Bảo đảm an toàn thẻ ngân hàng

Công nghệ càng phát triển thì việc thanh toán càng nhanh chóng, tiện lợi nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro cho khách hàng khi bị lộ, lọt thông tin cá nhân liên quan tài khoản, thẻ ngân hàng. Vừa qua, xảy ra một số vụ việc khách hàng bị thiệt hại do mất tiền trong tài khoản, bị ngân hàng thông báo trả lãi do sử dụng thẻ tín dụng lên tới hàng tỷ đồng, do vậy, đặt ra việc bảo mật thông tin trong hoạt động thanh toán, sử dụng thẻ cần được ngành ngân hàng và khách hàng đặc biệt quan tâm, chú trọng.

Cả nước có hơn 140 triệu thẻ ngân hàng

Dư luận hiện nay đang rất quan tâm đến vụ việc một khách hàng mất hơn 58 tỷ đồng trong tài khoản Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), mặc dù không hề rút tiền. Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3-2024, trả lời nội dung này, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú cho hay: "Quá trình điều tra của Bộ Công an đang được triển khai khẩn trương, xác định trách nhiệm cũng như những sai sót thuộc trách nhiệm của ai, của ngân hàng MSB hay của cá nhân bà Bùi Thị Hoài Anh (Giám đốc Chi nhánh Thanh Xuân của ngân hàng MSB hay là của những người khác có liên quan. Tuy nhiên, một nguyên tắc là những quyền lợi chính đáng của khách hàng thì luôn được bảo vệ. Nếu như ngân hàng hoặc cá nhân bà Bùi Thị Hoài Anh có những sai phạm thì phải có trách nhiệm với khoản tiền gửi của khách hàng."

Phó thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đưa ra lời khuyên: “Khách hàng cần kiểm soát số dư tiền gửi của mình trong tài khoản cũng như kiểm tra tài khoản của mình, chứ không phải chỉ có đi gửi tiết kiệm rồi đến lúc rút tiết kiệm thì chúng ta mới quan tâm đến khoản tiền gửi đó. Điều này cũng là một cách để tăng cường hơn nữa quyền lợi của chính khách hàng cũng như bảo vệ được thông tin bí mật trong quá trình sử dụng thẻ, mở tài khoản, chuyển tiền, giao dịch thanh toán nhằm bảo đảm bảo mật thông tin”.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ảnh: VIỆT ANH

NHNN Việt Nam cho biết, tại thời điểm cuối quý III-2023, tổng số lượng thẻ ngân hàng nội địa đang lưu hành là 102,15 triệu thẻ, tổng số lượng thẻ ngân hàng quốc tế đang lưu hành là 38,54 triệu thẻ. Nhằm tăng cường việc bảo đảm an ninh, an toàn và quyền lợi của khách hàng trong quá trình phát hành, sử dụng thẻ ngân hàng, ngày 21-3-2024, NHNN Việt Nam đã ban hành Công văn số 2235/NHNN-TT về việc triển khai biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thẻ ngân hàng. Theo đó, NHNN Việt Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài rà soát các quy trình nội bộ về phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng bảo đảm tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời chỉ đạo, quán triệt cho cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống thực hiện đúng trình tự, thủ tục phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng theo đúng quy định pháp luật khi thực hiện phát hành thẻ cho khách hàng.

Đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, ngân hàng luôn đi đầu trong việc ứng dụng các công nghệ mới cập nhật với xu hướng trên thế giới để sản phẩm thẻ của Vietcombank có thể được sử dụng trên các kênh số. Nhằm bảo đảm an toàn thông tin cũng như giao dịch thẻ cho khách hàng, Vietcombank đã, đang và không ngừng cập nhật tính năng thẻ với các công nghệ mới nhất, như: Xác minh vân tay/khuôn mặt, hỗ trợ đa dạng kênh xác thực (tại quầy, qua ứng dụng di động VCB Digibank, Token, 3D-Secure, Smart OTP). Ngoài ra, Vietcombank cũng liên tục cập nhật, gửi các thông tin cảnh báo giúp khách hàng tránh được những rủi ro trong quá trình sử dụng thẻ.

Các ngân hàng thương mại khác như: VPBank, SeABank, SHB... cũng đang rà soát việc bảo đảm các loại phí, lãi suất, phương pháp tính lãi đối với từng loại thẻ phát hành tuân thủ đúng quy định của NHNN Việt Nam và pháp luật liên quan. Đồng thời công khai, minh bạch, cung cấp đầy đủ thông tin và có biện pháp bảo đảm khách hàng đã nắm được các thông tin về quyền và nghĩa vụ của mình, các loại phí, lãi suất, phương pháp tính lãi (đặc biệt là với thẻ tín dụng) và những thay đổi (nếu có) trong quá trình khách hàng sử dụng thẻ.

Lưu ý khi sử dụng thẻ tín dụng

Hiện nay, việc chi tiêu thông qua thẻ tín dụng (chi tiêu trước, trả tiền sau) đã trở nên khá phổ biến ở nước ta. Ngoài những thuận lợi như được miễn lãi trong vòng 45-55 ngày sử dụng, hoàn tiền ưu đãi, khuyến mãi, giảm giá mua hàng... thì người dân cũng cần hết sức lưu ý đến thời hạn trả nợ để tránh rơi vào tình trạng phát sinh các khoản phí không mong muốn. Bên cạnh đó, khách hàng cần cân nhắc kỹ khi rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng, bởi tính năng chính của thẻ tín dụng không phải để rút và chi tiêu tiền mặt. Trong trường hợp thực sự cần thiết mới sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt, vì khách hàng sẽ mất thêm phí rút tiền mặt và chịu chi phí lãi nhiều hơn so với dùng thẻ tín dụng để thanh toán mua hàng.

Liên quan đến vụ nợ 8,5 triệu đồng tiền thẻ tín dụng, tính lãi thành 8,8 tỷ đồng sau gần 11 năm ở Quảng Ninh, các chuyên gia tài chính-ngân hàng khuyến nghị: Để tránh phải trả tiền phạt phát sinh, khách hàng cần trả nợ thẻ tín dụng đúng hạn và đầy đủ, bởi lãi suất và phí phạt trả chậm của loại thẻ này rất cao. Thời gian qua cũng đã có không ít vụ sử dụng thẻ tín dụng tiêu dùng mà quên trả nợ đúng hạn nên nhiều khách hàng phải ôm một cục nợ lớn theo cấp số nhân do cách tính chạy hàm lãi kép từ thẻ tín dụng (bao gồm cả lãi trả chậm, phí phạt, phí thường niên...).

Trao đổi với phóng viên, TS Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhận định, việc bảo mật thông tin thẻ ngân hàng có vai trò rất quan trọng trong thanh toán, đặc biệt là đối với các khách hàng là chủ của doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi nó liên quan đến thông tin nguồn tiền của doanh nghiệp (đa số các chủ doanh nghiệp đều được ngân hàng tư vấn mở thẻ ưu đãi khi chi tiêu). Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang có phong trào đẩy mạnh chuyển đổi số, tích hợp số hóa công nghệ để giúp tiết kiệm chi phí và thời gian trong giao dịch với các chủ thể. Mà một trong các chủ thể đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp lại chính là ngân hàng. Do đó, nếu ngân hàng không làm tốt công tác bảo đảm an toàn thanh toán thẻ thì khách hàng sẽ rời xa và tìm đến nhà băng khác tốt hơn.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khuyến cáo: Mỗi ngân hàng sẽ có một quy định về lãi suất thẻ tín dụng, khi quyết định đăng ký mở thẻ tín dụng, người dùng nên chọn ngân hàng hoặc dòng thẻ có lãi suất ưu đãi nhất. Điều này sẽ giúp chủ thẻ tận hưởng nhiều lợi ích từ thẻ tín dụng mà không cần lo đến vấn đề lãi suất và tài chính. BIDV đang là ngân hàng có lãi suất thẻ cạnh tranh trên thị trường, do đó, khách hàng có thể yên tâm lựa chọn. Ngoài ra, yếu tố quan trọng nhất để tránh bị đánh lãi suất cao chính là thanh toán dư nợ đúng hạn. Việc này sẽ giúp khách hàng không phải mất thêm phí trả chậm và tính lãi cho các khoản chi tiêu. Chủ thẻ ngân hàng nên để ý hạn thanh toán, thường xuyên kiểm tra tin nhắn, email của ngân hàng để được nhắc nhở kịp thời, tránh tình trạng quên thanh toán.

NHNN Việt Nam lưu ý người dân trong sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, trong đó có thẻ tín dụng, cần: Thực hiện đầy đủ các quy định và hướng dẫn của ngân hàng cung cấp dịch vụ; đăng ký nhận tin thông báo thay đổi số dư giao dịch để quản lý hiệu quả tài khoản cá nhân của mình. Không cung cấp tên, mật khẩu đăng nhập ngân hàng trực tuyến, mã xác thực OTP, cũng như số thẻ ngân hàng qua điện thoại, email, mạng xã hội cho bất kỳ ai. Không mở thư điện tử từ những địa chỉ email lạ; không truy cập vào các đường dẫn trong tin nhắn lạ, tin nhắn có dấu hiệu không an toàn như thông báo trúng thưởng, yêu cầu cung cấp thông tin từ các tổ chức, ngân hàng, công an...

NGUYỄN ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bao-dam-an-toan-the-ngan-hang-771569