Bảo đảm an toàn giao thông dịp cuối năm

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Càng vào dịp cuối năm, lượng người và phương tiện tham gia giao thông càng đông đúc, bởi vậy, việc tăng cường những biện pháp bảo đảm an toàn giao thông cho bộ đội cần được các đơn vị quan tâm thực hiện, tránh để xảy ra vi phạm đáng tiếc. Trang Ý kiến chiến sĩ chia sẻ kinh nghiệm của Lữ đoàn Tàu ngầm 189, Quân chủng Hải quân về vấn đề này.

Theo Đại tá Đậu Văn Hoàng, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Tàu ngầm 189, với đặc thù của một đơn vị chiến đấu đặc biệt, công tác bảo đảm an toàn về mọi mặt, trong đó có an toàn giao thông (ATGT) luôn được Lữ đoàn quan tâm. Ngoài quản lý các phương tiện quân sự, đơn vị còn có hàng trăm phương tiện giao thông cá nhân nên công tác bảo đảm an toàn về con người, phương tiện luôn được đặt lên hàng đầu, duy trì thường xuyên. Từ nhận thức sâu sắc về công tác bảo đảm ATGT, nhiều năm qua, đơn vị đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, như: Xây dựng hệ thống giáo án, bài giảng, tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tới mọi cán bộ, chiến sĩ; gắn trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện và kịp thời rút kinh nghiệm khi có vụ việc xảy ra... Đồng thời, đơn vị thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng điều khiển phương tiện cho bộ đội; thực hiện nghiêm các quy định, nền nếp trong công tác kỹ thuật; bảo đảm tốt tình trạng kỹ thuật của phương tiện khi tham gia giao thông; phối hợp tốt giữa đơn vị với địa phương, gia đình trong việc quản lý quân nhân tham gia giao thông vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, dịp nghỉ phép, tranh thủ...

Kiểm tra giấy tờ theo quy định trước khi xe quân sự ra cổng Lữ đoàn Tàu ngầm 189.

Nhận định Tết Nguyên đán là thời điểm giao thông phức tạp, dễ xảy ra tai nạn, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn Tàu ngầm 189 đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch nhằm tăng cường quản lý công tác bảo đảm ATGT, trong đó đặc biệt chú trọng các biện pháp: Quản lý việc sử dụng cũng như tình trạng kỹ thuật của phương tiện cá nhân; quản lý bộ đội trong giờ nghỉ, ngày nghỉ; chấp hành các quy định trong sử dụng xe quân sự... Phòng Kỹ thuật tiến hành thống kê thông tin liên quan đến phương tiện và giấy phép lái xe của từng cá nhân. Định kỳ hằng tháng, cơ quan kỹ thuật kiểm tra tình trạng các phương tiện cá nhân, phương tiện nào chưa bảo đảm các tiêu chí an toàn, chủ phương tiện không có đầy đủ giấy tờ theo quy định sẽ không được phép tham gia giao thông. Thượng tá Trương Quang Đạo, Chủ nhiệm Kỹ thuật Lữ đoàn Tàu ngầm 189 cho biết: “Đối với các phương tiện, xe-máy quân sự, đơn vị quản lý chặt chẽ trong khu nhà xe và duy trì nghiêm chế độ kiểm tra tình trạng kỹ thuật; gắn trách nhiệm quản lý của đơn vị và cá nhân với từng phương tiện. Đồng chí trợ lý xe-máy của Phòng Kỹ thuật thường xuyên làm tốt việc kiểm tra giấy tờ của lái xe và tình trạng kỹ thuật xe quân sự trước khi thực hiện nhiệm vụ. Xe nào cần phải bảo dưỡng, thay thế phụ tùng... sẽ báo cáo kịp thời để có các biện pháp xử lý ngay”. Đại úy QNCN Nguyễn Văn Ngọc, nhân viên hầm, Kíp tàu số 7 chia sẻ: “Hằng tuần, chúng tôi được thay phiên nhau về thăm gia đình. Trước khi ra khỏi đơn vị, các phương tiện xếp hàng ngay ngắn, lần lượt đợi kiểm tra. Tôi luôn chấp hành tốt các quy định của đơn vị khi về gia đình cũng như các quy định khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông để bảo đảm an toàn về mọi mặt”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, các đơn vị thuộc Lữ đoàn Tàu ngầm 189 thường xuyên nắm, quản lý chắc phương tiện giao thông của cán bộ, nhân viên; lực lượng vệ binh tổ chức kiểm tra chặt chẽ giấy phép lái xe của cán bộ, nhân viên trước khi ra cổng cũng như việc chấp hành các điều kiện bảo đảm ATGT, như: Đội mũ bảo hiểm đúng quy cách; kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông... Các đơn vị lấy kết quả chấp hành pháp luật về trật tự ATGT làm một trong những tiêu chí để bình xét thi đua, khen thưởng và đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên; gắn trách nhiệm của người chỉ huy với việc bảo đảm ATGT của quân nhân trong đơn vị; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm... Trung tá Lê Trung Hiếu, Chính trị viên Tàu 182-Hà Nội cho biết: “Trong các buổi sinh hoạt giáo dục pháp luật, chúng tôi cho bộ đội xem những video clip về Luật Giao thông đường bộ, hình ảnh một số vụ vi phạm trật tự ATGT để rút kinh nghiệm... Trước khi phát thẻ ra ngoài cho quân nhân, chỉ huy đơn vị quán triệt, nhắc nhở quân nhân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt khi tham gia giao thông. Tuyên truyền tốt gắn với xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, biểu dương, khen thưởng kịp thời các điển hình sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mọi quân nhân”.

Bài và ảnh: ĐẮC THẮNG

------------------------------------------------------------------

Tuyên truyền, nhắc nhở đi đôi với xử lý nghiêm vi phạm

Tiểu đoàn Chỉ huy pháo binh (Bộ Tham mưu Quân khu 3) thường xuyên tổ chức cơ động người, phương tiện đi thực hiện nhiệm vụ với quãng đường di chuyển dài, qua nhiều loại địa hình; việc giải quyết chế độ nghỉ phép, nghỉ tranh thủ cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ cũng được đơn vị thực hiện theo đúng quy định.

Trực ban Tiểu đoàn Chỉ huy pháo binh kiểm tra giấy tờ, phương tiện của quân nhân trước khi ra khỏi đơn vị. Ảnh: PHẠM QUYẾT

5 năm qua, đơn vị không để xảy ra tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Kinh nghiệm của đơn vị chúng tôi là phải tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức để mỗi quân nhân tự giác chấp hành các quy định về an toàn giao thông; phát huy vai trò của đồng chí trực ban, chỉ huy các đại đội trong quản lý cán bộ, nhân viên, chiến sĩ thuộc quyền khi đi công tác. Kiên quyết yêu cầu cán bộ, chiến sĩ thực hiện nghiêm túc việc đội mũ bảo hiểm thống nhất, đúng quy chuẩn, có dán tên, đơn vị công tác; không để quân nhân sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông... Tiểu đoàn cũng tăng cường công tác kiểm tra kỹ thuật phương tiện định kỳ và trước khi cơ động thực hiện nhiệm vụ. Những dịp nghỉ lễ, tết, chỉ huy đơn vị tổ chức gặp gỡ, nhắc lại các quy định của pháp luật và đơn vị về an toàn giao thông cho bộ đội. Tùy thuộc vào quãng đường, địa hình, phương tiện di chuyển của mỗi đồng chí, trước khi ra khỏi cổng doanh trại, chúng tôi còn dặn dò từng đồng chí các biện pháp bảo đảm an toàn cụ thể...

Bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn xác định phải xử lý nghiêm khắc các quân nhân vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là những trường hợp có thông báo của các cơ quan chức năng...

Thiếu tá ĐÀO THẾ ANH (Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Chỉ huy pháo binh, Bộ Tham mưu Quân khu 3)

-------------------------------------------------------------------

Bảo đảm sức khỏe, sẵn sàng cho mọi hành trình

Tôi nhập ngũ tháng 2-1998 tại Lữ đoàn Pháo binh 168 (Quân khu 2), sau đó được đơn vị cử đi học lớp sơ cấp lái xe. Tốt nghiệp, tôi được điều trở lại Lữ đoàn Pháo binh 168 công tác, đến năm 2009 được điều động đến công tác tại Bộ CHQS tỉnh Lai Châu; năm 2016 được điều chuyển về lái xe Kamaz tại Trung đoàn 652, Cục Hậu cần Quân khu 2. Hơn 20 năm làm nhân viên lái xe, tôi không nhớ mình đã đi bao nhiêu chuyến công tác, lái xe qua bao nhiêu cung đường, được bao nhiêu cây số mà chỉ biết rằng khi có lệnh là lên đường, bất kể ngày hay đêm.

Đại úy QNCN Đinh Hữu Chiến bên chiếc xe Kamaz thân quen. Ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

Tôi thường được giao nhiệm vụ chuyên chở các mặt hàng quân sự và thuốc men, vật tư y tế... đi các tỉnh miền núi, biên giới với cung đường chủ yếu là đèo dốc, một bên là núi cao, một bên là vực sâu, cự ly hàng trăm ki-lô-mét. Quá trình lái xe cũng là quá trình tôi tự học tập, rèn giũa, tích lũy kinh nghiệm. Kinh nghiệm của tôi khi lái xe trên đường đèo dốc là phải đi đúng làn đường, tốc độ, nhất là khi vào những đoạn cua; khi lên dốc cao phải đi số thấp và khi lên dốc số nào thì xuống dốc cũng là số đó. Đồng thời, không được thức khuya để hôm sau bảo đảm sức khỏe, có thể lái xe tập trung tư tưởng cao nhất; không sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khác. Trước khi lái xe đường dài phải kiểm tra kỹ tình trạng kỹ thuật của xe, nhất là hệ thống lốp, phanh, dầu mỡ, bộ phận lái; tuyệt đối không tự ý giao xe cho người khác điều khiển.

Đại úy QNCN ĐINH HỮU CHIẾN (Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Vận tải 652, Cục Hậu cần Quân khu 2)

-------------------------------------------------------------------

Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về an toàn giao thông

Mỗi lần đi phép, tranh thủ, nhất là những dịp nghỉ lễ, tết, trước khi ra khỏi đơn vị, tôi luôn kiểm tra tình trạng kỹ thuật của phương tiện, đặc biệt là hệ thống phanh, lốp để bảo đảm an toàn, đồng thời chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ tùy thân, giấy phép lái xe, giấy nghỉ phép... phòng khi lực lượng chức năng kiểm tra thì xuất trình đúng quy định. Theo tôi, quân nhân khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy phải thực sự gương mẫu, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ; sử dụng mũ bảo hiểm đúng quy cách; tuyệt đối không được phóng nhanh, vượt ẩu, bởi theo thống kê, đa số vụ tai nạn giao thông là do thiếu quan sát, không làm chủ được tốc độ. Trên đường cơ động từ đơn vị về nhà cần nắm chắc lộ trình, chủ động về thời gian, hạn chế đi lại vào khung giờ cao điểm... Do công tác xa, ít có điều kiện về nhà nên khi về thăm gia đình vào dịp cuối năm, chúng ta khó từ chối các buổi tiệc do bạn bè, người thân tổ chức. Tuy nhiên, đã uống rượu, bia thì tuyệt đối không lái xe mà nên sử dụng dịch vụ tắc xi, "xe ôm"... để bảo đảm an toàn. Điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia là vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật Quân đội, nguy hiểm hơn là dễ dẫn đến tai nạn giao thông, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng bản thân và làm liên lụy đến cơ quan, đơn vị.

Trung úy PHAN TRỌNG NGÔN (Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 10, Sư đoàn 4, Quân khu 9)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/bao-dam-an-toan-giao-thong-dip-cuoi-nam-760413