Bảo đảm an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi

Tạo điều kiện cho người chăn nuôi đầu tư phát triển, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tiết kiệm chi phí chăn nuôi, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tập trung xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn, cung ứng cho thị trường sản phẩm chất lượng.

Nông dân xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, nuôi bò nhốt chuồng.

Nông dân xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, nuôi bò nhốt chuồng.

Trang trại nuôi lợn của gia đình anh Trần Như Kiên, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, luôn duy trì trên 1.000 con lợn. Vì vậy, việc phòng, chống dịch bệnh luôn được gia đình đặt lên hàng đầu và tuân thủ đúng quy trình. Kiểm soát quá trình chăn nuôi từ khâu con giống đến việc tìm nguồn thức ăn, tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại. Lợn giống chủ yếu tự sản xuất, được tiêm phòng đầy đủ, thức ăn chế biến phù hợp với độ tuổi, giai đoạn phát triển của lợn, vừa tăng sức đề kháng, vừa đảm bảo chất lượng thịt.

Anh Kiên cho biết: Nuôi lợn quy mô lớn đòi hỏi đầu tư cả về vốn, kỹ thuật, đặc biệt là khâu phòng, chống bệnh để hạn chế tối đa rủi ro. Thường thì 3-5 ngày sẽ phun tiêu độc khử trùng cho trang trại 1 lần, hạn chế tối đa người ra, vào trang trại để tránh lây lan dịch bệnh từ nơi khác. Nhờ vậy, trang trại chăn nuôi của gia đình phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh, mỗi năm thu lợi hàng chục tỷ đồng từ chăn nuôi.

Còn tại 2 cơ sở chăn nuôi lợn của Công ty cổ phần chăn nuôi Lộc Phát BLLT tại huyện Mai Sơn đang nuôi gần 10.000 con lợn nái, lợn thịt thương phẩm, được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh từ tháng 8/2022. Ông Nguyễn Công Bắc, Giám đốc Công ty, cho biết: Để xây dựng cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh, doanh nghiệp luôn tuân thủ đúng 6 khâu về chuồng trại, con giống, thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng, thú y, thị trường. Khi đạt tiêu chuẩn, người chăn nuôi được hưởng lợi nhiều thứ, như được ưu tiên trong việc lựa chọn cung cấp con giống, sản phẩm động vật; được hỗ trợ tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ.

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 520.000 con trâu, bò; hơn 640.000 con lợn và trên 7,6 triệu con gia cầm. Các hộ chăn nuôi chủ yếu xen lẫn với khu dân cư là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Vì vậy, việc xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học là cần thiết. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh mới có 24 vùng, cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh, 6 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi quy mô trang trại.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh, cho biết: Năm 2024, bên cạnh việc duy trì các cơ sở đã được cấp chứng nhận, toàn tỉnh phấn đấu xây dựng 1 vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh lở mồm long móng trâu, bò tại 1 xã thuộc huyện Mộc Châu; 1 vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại động vật ở 1 phường thuộc thành phố Sơn La; 3 cơ sở, trang trại chăn nuôi tập trung được chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh đăng ký. Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thực hiện các giải pháp quản lý chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện công tác quản lý chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh động vật và đánh giá, công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh khi đủ điều kiện.

Xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi và môi trường. Các ngành chức năng của tỉnh đang tập trung tuyên truyền cho người dân chủ động chấp hành việc tiêm phòng vắc xin và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi đăng ký xây dựng an toàn dịch bệnh thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ.

Bài, ảnh: Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/bao-dam-an-toan-dich-benh-trong-chan-nuoi-bxEcRhvSR.html