Báo động tai nạn đường thủy

Trong khi tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ và đường sắt có xu hướng giảm cả ba tiêu chí trong thời gian gần đây, thì vấn đề đáng báo động là các vụ TNGT đường thủy nội địa lại bất ngờ gia tăng.

Trong khi tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ và đường sắt có xu hướng giảm cả ba tiêu chí trong thời gian gần đây, thì vấn đề đáng báo động là các vụ TNGT đường thủy nội địa lại bất ngờ gia tăng.

Ngoài tác động tiêu cực của mùa mưa bão, thủy văn gây ra đối với giao thông thủy, việc buông lỏng quản lý, cũng như chế tài xử phạt các hành vi vi phạm an toàn giao thông (ATGT) đường thủy chưa đủ sức răn đe được xem là gốc rễ của tình trạng này.

Gam màu tối

Khoảng 22 giờ 45 phút ngày 17-8 vừa qua, tại Km 8+700 phía bờ phải sông Ðuống, thuộc địa phận phường Giang Biên, quận Long Biên (Hà Nội), xảy ra một vụ TNGT đường thủy nghiêm trọng, khi cầu phao Ðuống mở cho các phương tiện lưu thông, tàu chở cát mang số hiệu NÐ 2236 từ hướng Phú Thọ xuôi về Hưng Yên qua khu vực trên, tàu NÐ 2236 tránh một tàu khác cũng đi qua cầu Ðuống. Do nước sông dâng cao và chảy xiết, phần lưu thông giữa khoang cầu nhỏ, cộng với đêm khuya hạn chế tầm nhìn, tàu cát đã đâm va vào trụ cầu Ðuống, hất anh Hoàng Quang Cửu (SN 1975) ở xã Xuân Trung (huyện Xuân Trường, Nam Ðịnh) đứng ở phần mũi tàu xuống sông. Anh Cửu bơi được vào bờ và thoát chết. Tàu bị lật nghiêng, nước tràn vào boong tàu quá nhanh, khiến cả gia đình anh Trần Trung Dũng (SN 1981), cùng vợ con là Trần Thị Ngân (SN 1984), Trần Thị Khánh Ly (SN 2007), cũng ở xã Xuân Trung (Xuân Trường, Nam Ðịnh) đã không kịp chạy thoát và chìm xuống sông theo tàu.

Cuối tháng 7, trên sông Hồng đoạn cách hạ lưu cầu Chương Dương (Hà Nội) vài trăm mét, cũng xảy ra vụ hai phương tiện thủy lưu thông ngược chiều đâm va nhau trong đêm tối khiến một tàu bị lật úp. May mắn, tàu của Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 6 gần đó đã đến ứng cứu kịp thời, cứu sống bốn thuyền viên trên tàu. Hai phương tiện trong vụ tai nạn này là "tàu không số", vi phạm các quy định về giao thông thủy. Tàu đắm có công suất 360 CV, chở đầy cát nhưng không có đăng ký, đăng kiểm. Gần 10 giờ đêm, khi tàu vừa qua cầu Chương Dương một đoạn, lái tàu phát hiện có tàu chạy ngược chiều nên bật một pha đèn sáng để xin đường. Tuy nhiên, tàu cát không nhận được tín hiệu trả lời, bị tàu ngược chiều đâm vào mạn phải và lật úp.

Thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, trong chín tháng năm nay, lĩnh vực đường thủy nội địa xảy ra 50 vụ TNGT, làm chết 40 người, bị thương năm người. So cùng kỳ năm trước, TNGT tăng bảy vụ (16,28%), tăng 21 người chết (110,53%) và giảm hai người bị thương (28,57%). Riêng trong tháng 9, xảy ra sáu vụ TNGT đường thủy, làm chết ba người, không có người bị thương, tăng một vụ (20%) và tăng ba người chết so cùng kỳ. Ðiều đó cho thấy, tình hình TNGT ở lĩnh vực đường thủy đang diễn biến xấu ở mức báo động, nghiêm trọng hơn trước, gây thiệt hại lớn về sinh mạng con người. Phân tích hiện tượng này, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam cho rằng, tình hình TNGT đường thủy nội địa đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu do vi phạm quy tắc tránh vượt, chở quá tải trọng, quá số người cho phép, thiếu trang thiết bị an toàn.

Tăng nặng chế tài xử phạt

Ðại diện Cục Ðường thủy nội địa Việt Nam cho biết, từ giữa tháng 6 hằng năm, ở phía bắc bước vào mùa bão lũ, kéo theo diễn biến phức tạp về luồng chảy trên các tuyến sông, xuất hiện các "điểm đen" TNGT đường thủy, nhất là tại một số khu vực cầu vượt sông, vị trí có chướng ngại vật. Cục đã triển khai các chốt thường trực chống phương tiện thủy va trôi tại các cầu, công trình vượt sông tại 21 tuyến đường thủy phía bắc, nhằm ứng cứu phương tiện không may gặp sự cố. Trong đó, có các vị trí trọng điểm, nguy cơ cao xảy ra tai nạn như cầu Ðuống, cầu Hồ (trên sông Ðuống), cầu Bình (sông Kinh Thầy), cụm cầu Việt Trì (sông Lô), cụm cầu Long Biên, Chương Dương (sông Hồng),... Các luồng đường thủy trọng điểm cũng được bố trí trụ, phao neo cho phương tiện neo đậu tránh trú khi gặp thời tiết bất lợi. Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 6 Nguyễn Duy Thắng nêu thực tế, dù trong mùa mưa bão, nhưng tình trạng phương tiện thủy chở quá tải, vi phạm quy tắc tránh vượt, neo đậu lấn chiếm luồng, vẫn xảy ra phổ biến, là nguy cơ hiện hữu gia tăng TNGT đường thủy mùa bão lũ.

Theo đánh giá của Ủy ban ATGT quốc gia, nguyên nhân các vụ tai nạn đường thủy chủ yếu do các phương tiện thuyền gia dụng tự đóng, không tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật, không có thử nghiệm và kiểm định về ATGT. Tại các vùng nông thôn, người dân đưa phương tiện thủy gia dụng vào hoạt động mang tính tự phát, phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy sản quy mô nhỏ phục vụ đời sống hằng ngày khá phổ biến. Tuy nhiên, hầu hết các phương tiện gia dụng đều không được trang bị áo phao, thiết bị cứu sinh và thiết bị an toàn theo quy định của Luật Ðường thủy nội địa. Chế tài xử phạt đối với việc đưa phương tiện gia dụng không có thiết bị an toàn, phao cứu sinh hoặc thiết bị cứu sinh vào hoạt động còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Ủy ban ATGT quốc gia đã kiến nghị các bộ, ngành liên quan siết chặt quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, tăng nặng chế tài xử phạt các hành vi vi phạm, bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi không mặc áo phao hoặc cầm theo dụng cụ cứu sinh đối với người đi trên các loại phương tiện thủy gia dụng. Theo đó, các địa phương cần chú trọng tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng và cơ sở (truyền thanh ở thôn, xóm, xã, phường) những quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện, người điều khiển phương tiện thủy; trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông và các phương tiện thô sơ,...

Tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đối với phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, cảng, bến thủy nội địa. Tập trung xử lý nghiêm các vi phạm đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ một tấn đến 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới năm sức ngựa hoặc có sức chở dưới năm người; hành vi chở quá số người được phép chở trên phương tiện,... Ðồng thời, Ủy ban ATGT quốc gia cũng đề nghị Cục Ðường thủy nội địa Việt Nam chủ động phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đường thủy, nhất là việc sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa theo hướng siết chặt quy định, tăng nặng chế tài xử phạt, bảo đảm đủ sức răn đe để ngăn ngừa xảy ra các vụ tai nạn.

Bài và ảnh: LƯƠNG TUẤN HÙNG

Nguyên nhân cốt lõi khiến TNGT đường thủy gia tăng là do sự buông lỏng về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và quản lý nhà nước về ATGT đường thủy ở một số địa phương cũng như chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định ATGT đường thủy chưa đủ sức răn đe. Ðã đến lúc, các cơ quan chức năng cần có biện pháp can thiệp mạnh tay hơn để kiềm chế, tiến tới kéo giảm TNGT đường thủy. Về lâu dài, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật vẫn là giải pháp bền vững nhất để kéo giảm TNGT đường thủy.

Nguyễn Văn Thanh

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/bao-dong-tai-nan-duong-thuy-620887/