Bảo đảm trao quyền cho thanh niên trong thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa

Tham gia Phiên thảo luận chuyên đề 3 'Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững' tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, nhiều đại biểu khẳng định, đa dạng văn hóa là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững trong các cộng đồng, các dân tộc và quốc gia. Các đại biểu cũng nhấn mạnh, cần bảo đảm trao quyền cho thanh niên trong thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Đa dạng văn hóa - động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững

Sự đa dạng văn hóa là yếu tố không thể thiếu đối với hòa bình và an ninh ở cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế. Nhấn mạnh điều này trong phát biểu dẫn đề tại phiên thảo luận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn nêu rõ, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc như hiện nay, vai trò của đa dạng văn hóa trên thế giới ngày càng trở nên quan trọng. Việc chấp nhận, tôn trọng và phát huy sự đa dạng văn hóa giúp tăng cường sự đối thoại giữa các nền văn minh, thúc đẩy sự hiểu biết và gia tăng sự tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Quan điểm này nhận được sự chia sẻ của nhiều nghị sĩ trẻ tham dự phiên thảo luận. Nghị sĩ trẻ của Quốc hội Thái Lan khẳng định, mục tiêu phát triển bền vững không thể đạt được nếu không tính tới tính bao trùm xã hội và sự đa dạng văn hóa. Văn hóa luôn là yếu tố đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi dân tộc, quốc gia. Việc tôn trọng và phát huy đa dạng văn hóa giúp chúng ta tận dụng được nhân tài, thúc đẩy sự hài hòa, bình đẳng trong xã hội và phát triển kinh tế. Nghị sĩ trẻ Thái Lan cũng nhấn mạnh, những người đại diện cho giới trẻ, nhất là những người xuất thân từ dân tộc thiểu số cần có đại diện, tiếng nói trong Nghị viện nhằm bảo đảm quá trình lập pháp và ra quyết định mang tính bao trùm.

Nghị sĩ trẻ Thái Lan phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững là chủ đề thảo luận đặc biệt quan trọng trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. Khẳng định điều này, nghị sĩ trẻ của Quốc hội Algeria cũng nhấn mạnh, trong các SDGs của Liên Hợp Quốc, mục tiêu số 16 là thúc đẩy xã hội hòa bình và rộng mở cho phát triển bền vững, mang công bằng đến với tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và rộng mở ở tất cả các cấp. Do đó, thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa có thể trở thành nhân tố quyết định tới việc thực hiện các SDGs.

Nghị sĩ trẻ của Quốc hội Algeria cũng cho biết, Quốc hội Algeria đã có nhiều sáng kiến nhằm phát huy các giá trị văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; dành ngân sách lớn cho việc bảo tồn văn hóa; khuyến khích thanh niên tham gia các dự án bảo tồn văn hóa… Nghị sĩ trẻ của Algeria đề nghị, các quốc gia cần gắn kết việc phát huy đa dạng văn hóa vào thực hiện các SDGs; gắn kết các cộng đồng, nhóm sắc tộc trong quá trình xây dựng thể chế và thực hiện các SDGs.

Thu hút thanh niên tham gia nhiều hơn vào quá trình ra quyết định

Tại phiên thảo luận, các nghị sĩ trẻ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đã chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật và những thành tựu của các quốc gia trong việc thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa, vì sự phát triển bền vững cũng như vai trò của các nghị sĩ trẻ trong quá trình này.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Quang Khánh

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự tôn trọng đa dạng văn hóa và lòng bao dung trong xã hội, nghị sĩ trẻ của Quốc hội Bahrain cho biết, Bahrain luôn chủ trương thúc đẩy lòng bao dung trong xã hội, tạo điều kiện cho những người thuộc các nhóm sắc tộc, tôn giáo khác nhau được tự do thực hành tín ngưỡng, tôn giáo, được tôn trọng và phát huy vai trò trong xã hội.

Nghị sĩ trẻ của Thái Lan cho biết, xứ “Chùa vàng” là đất nước đa dạng văn hóa với khoảng 70 nhóm sắc tộc. Thái Lan coi phát huy đa dạng bản sắc văn hóa như một trong những đóng góp quan trọng vào các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và luôn hợp tác chặt chẽ với các tổ chức bảo tồn văn hóa quốc tế, trong đó có UNESCO nhằm tăng cường trao quyền cho những người dân tộc thiểu số. Thái Lan cũng chủ trương trao quyền cho giới trẻ nhằm đưa các chính sách, pháp luật về phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đi vào cuộc sống; đồng thời thu hút thanh niên tham gia nhiều hơn vào quá trình ra quyết định.

Nghị sĩ trẻ của Quốc hội Angola đề nghị, các Nghị viện cần đưa ra các bộ luật, quy định nhằm thúc đẩy đa dạng văn hóa và sự tôn trọng đa dạng văn hóa; đồng thời nhấn mạnh, trách nhiệm của các nghị sĩ, nhất là nghị sĩ trẻ, là thúc đẩy đa dạng văn hóa, bảo đảm những giá trị này là nền tảng của xã hội. “Nghị sĩ trẻ có sự sáng tạo, có khả năng làm cầu nối giữa các nền văn hóa, hiểu biết và chấp nhận lẫn nhau. Các nghị sĩ trẻ cần đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cộng đồng đa dạng và bao trùm”, nghị sĩ trẻ của Quốc hội Angola nói.

Sự tham gia tích cực của người trẻ vào các vấn đề chính trị sẽ đem lại nhiều hiệu quả, tiến triển tích cực. Khẳng định điều này, Phó Tổng Giám đốc Khoa học Xã hội và Nhân văn, UNESCO Gabriela Ramos cũng cho biết, UNESCO đã có nhiều nỗ lực và kế hoạch cụ thể nhằm khuyến khích người trẻ tham gia giải quyết các vấn đề lớn, tăng cường vai trò của người trẻ, đưa ra những công cụ, khuôn khổ phù hợp để tăng cường đối thoại chính trị, thúc đẩy sự tham gia của thanh niên một cách bao trùm. Bà Gabriela Ramos tin tưởng rằng, với sự trợ giúp của các công cụ, khuôn khổ, sự đào tạo kỹ năng về truyền thông số, người trẻ có thể tiếp cận được những kỹ năng cần thiết của thế kỷ XXI để tạo ra sự thay đổi.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Thay mặt Đoàn Việt Nam phát biểu tại Phiên thảo luận, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An cho rằng, cần tạo điều kiện cho giới trẻ phát huy tối đa thế mạnh của mình, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy đa dạng văn hóa, nhất là việc xây dựng, hoàn thiện khung khổ chính sách. Quốc hội các nước cần đóng vai trò dẫn dắt, hướng tới xây dựng một mô hình quản trị mới và khung khổ chính sách bao trùm dành cho giới trẻ. Các nhà hoạch định chính sách cần đưa chính những nguyên tắc phổ quát của đa dạng văn hóa trở thành triết lý định hướng trong mối quan hệ của mình và giới trẻ. Thông qua quá trình hợp tác và đối thoại cởi mở, giới trẻ được tham gia đầy đủ vào quá trình hoạch định và triển khai các chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ.

Với tư cách là những nghị sĩ trẻ, chúng ta cần bảo đảm tiếng nói của thanh niên được lắng nghe trong tiến trình phát triển của mỗi quốc gia. Nhấn mạnh điều này tại phiên thảo luận, Nghị sĩ trẻ Malawi cho rằng, tiến trình thực hiện các SDGs nói chung cần được hỗ trợ bằng những cơ chế, chính sách phù hợp. Trong quá trình đó, thanh niên cần tham gia tích cực vào quá trình thực hiện cũng như giám sát, đánh giá. Các nghị sĩ trẻ IPU cần phát huy vai trò đại diện cho giới trẻ nhằm bảo đảm thanh niên tham gia đóng góp tích cực vào việc thực hiện các SDGs, cũng như bảo đảm phát tôn trọng đa dạng văn hóa trong quá trình phát triển bền vững.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/bao-dam-trao-quyen-cho-thanh-nien-trong-thuc-day-ton-trong-da-dang-van-hoa-i343228/