Bảo đảm an toàn hồ, đập trước mùa mưa bão

Thời gian qua, tình trạng mưa lớn trái mùa, áp thấp nhiệt đới đến sớm khiến nhiều tỉnh, thành phố khu vực trung du và miền núi phía Bắc lúng túng trong công tác phòng, chống lụt, bão. Đặc biệt, với những địa phương có số lượng hồ chứa lớn, câu chuyện nâng cấp, sửa chữa hồ đập vào trước mùa mưa bão đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, toàn tỉnh hiện có 230 hồ chứa, 135 đập dâng. Các hồ chứa vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh được xây dựng từ nhiều năm trước, đa phần là đập đất, hiện đã xuống cấp. Đối với các hồ lớn, sau nhiều năm khai thác, một số hạng mục cũng đã hư hỏng, đặc biệt là tình trạng rò rỉ, thấm nước qua thân đập.

Theo ông Nguyễn Đình Tân, Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông Lâm Thao, thuộc Công ty TNHH Nhà nước MTV Khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ, đơn vị hiện đang quản lý hai hồ chứa dung tích dưới 1 triệu mét khối, phục vụ tưới tiêu cho khoảng 5.000ha lúa và rau màu mỗi năm trên địa bàn huyện Lâm Thao. Để bảo đảm an toàn cho hệ thống hồ chứa, những năm qua, công ty phải thường xuyên cắt cử cán bộ kiểm tra lưu lượng nước cũng như sửa chữa một số hạng mục.

“Chúng tôi đã tích nước để bảo đảm cho mùa vụ và lên phương án kiểm tra, nắm bắt tình hình có thể xảy ra trong mùa mưa bão sắp tới. Đến thời điểm này, hai hồ cơ bản đều an toàn”, ông Nguyễn Đình Tân cho biết.

Thủy điện Sơn La tiến hành xả lũ. Ảnh: THU THỦY

Một đặc thù nữa của tỉnh Phú Thọ là nằm ở vị trí hạ lưu các tỉnh miền núi phía Bắc nên mỗi khi có lũ ống, lũ quét, hầu hết huyện miền núi thường phải chịu ảnh hưởng nặng do thiên tai gây ra... Về năng lực chống lũ, hầu hết hồ chứa nhỏ đều được xây dựng khoảng thập niên 1970-1980 trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc khảo sát, thiết kế và thi công còn hạn chế nên phần lớn đã bị xuống cấp. Hằng năm, ngành nông nghiệp có rà soát để đầu tư nâng cấp. Tuy nhiên, nguồn kinh phí còn hạn chế dẫn đến việc tu sửa gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, các hồ xuống cấp trải rộng trên địa bàn toàn tỉnh, giao cho huyện quản lý nhưng các huyện lại không có cán bộ chuyên môn nên việc phối hợp giữa địa phương với ngành thủy lợi gặp rất nhiều khó khăn.

Còn tại tỉnh Yên Bái-nơi đầu nguồn của chi lưu sông Hồng, sông Chảy, sông Ðà, thuận lợi cho việc tích nước làm hồ thủy lợi, làm thủy điện vừa và nhỏ hiện có 133 hồ chứa có dung tích từ 50.000m3 trở lên và 24 đập thủy điện. Tuy nhiên, do phần lớn được xây dựng cách đây hơn 30 năm, kết cấu bằng đất, chịu tác động của nhiều trận mưa, lũ nên đập dâng, tràn xả lũ, cống lấy nước bị xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng. Các hồ, đập trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay đều chưa lắp đặt thiết bị và quan trắc công trình, hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du đập, bản đồ ngập lụt hạ du cũng đang trong quá trình lập các phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước, ứng phó thiên tai...

Ông Nguyễn Thế Phước, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái cho biết: “Tỉnh đang tập trung các giải pháp cụ thể để bảo đảm an toàn hồ, đập. Trong đó đề cao việc thực hiện đúng quy định vận hành liên hồ chứa, kiểm tra kỹ độ an toàn của các công trình, phối hợp chặt chẽ với các địa phương khác ở thượng nguồn về thông tin mưa lũ, vận động nâng cao nhận thức người dân trong việc chủ động triển khai kịp thời những biện pháp ứng phó với sự cố mất an toàn hồ, đập; khuyến khích các hộ dân di dời nhà cửa nằm trong vùng nguy hiểm, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản... Chúng tôi cũng yêu cầu 23/23 nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh xây dựng các phương án về phòng, chống, ứng phó thiên tai”.

Ngoài sự xuống cấp của các hồ, đập, ông Hoàng Đức Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) bày tỏ lo ngại: “Công nghệ dự báo hiện nay có thể giúp chúng ta phát hiện và dự báo trước được thời tiết trong thời hạn khoảng 10 ngày, cảnh báo thiên tai khoảng 3 ngày đến 5 ngày. Đôi khi có thể cảnh báo được các hiện tượng cực đoan tới thời hạn 1 tháng, giúp phục vụ kế hoạch sản xuất, xây dựng kế hoạch dài hạn.

Tuy nhiên, không phải bất cứ lúc nào, hiện tượng nào cũng có thể cảnh báo được, đặc biệt là các hiện tượng quy mô không gian nhỏ, thời gian ngắn như mưa lớn, sạt lở đất và lũ quét. Việc dự báo tình hình mưa, bão, lũ ở nhiều nơi cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế khiến các địa phương gặp nhiều khó khăn khi đưa ra những kịch bản, chủ động phân xả lũ, ngăn lũ”. Một vấn đề khác được ông Nguyễn Đăng Hà, Trưởng phòng An toàn đập và hồ chứa nước (Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị là các hồ thủy điện, hồ thủy lợi cần hoàn thiện cơ chế vận hành và thông tin đến người dân một cách kịp thời, tránh tình trạng xả lũ xong mới báo để người dân trở tay không kịp.

Các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc có khoảng 1.750 hồ chứa vừa và nhỏ, hơn 40.000 đập dâng... Hầu hết công trình này được xây dựng từ cách đây 30, 40 năm nên đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Vì thế, để bảo đảm an toàn các công trình đập, hồ thủy lợi, các địa phương cần thực hiện nghiêm quy định pháp luật về an toàn hồ, đập, trong đó bắt đầu bằng những việc dễ làm, có thể hoàn thành ngay như việc đăng ký an toàn đập, lập phương án bảo vệ đập. Cùng với đó là thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” trong công tác bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi; lên phương án cụ thể và thông tin đến người dân các giải pháp ứng phó khi xảy ra sự cố, thiên tai, phải đặt tính mạng và tài sản của nhân dân lên hàng đầu.

ĐÌNH TRUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bao-dam-an-toan-ho-dap-truoc-mua-mua-bao-727087