Báo động dịch cúm A gia tăng

Từ tháng 11/2023 đến nay, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 10-15 người đến khám bệnh liên quan đến cúm A; trong đó có khoảng 50 ca phải điều trị nội trú do biến chứng suy hô hấp. Điều đáng nói, nhiều trường hợp bị biến chứng nặng sau khi tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.

Bác sĩ CKII. Nguyễn Thị Thanh Lý đang thăm khám cho bệnh nhân mắc cúm A điều trị nội trú tại bệnh viện

Vừa qua, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận một trường hợp nhiễm cúm A biến chứng nguy kịch đã phải thở máy. Cụ thể, bệnh nhân cao tuổi này có bệnh nền tăng huyết áp, phổi mãn tính đã tự mua thuốc uống điều trị tại nhà sau khi test dương tính với cúm A. Sau 3 ngày, bệnh nhân được chuyển vào viện trong tình trạng biến chứng do nhiễm cúm A gây suy hô hấp, phải thở máy, điều trị theo phác đồ và dùng kháng sinh chống bội nhiễm song song với việc điều trị bệnh nền. Do đó, việc chữa trị kéo dài đến 2 tuần bệnh nhân mới được xuất viện.

Nhân viên điều dưỡng hướng dẫn bệnh nhân mắc cúm A uống thuốc điều trị

Bác sĩ CKII. Nguyễn Thị Thanh Lý - Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Đối với bệnh nhân đã mắc cúm A mà tự ý mua thuốc uống thì đây là việc không nên do một số bệnh nhân mắc bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc phổi mãn tính... thì sẽ gây biến chứng nhanh và nặng hơn, khi đó phác đồ điều trị sẽ phức tạp hơn. Đối với đường hô hấp có thể gây viêm tai, viêm phổi; nặng hơn có thể gây viêm cơ tim, viêm não hoặc gây biến chứng nặng nề hơn như bội nhiễm của viêm phổi hay nhiễm khuẩn huyết.

Bên cạnh đó, việc test cúm chỉ là một xét nghiệm cơ bản, không đánh giá được toàn trạng người bệnh. Tại bệnh viện, bên cạnh test cúm thì các xét nghiệm khác giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh hiệu quả và chính xác hơn để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Với tình hình diễn biến dịch phức tạp như hiện nay, bác sĩ Lý khuyến cáo người dân phải giữ ấm, hạn chế đến nơi đông người, và sử dụng khẩu trang khi ra ngoài. Khi có triệu chứng như sốt, ho, hắt hơi, xổ mũi, chảy nước mũi cần đến cơ sở y tế gần nhất để khám và tư vấn.

Đối với việc nhiều người dân tự ý mua thuốc Tamiflu về khi bị mắc cúm A, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khuyến cáo: Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75mg) là thuốc không được sử dụng tùy tiện, không nên tự ý mua chữa cúm. Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn. Nếu sử dụng không đúng chỉ định của người kê đơn, có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng, sức khỏe.

Thanh Trà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/y-te/bao-dong-dich-cum-a-gia-tang/205949.htm