Bảo đảm tiêu úng cho cây trồng vụ đông

Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, sản xuất vụ đông thường gặp các đợt mưa lớn bất thường. Đây là vấn đề khó khăn, khi cây vụ đông trồng nhiều trên đất 2 lúa trũng và chịu ngập úng kém. Thực tế này đòi hỏi nhiệm vụ tiêu úng cần được thực hiện hiệu quả để bảo vệ cây trồng.

Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, sản xuất vụ đông thường gặp các đợt mưa lớn bất thường. Đây là vấn đề khó khăn, khi cây vụ đông trồng nhiều trên đất 2 lúa trũng và chịu ngập úng kém. Thực tế này đòi hỏi nhiệm vụ tiêu úng cần được thực hiện hiệu quả để bảo vệ cây trồng.

Đợt mưa úng trong các ngày 27 và 28/9 vừa qua, với lượng mưa trung bình lên đến gần 200 mm, các công ty khai thác công trình thủy lợi, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) trong tỉnh đã huy động 100% số lượng máy bơm tiêu úng. Cùng với đó, tại các vùng sản xuất, người dân sử dụng máy bơm dầu dã chiến cá nhân, khoanh vùng tiêu nước cho từng thửa ruộng. Do vậy, tuy phần lớn trong tổng số gần 2.000 ha cây vụ đông mới trồng bị ngập, nhưng chỉ có gần 850 ha bị thiệt hại. Ông Vũ Đức Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN & PTNT) đánh giá: Đợt mưa cuối tháng 9 vừa qua có cường độ rất lớn và xảy ra trong thời gian ngắn gây ngập úng trên diện rộng. Việc triển khai đồng bộ các biện pháp giúp nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian tiêu úng. Đây là kết quả trong công tác chủ động chuẩn bị ứng phó của các đơn vị thủy nông, HTXDVNN và từ chính người dân.

Tìm hiểu tại Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Hà Nam, đơn vị đảm nhiệm tưới, tiêu cho khoảng 7.000 ha cây vụ đông trong vùng phục vụ. Trong đó, nhiệm vụ tưới được doanh nghiệp tạo nguồn vào các kênh cho trạm bơm nội đồng của HTX và người dân lấy nước. Riêng tiêu úng, khi gặp mưa lớn toàn bộ 37 trạm bơm tiêu của công ty, kể cả những trạm đầu mối do Công ty KTCTTL Bắc Nam Hà quản lý sẽ được vận hành. Ông Trương Đức Thiện, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình (Công ty TNHH MTV KTCTTL Hà Nam) cho biết: Việc tiêu úng cho đồng ruộng nói chung và cây vụ đông nói riêng sẽ được thực hiện theo quy trình vận hành hệ thống. Đồng thời, được phân vùng rõ từ mặt ruộng ra kênh nội đồng và hệ thống kênh chính lớn, các doanh nghiệp đảm nhiệm quản lý, vận hành các công trình đầu mối. Việc thực hiện tiêu úng cần thực hiện thông suốt, tránh tình trạng nước trên mặt ruộng, kênh nội đồng còn nhiều trong khi hệ thống lớn, trạm bơm đầu mối không đủ lượng tiêu.

Diện tích dưa chuột vụ đông 2023 được người dân Xã Lê Hồ, Kim Bảng cứu úng bằng sử dụng máy bơm dã chiến. Ảnh: Kim Chi

Đối với các địa phương có diện tích sản xuất vụ đông, hệ thống kênh mương, trạm bơm đều phải bảo đảm khả năng hoạt động hiệu quả. Đồng thời, lượng máy bơm điện dã chiến di động được chuẩn bị để hỗ trợ khoanh vùng tiêu úng cục bộ. Về phía người dân, những hộ chuyên trồng cây màu vụ đông trên đất 2 lúa tại các địa phương đều chuẩn bị máy bơm dầu dã chiến. Khi xảy ra mưa lớn gây ngập úng, người dân chủ động khoanh vùng trên thửa ruộng của gia đình ngăn nước ngoại lai và sử dụng máy bơm cá nhân tiêu thoát nước nhanh ra hệ thống kênh.

Tại xã Nhân Nghĩa (Lý Nhân) vùng sản xuất cây vụ đông truyền thống, chiếm 70% diện tích đất 2 lúa, cả xã có hơn 1 nghìn máy bơm dầu của người dân. Bình quân mỗi hộ sản xuất đầu tư từ 1 – 2 máy bơm. Trong mùa vụ, khi xảy ra mưa úng trên địa bàn việc tiêu nước được phân chia làm 3 cấp rõ rệt. Cấp đầu tiên người dân đắp bờ bơm nước từ ruộng ra kênh nhỏ mặt ruộng, tiếp đến các đội sản xuất sử dụng máy bơm điện dã chiến bơm cầu 2 về kênh chính để trạm bơm đầu mối của HTX tiêu nước ra sông Châu. Ông Đinh Viết Cương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhân Nghĩa cho biết: Vào vụ sản xuất, HTX luôn bảo đảm hệ thống kênh mương, nhất là kênh tiêu đáp ứng tốt nhất về năng lực hoạt động. Việc phân cấp tiêu úng trong vụ đông giúp đạt hiệu quả cao nhất trong điều kiện có nước lớn trên toàn cánh đồng. Việc tổ chức tiêu úng hiệu quả đã hạn chế thấp nhất thiệt hại cho cây trồng trong những đợt mưa lớn.

Tuy nhiên, vấn đề chính của sản xuất vụ đông hiện nay đó là diện tích nhỏ - chỉ bằng 25% so với tổng diện tích đất lúa. Cây vụ đông không được trồng thành vùng rộng, nằm rải rác tại các xã. Ngay tại mỗi địa phương, cây vụ đông cũng không được trồng gọn trên 1 cánh đồng. Trong khi đó, việc tiêu úng của hệ thống thủy lợi trên diện rộng, cho cả vùng. Với cây vụ đông mới trồng chỉ cần mưa từ 50 mm trở lên đã phải tiêu nước. Vì thế, rất khó khăn để tiêu nước kịp thời khi có mưa, gây ngập úng.

Sản xuất cây vụ đông được xác định là một trong những vụ chính tại nhiều địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao. Do vậy, để tiêu úng cho sản xuất trong điều kiện thời tiết, mưa úng bất thường rất cần duy trì sự phối hợp hiệu quả từ người dân đến HTXDVNN và các đơn vị thủy nông.

Mạnh Hùng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/bao-dam-tieu-ung-cho-cay-trong-vu-dong-105254.html