Bảo đảm nguồn vốn theo nhu cầu vay của người dân

Những tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid -19, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư sản xuất của người dân. Để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn vay phục vụ sản xuất, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh không ngừng huy động mọi nguồn lực, hỗ trợ cho vay vốn kịp thời.

Nguồn vốn đến với người dân

Hơn 8 giờ, tại điểm giao dịch ở hội trường xã Đắk Búk So (Tuy Đức), nhiều người dân đã có mặt để giao dịch với Phòng Giao dịch NHCSXH. Người trả nợ đến hạn, người vay mới, hộ gửi tiết kiệm… ai nấy đều phấn khởi.

 CNHCSXH huyện Tuy Đức giao dịch với người dân xã Đắk Búk So

CNHCSXH huyện Tuy Đức giao dịch với người dân xã Đắk Búk So

Có mặt tại điểm giao dịch khá sớm, ông Nguyễn Văn Nam, thôn 2, xã Đắk Búk So chuẩn bị nhận số tiền vay 50 triệu đồng theo chương trình mà ngân hàng đang triển khai.

Theo ông Nam, gia đình ông đã tiếp cận vốn vay 30 triệu đồng từ năm 2018 thông qua chương trình hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Có vốn, gia đình đầu tư máy móc, phân bón chăm sóc hơn 1,5 ha tiêu và cà phê.

Hằng năm, ngoài sản xuất cây cà phê, ông còn đầu tư chăn nuôi thêm heo thịt. Mặc dù do ảnh hưởng bởi giá nông sản xuống thấp và dịch bệnh, nhưng thu nhập mỗi năm của gia đình cơ bản đáp ứng chi tiêu sinh hoạt. Tháng 4/2021, món vay đến hạn, gia đình ông tích góp trả ngân hàng đúng hạn theo quy định.

Gia đình ông còn nhiều khó khăn. Vì vậy, địa phương và NHCSXH tiếp tục bình xét, tạo điều kiện cho ông vay 50 triệu đồng theo chương trình hộ cận nghèo để phục vụ sản xuất.

 Gia đình ông Nguyễn Văn Nam, xã Đắk Búk So được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Tuy Đức để phát triển kinh tế (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Gia đình ông Nguyễn Văn Nam, xã Đắk Búk So được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Tuy Đức để phát triển kinh tế (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Ông Nam chia sẻ: “Giá cả nông sản xuống thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Đầu tư vào cà phê, hồ tiêu trong giai đoạn này hầu như không có lời. Khó khăn bộn bề là vậy nhưng NHCSXH tạo điều kiện cho vay vốn đã giúp gia đình kịp thời có vốn đầu tư sản xuất. Với lãi suất thấp, thời hạn vay tương đối dài, nông dân chúng tôi giảm bớt áp lực trả nợ”.

Theo ông Bùi Thọ Tiếu, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Tuy Đức, căn cứ vào kế hoạch tăng trưởng hội sở tỉnh giao, đơn vị đã tham mưu cho Ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH huyện giao vốn về các xã, thị trấn. Kế hoạch giao vốn luôn bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của từng thôn, bon, buôn tại địa phương.

Công tác thu nợ đến hạn, bảo đảm nguồn vốn vay quay vòng cũng được Phòng Giao dịch đẩy mạnh. Ngay từ cuối năm 2020, đơn vị quán triệt đội ngũ cán bộ tín dụng, thông báo cho các Ban Quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn rà soát, đánh giá từng khoản vay.

 Nhiều hộ gia đình tại xã Thuận Hà (Đắk Song) được vay vốn phát triển cây hoa màu (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Nhiều hộ gia đình tại xã Thuận Hà (Đắk Song) được vay vốn phát triển cây hoa màu (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Ngân hàng phân tích từng món vay cụ thể, tăng cường đôn đốc hộ vay trả nợ đúng kỳ hạn. Nhờ vậy, nguồn vốn tại địa phương cơ bản đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. Đến hết tháng 6/2021, dư nợ tại Phòng Giao dịch NHCSXH Tuy Đức là gần 430 tỷ đồng, với gần 10.000 hộ vay vốn.

Tại huyện Đắk Glong, những tháng đầu năm 2021, việc giải ngân vốn vay cũng được NHCSXH địa phương đẩy mạnh. Sau khi UBND các xã có danh sách hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo…, NHCSXH chủ động phối hợp với các đơn vị ủy thác triển khai thực hiện.

Ngoài những chương trình đã cho vay, đơn vị rà soát những hộ có nhu cầu về vốn, bình xét các điều kiện cần và đủ để cho vay. Tùy vào mỗi hộ gia đình, ngân hàng sẽ đưa vào diện cho vay phù hợp theo các chương trình đang triển khai. Đến nay, toàn huyện có gần 13.000 khách hàng vay vốn, với dư nợ hơn 445 tỷ đồng.

Phấn đấu không để thiếu vốn

Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, tính đến hết tháng 6/2021, tổng dư nợ tại đơn vị là 3.077 tỷ đồng, tăng hơn 190 tỷ đồng so với đầu năm (tương đương mức tăng trưởng 6,6%).

Với mục tiêu tăng trưởng dư nợ, bảo đảm nhu cầu vay vốn của người dân, ngay từ đầu năm, chi nhánh thực hiện nhiều giải pháp. Đơn vị đã phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác giám sát cơ sở.

Tất cả các khâu cho vay, thu nợ, thu lãi được đơn vị thực hiện quyết liệt. Trước hết, chi nhánh quán triệt việc bình xét cho vay đúng đối tượng cả về khả năng sử dụng vốn, khả năng trả nợ.

 Nông dân thị trấn Đắk Mâm được vay vốn từ NHCSXH để đầu tư, chăm sóc phát triển cây cà phê

Nông dân thị trấn Đắk Mâm được vay vốn từ NHCSXH để đầu tư, chăm sóc phát triển cây cà phê

NHCSXH các địa phương thường xuyên rà soát, bổ sung các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn đột xuất vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo để kịp thời cho vay vốn.

Hằng tháng, các phòng giao dịch nắm chắc số tiền thu nợ trong kỳ. Việc rà soát đối tượng, chuẩn bị hồ sơ, giải ngân kịp thời cho các đối tượng có nhu cầu thụ hưởng trong kỳ giao dịch đặc biệt được chú trọng.

Bằng cách làm này, tình trạng tồn đọng vốn, giảm dư nợ so với đầu kỳ, nhất là hạn chế tăng cường phiên giao dịch do không làm tốt kế hoạch nguồn vốn không còn diễn ra.

Ông Đào Thái Hòa, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh, ngoài những kế hoạch đã triển khai, hiện nay, đơn vị tích cực rà soát nhu cầu vay vốn đối với những trường hợp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Sau khi rà soát, đơn vị sẽ tiến hành hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ liên quan. Hoàn tất quy trình này, nguồn vốn ưu đãi sẽ được chi nhánh giải ngân trong thời gian nhanh nhất.

“Chúng tôi thành lập các đoàn kiểm tra xuống làm việc với Phòng giao dịch NHCSXH các huyện. Mục đích các đoàn là hỗ trợ các phòng giao dịch rà soát đối tượng, chuẩn bị hồ sơ vay vốn.

Đối với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình tín dụng chính sách, đơn vị sẽ nắm bắt và giải đáp kịp thời. Đối với những vi phạm (nếu có) mà chúng tôi phát hiện sẽ đưa vào diện xử lý ngay”, ông Hòa khẳng định.

Bài, ảnh: Nguyễn Lương

995

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/bao-dam-nguon-von-theo-nhu-cau-vay-cua-nguoi-dan-87530.html