Báo chí là cầu nối thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050

Các cơ quan báo chí là cánh tay đắc lực thực hiện nông nghiệp bền vững, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Cần có sự hợp tác đa bên để xây dựng một nền nông nghiệp tái sinh tại Việt Nam

Ngày 22/7, tại tỉnh Đắk Lắk, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) phối hợp với Công ty Nestle Việt Nam tổ chức chương trình tập huấn cho các cơ quan thông tấn báo chí về phát triển bền vững năm 2022 với chủ đề “COP26 và xây dựng một nền nông nghiệp tái sinh tại Việt Nam”.

Cần có sự hợp tác đa bên để xây dựng một nền nông nghiệp tái sinh tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050

Cần có sự hợp tác đa bên để xây dựng một nền nông nghiệp tái sinh tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050

Thông tin tại chương trình, bà Nguyễn Quỳnh Nga – Phó Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam cho biết, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam thải ra môi trường khoảng 80 triệu tấn khí thải CO2 quy đổi, chiếm trên 30% tổng lượng khí nhà kính toàn quốc. Trong đó gần 70% phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp đến từ các hoạt động trồng trọt, 46% là từ hoạt động canh tác lúa nước.

Trong thời gian tới, Việt Nam đã định hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Như chuyển đổi đối với hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng "xanh", ít phát thải và bền vững, đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân trong đầu tư, phát triển và ứng dụng tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp và nhân rộng mô hình hợp tác công tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các chuỗi giá trị nông nghiệp.

Tại chương trình, đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí đã được cập nhật thông tin các kết quả của hội nghị COP26; Quy định pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô zôn; các giải pháp và lộ trình giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp; vai trò và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trên hành trình hướng tới cam kết NetZero – từ mô hình nông nghiệp tái sinh.

Đáng chú ý, thảo luận tại chương trình, đại diện các chuyên gia, diễn giả cùng nhiều đại diện nhiều cơ quan thông tấn báo chí cho rằng để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu cần có sự hợp tác của các bên liên quan đồng hành cùng nông dân thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng. Trong đó, về phía các cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ ngành như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên Môi trường phải thực hiện được vai trò của mình hỗ trợ doanh nghiệp và người dân giảm phát thải ròng. Thông qua các hoạt động cụ thể như tạo môi trường thuận lợi tối đa có thể để doanh nghiệp sản xuất bền vững, giảm phái thải; đưa ra các hướng dẫn giúp doanh nghiệp kiểm kê, kiểm soát lượng phát thải; thúc đẩy các dự án trồng rừng (bán chứng chỉ carbon).

Huy động được các nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện các chương trình giảm phát thải ròng. Trong đó, bản thân doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất trong thực hiện mục tiêu này. Chính doanh nghiệp phải hướng đến phát triển bền vững.

Mô hình canh tác cà phê bền vững tại tỉnh Đắk Lắk

Mô hình canh tác cà phê bền vững tại tỉnh Đắk Lắk

Báo chí là một cánh tay đắc lực để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững

Đứng trước thách thức về biến đổi khí hậu, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm 30% phát thải mê-tan toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2020. Cùng với việc tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu là xu thế tất yếu nhằm đảm bảo Việt Nam sẽ trở thành nhà cung ứng lương thực thực phẩm minh bạch – trách nhiệm – bền vững cho toàn cầu.

Những cam kết này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu mà còn là nguồn gây phát thải khí nhà kính rất lớn tại Việt Nam.

Để hiện thực hóa các cam kết trên, các cơ quan thông tấn báo chí đóng vai trò qua trọng lan tỏa thông tin, kết nối và là tiếng nói phê bình hiệu quả.

“Báo chí là một cánh tay đắc lực nhằm đẩy mạnh công tác thực hiện nông nghiệp bền vững, kinh tế tuần hoàn chống biến đổi khí hậu nhằm hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển bền vững”, bà Nguyễn Quỳnh Nga nói và cho biết thông qua tọa đàm và chương trình thực tế về mô hình nông nghiệp phát triển bền vững tại tỉnh Đắk Lắk sẽ cung cấp đến các cơ quan truyền thông, báo chí những thông tin hữu ích trong công tác hỗ trợ tuyên truyền thông tin về nông nghiệp xanh và phát triển bền vững, về các thông lệ tốt, các sáng kiến, mô hình kinh doanh hiện đại, bền vững tiêu biểu trong nước và trên thế giới, nhân rộng những mô hình này trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.

Theo đại diện VBCSD, với sự nỗ lực và cống hiến không ngừng nghỉ của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và cơ quan truyền thông hiệu quả, Việt Nam sẽ bắt kịp lộ trình phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; chung tay với các quốc gia trên thế giới kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn, vì một tương lai tốt đẹp hơn.

Đối thoại báo chí về phát triển bền vững là sáng kiến của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI), được triển khai thường niên từ năm 2018, nhằm cung cấp cho các cơ quan thông tấn, báo chí các thông tin cập nhật về các chính sách, định hướng phát triển bền vững của Đảng, Chính phủ, cũng như thực tiễn và các thông lệ tốt trong kinh doanh bền vững của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. Qua đó, VBCSD-VCCI giúp nâng cao nhận thức, hỗ trợ các cơ quan truyền thông tác nghiệp hiệu quả hơn, và thúc đẩy các nhà báo, phóng viên đồng hành chặt chẽ hơn cùng cộng đồng doanh nghiệp trên hành trình kinh doanh có trách nhiệm.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bao-chi-la-cau-noi-thuc-hien-muc-tieu-dua-phat-thai-rong-ve-0-vao-nam-2050-215149.html