chẽ...

Nhóm cướp dùng dao phóng lợn chặn đường người đi xe máy ở Hà Nội (Ảnh cắt từ camera an ninh).

Thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật gia tăng

Tối 27/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trương Văn Minh (16 tuổi, trú quận Long Biên, học sinh lớp 10, Trung tâm giáo dục thường xuyên Việt Hưng) để điều tra về tội cố ý gây thương tích.

Minh là người đã đánh nam sinh lớp 8 tên N.H.Đ. (14 tuổi, trú quận Long Biên) dẫn đến chết não.

Trước đó, ngày 17/3, N.H.Đ. chơi bóng rổ tại sân đình Lệ Mật. Tại đây, Đ. mâu thuẫn với cháu K. (12 tuổi). K. đã gọi anh trai là Trương Văn Minh và bố ra, sau đó K. và Minh đánh Đ. đến bất tỉnh.

Nạn nhân sau đó được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 108 và trải qua 2 lần phẫu thuật và bị chết não, tiên lượng tử vong.

Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội đã bắt giữ nhóm thanh, thiếu niên chuyên sử dụng dao phóng lợn đi cướp tài sản với tính chất manh động.

Nhóm này gồm: Đặng Lưu Gia Vũ; Cao Nguyễn Hồng Thái; Phùng Cẩm Đào và Lê Thanh Tùng (cùng SN 2009, ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội).

Đây là nhóm gây ra vụ chặn đầu xe của một người đàn ông để cướp tài sản, gây xôn xao mạng xã hội xảy ra ở quận Hà Đông đêm 15/3. Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận đã thực hiện 4 vụ cướp tài sản của người đi đường vào ban đêm trên địa bàn các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và Hà Đông (Hà Nội).

Trên đây chỉ là 2 trong nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian qua mà thủ phạm là thanh, thiếu niên. Điều đáng nói là những hành vi này không chỉ xuất phát từ sự bồng bột, thiếu hiểu biết mà trước khi gây án, các đối tượng đều có động cơ phạm tội, thủ đoạn thực hiện được tính toán kỹ, thậm chí hình thành các băng nhóm để phạm tội.

Nguy hiểm hơn, những hành vi vi phạm pháp luật này còn được đối tượng đăng tải trên các trang mạng xã hội, được coi là "chiến tích" để khoe khoang, thách thức pháp luật.

Ngoài ra, đối tượng còn thông qua mạng xã hội thành lập các hội, nhóm lôi kéo nhau tham gia thực hiện hành vi phạm pháp.

Giáo dục nêu gương giúp các em hướng đến giá trị thiện lành

Theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13 nghìn thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật. Tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi.

Tội phạm vị thành niên không chỉ có dấu hiệu gia tăng về số lượng mà mức độ, thủ đoạn phạm tội cũng diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi; độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa, hành vi ngày càng manh động.

Theo nhiều chuyên gia tâm lý, người dưới 18 tuổi được xác định là người chưa thành niên, là người chưa phát triển đầy đủ về nhân cách, đạo đức. Đây là độ tuổi phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm sinh lý có những bất ổn, thậm chí nổi loạn, thiếu các kỹ năng sống; những hành vi có tính chất bộc phát, thiếu sự điều khiển của lý trí và có thể dẫn đến hành vi phạm tội.

Trung tá Bùi Nhật Quang, Phó trưởng Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cho rằng, từng gia đình với sự quan tâm của bố mẹ đến các em là giải pháp quan trọng hàng đầu giúp các em phát triển về cả thể chất lẫn tinh thần hướng đến những giá trị thiện lành.

Để các em đi đúng hướng thì phụ thuộc rất nhiều vào gia đình và xã hội nơi các em sinh sống. “Việc chứng kiến nhiều cảnh bạo lực hằng ngày từ môi trường sống đến các trò chơi, mạng xã hội sẽ để lại những mầm mống phạm tội trong suy nghĩ của các em.

Một khi bị cuốn theo những lời rủ rê của bạn bè xấu tham gia phạm tội một lần, các em sẽ hình thành tâm lý coi thường pháp luật”, Trung tá Bùi Nhật Quang nhấn mạnh.

Để ngăn chặn tội phạm trong thanh, thiếu niên, TS Đặng Vũ Cảnh Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên cho rằng, cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội để giáo dục cho thế hệ trẻ, cái gốc đó hàng ngày phải được vun tưới và không được sao nhãng.

Trong giáo dục phải nêu gương, muốn dạy con về đạo đức thì trước hết người lớn phải có đạo đức, nếu không tất cả bài giảng chỉ là vô nghĩa.

“Chúng ta phải trang bị kỹ năng sống cho các em. Việc các em tiếp cận mạng xã hội cũng cần thay đổi, không thể để những hình ảnh bạo lực tràn lan ảnh hưởng đến lối sống và hành xử lúc nào không hay. Khi cần bất kỳ sự trợ giúp nào, các em hãy tìm đến người lớn và những người có kinh nghiệm để có thể chỉ bảo, đưa ra lời khuyên cho các em”, TS Cảnh Linh chia sẻ.

Vân Khánh

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/bao-dong-tinh-trang-thanh-thieu-nien-vi-pham-phap-luat-20240330222125207.htm