Bảo đảm an sinh xã hội: Hiệu quả từ những chính sách đặc thù

Bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, là chính sách cơ bản để giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân, thực hiện công bằng, tạo sự đồng thuận xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh. Tại Ninh Bình, công tác bảo đảm an sinh xã hội đã huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nhiều chính sách được ban hành và thực thi hiệu quả trong cuộc sống đã góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của Nhân dân.

Lãnh đạo huyện Yên Mô và nhà tài trợ tặng quà người nghèo nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024. Ảnh: Minh Quang

Lãnh đạo huyện Yên Mô và nhà tài trợ tặng quà người nghèo nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024. Ảnh: Minh Quang

Hiện thực hóa nhà ở cho người nghèo

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội các nhiệm kỳ qua, tỉnh Ninh Bình luôn chú trọng và dành nhiều nguồn lực để thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội (ASXH). Điều này được thể hiện rõ trong Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025: "Bảo đảm ASXH, nâng cao chất lượng giảm nghèo, chú trọng công tác giải quyết việc làm; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp".

Tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cụ thể hóa bằng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch cụ thể, bám sát và phù hợp với thực tiễn địa phương. Nhiều Nghị quyết trở thành "kim chỉ nam", thu hút, tập hợp sự tham gia của nhiều nguồn lực xã hội. Nghị quyết số 43/NQ-HĐND, ngày 10/3/2023 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025 (Gọi tắt là Nghị quyết số 43) là một trong những chính sách tiêu biểu ấy.

Bà Đinh Thị Thanh, anh Nguyễn Văn Tú (huyện Yên Mô) là 2 trong số gần 500 hộ nghèo của tỉnh thuộc đối tượng thụ hưởng đầu tiên của Nghị quyết số 43. Không còn nỗi lo về nhà ở trong mùa mưa bão, ấm lòng khi lần đầu được chuẩn bị đón Tết trong ngôi nhà mới khang trang, những hộ nghèo như bà Thanh, anh Tú không giấu được niềm xúc động. Anh Tú bày tỏ: Khoản hỗ trợ 100 triệu đồng từ Nghị quyết số 43 là một số tiền rất lớn, cả cuộc đời tôi cũng không thể làm ra. Có được sự hỗ trợ này, tôi càng có thêm động lực, quyết tâm để phá bỏ ngôi nhà cũ xuống cấp, huy động thêm kinh phí để xây lên ngôi nhà kiên cố. Tôi rất biết ơn chính sách của tỉnh, sự giúp đỡ của anh em, cộng đồng. Đây là một món quà lớn và ý nghĩa đối với gia đình tôi.

Ông Bùi Văn Vợi, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Mô cho biết: Nghị quyết số 43 của HĐND tỉnh là một chính sách đậm nhân văn dành cho người nghèo. Đây là chính sách đầu tiên có mức hỗ trợ người nghèo xây mới, sửa chữa nhà ở khá cao: 100 triệu đồng/ căn xây mới và 50 triệu đồng/căn sửa chữa. Để chính sách đến đúng đối tượng, phát huy trọn vẹn hiệu quả, ý nghĩa, UBND huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn, các địa phương huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền tới khu dân cư; làm chắc công tác khảo sát để không bỏ sót đối tượng; cẩn trọng, quyết tâm không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách. Ngoài ra, các địa phương, mỗi gia đình, dòng họ… cũng đều có những hoạt động thiết thực, có cách làm riêng để đồng hành cùng chính sách, ủng hộ người nghèo xây, sửa nhà ở. Đến nay, huyện Yên Mô đã hoàn thành được 80 ngôi nhà dành cho hộ nghèo; trong đó, có 65 hộ được hỗ trợ xây mới, 15 hộ được hỗ trợ sửa chữa.

Những năm qua, tỉnh ta đã thực hiện khá tốt công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ người có công… Trên cơ sở nguồn lực, cơ chế, chính sách chung của Trung ương ban hành, tỉnh ta đã chủ động, tranh thủ lồng ghép với ngân sách địa phương và các nguồn lực huy động khác, ban hành các chính sách, đề án đặc thù phù hợp với địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo nói chung, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo nói riêng.

Điển hình, năm 2010, tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành việc xóa nhà tranh tre, dột nát cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo, với 2.660 ngôi nhà được xây mới, sửa chữa, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 62 tỷ đồng; giai đoạn 2015-2020, có 3.253 hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở, với tổng kinh phí trên 120,1 tỷ đồng, được Trung ương đánh giá là tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước làm tốt công tác hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ chính sách có khó khăn về nhà ở.

Dự kiến, trong giai đoạn 2023- 2025, tỉnh ta sẽ trích trên 84 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách để thực hiện Nghị quyết số 43. Hiện nay, có 500 hộ nghèo đã được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở năm 2023, phấn đấu đến năm 2025, 100% hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh sẽ được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa.

Bà Hoàng Thị Ngoan ở xóm 5, xã Như Hòa (huyện Kim Sơn) là 1 trong gần 500 hộ nghèo của toàn tỉnh được hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 43. Ảnh: Minh Quang

Nhiều chính sách đặc thù chăm lo cho người yếu thế

Bước vào giai đoạn 2022-2025, tỉnh ta còn 9.614 hộ nghèo, chiếm 3,07%; 10.881 hộ cận nghèo, chiếm 3,48%. Trong giai đoạn này, số lượng hộ nghèo của tỉnh không còn nhiều, các địa phương, đơn vị liên quan cũng đã nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách đặc thù dựa trên cơ sở nguồn lực của tỉnh và thực sự phù hợp với tình hình thực tế để các chính sách phát huy hiệu quả.

Bà Lê Thị Lựu, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Thách thức lớn nhất trong công tác giảm nghèo ở giai đoạn hiện nay đó là phần nhiều các hộ nghèo là người già, neo đơn, gặp tai nạn rủi ro, bệnh tật… Vì vậy, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, tỉnh ta cũng đã nghiên cứu, ban hành và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù có ý nghĩa rất quan trọng, có diện bao trùm, đa dạng, nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là người yếu thế.

Nhiều chính sách đặc thù được thực hiện đã tạo dấu ấn đậm nét cho công tác đảm bảo ASXH của tỉnh. Điển hình như: Nghị quyết số 23/2020/NQ-HĐND ngày 27/5/2020 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Nghị quyết số 07/2023/NQHĐND của HĐND tỉnh Ninh Bình về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết số 130/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh Ninh Bình ban hành Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và hỗ trợ một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chưa được quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ; Nghị quyết số 61/2022/ NQ-HĐND ngày 27/10/2022 của HĐND tỉnh về việc quy định hỗ trợ kinh phí đóng BHYT đối với một số nhóm đối tượng có đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh.

Đánh giá về Nghị quyết số 61, ông Vũ Xuân Đang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có 152.640 người cao tuổi, chiếm 13,5% dân số. Những năm qua, người cao tuổi trong tỉnh được hưởng các chính sách, như: trợ cấp xã hội, cấp thẻ BHYT, trợ cấp cho người có công, chúc thọ, tặng quà... Nghị quyết số 61 của tỉnh được ban hành với chính sách hỗ trợ 100% kinh phí đóng BHYT đối với nhóm đối tượng người cao tuổi từ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi (nhóm tuổi chưa được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước), giúp họ vơi bớt khó khăn, cải thiện chất lượng cuộc sống, động viên người cao tuổi sống "vui, khỏe, có ích", góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi.

Đặc biệt, với mục tiêu "Không để ai bị bỏ lại phía sau", từ năm 2017, tỉnh ta đã phát động xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội" nhằm huy động các nguồn lực thực hiện tốt hơn công tác tri ân người có công, bảo đảm ASXH. Với sự chung tay, góp sức của các lực lượng trong xã hội, tính đến ngày 25/11/2023, tổng số tiền vận động ủng hộ Quỹ của cả 3 cấp đạt trên 56,7 tỷ đồng.

Từ nguồn Quỹ trên, tính riêng trong năm 2023, đã hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 377 nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa cho người có công, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; giúp 36 lượt hộ nghèo phát triển sản xuất; giúp khám, chữa bệnh cho 498 lượt người; hỗ trợ 4.088 học sinh con hộ nghèo vượt khó vươn lên trong học tập,… góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho các đối tượng chính sách, giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh còn 5.905 hộ nghèo, đạt 1,86% (giảm 0,5% so với năm 2022); 7.207 hộ cận nghèo, đạt 2,27% (giảm 0,54% so với năm 2022). Như vậy, mức giảm số hộ nghèo và cận nghèo năm 2023 vượt 31,7% so với kế hoạch tỉnh giao đầu năm. Ngoài ra, các nhiệm vụ khác như: chăm lo đời sống cho người có công, bảo trợ xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới có nhiều chuyển biến tích cực... đã tạo được những dấu ấn đậm nét trong công tác đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Phan Hiếu-Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/bao-dam-an-sinh-xa-hoi-hieu-qua-tu-nhung-chinh-sach-dac-thu/d20240123080745609.htm