Báo động tình trạng lắp máy bơm trực tiếp vào đường ống nước

Theo các chuyên gia, ngoài việc nguồn cung chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, khả năng phân phối nước chưa đồng bộ… thi việc người dân tự ý lắp máy bơm trực tiếp vào đường ống cũng là nguyên nhân khiến việc cung cấp nước sạch cho các khu vực cuối nguồn gặp nhiều khó khăn.

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế&Đô thị, trong đợt nắng nóng đầu tháng 5, tại một số khu vực trên địa bàn TP Hà Nội, đặc biệt là khu vực thuộc mạng lưới cung cấp nước sạch do Công ty CP Viwaco quản lý như: Định Công, Khương Đình, Khương Mai… tình trạng thiếu nước sinh hoạt đã diễn ra khá phổ biến. Để có nước sinh hoạt, nhiều hộ dân đã mua máy bơm gắn thẳng vào đường ống nước để hút nước đưa vào bể chứa, hoặc sử dụng trực tiếp.

Công nhân xử lý kỹ thuật tại nhà máy nước Yên Phụ. Ảnh: Thanh Hải

Chị Nguyễn Thị Liên, phố Định Công Thượng, phường Định Công cho biết, đây là khu vực thường xuyên rơi vào tình trạng mất nước trong những ngày nắng nóng. “Đây là khu vực cuối nguồn, bình thường nước đã rất yếu, nếu không sử dụng máy bơm thì nước rất khó chảy được vào bể chứa” – chị Nguyễn Thị Liên cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, một cán bộ của Công ty Nước sạch Hà Nội cho biết, việc người dân tự ý lắp đặt máy bơm trực tiếp vào đường ống không chỉ vi phạm các quy định của pháp luật mà còn khiến tình trạng mất nước diễn ra phức tạp hơn.

Bởi, nếu một khu vực nào đó có quá nhiều hộ sử dụng máy bơm để bơm nước trực tiếp từ đường ống vào bể chứa hoặc sử dụng trực tiếp sẽ khiến nước trong đường ống xuống rất thấp. Mặt khác, khi những hộ ở đầu nguồn sử dụng máy bơm trực tiếp thì những hộ ở cuối nguồn sẽ không có nước.

Bên cạnh đó, việc bơm nước trực tiếp từ đường ống sẽ làm đổi chiều dòng chảy trong đường ống làm bong tróc những mảng bám, cặn lắng bên trong ống... dẫn đến hiện tượng nước bị đục, vàng.

Trong khi đó, theo các chuyên gia kỹ thuật trong lĩnh vực máy bơm nước, việc sử dụng máy bơm nước chân không đặt ở đường cấp nước nguồn để tăng áp lực cho thiết bị trong gia đình như vòi hoa sen, vòi rửa... là không hợp lý, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, tốn kém điện, nước...

Bởi, khi mất nước, nhiều gia đình không biết nên vẫn mở vòi nước khiến máy bơm vẫn hoạt động liên tục. Và khi không có nước làm mát động cơ và phớt, máy sẽ bị cháy. Ngoài ra, khi không có nước, máy bơm vẫn hút không khí trong đường ống khiến đồng hồ nước tiếp tục chạy.

Theo các chuyên gia, tình trạng lắp đặt máy bơm trực tiếp vào đường ông để dẫn nước về bể chứa hoặc sử dụng trực tiếp không phải là câu chuyện riêng của địa phương nào, của mạng lưới cung cấp nước nào mà đã và đang diễn ra trên toàn hệ thống.

Do đó, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh tình trạng trên để nâng cao hiệu quả cung cấp nước cho Nhân dân, đặc biệt là các khu vực cuối nguồn.

Trình Vũ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bao-dong-tinh-trang-lap-may-bom-truc-tiep-vao-duong-ong-nuoc.html