Báo Ba Lan: Nga chuẩn bị khôi phục hàng trăm cường kích MiG-27?

Cường kích MiG-27 có thể được khôi phục với số lượng lớn khi Không quân Nga có nhu cầu về máy bay chiến đấu một động cơ giá rẻ.

Theo trang Defense24 của Ba Lan, cường kích MiG-27 nằm trong danh sách những máy bay chiến đấu một động cơ có chi phí vận hành rẻ mà Không quân Nga nên tái sử dụng trong giai đoạn hiện nay.

Giới phân tích cho rằng những chiếc máy bay như MiG-27, MiG-23 có khả năng cơ động tốt, và nếu chúng được sử dụng thì sẽ rất hữu ích cho Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga trong cuộc chiến tiêu hao như hiện nay.

Tuy nhiên tại thời điểm này, mọi việc chỉ dừng lại trong suy nghĩ của các chuyên gia hàng không, khi họ than thở về việc thiếu các loại máy bay hạng nhẹ có sẵn cho tiền tuyến.

Ngoài ra có vẻ như ở một số nước châu Âu, những cân nhắc như vậy của Nga đã gây chú ý và được sử dụng làm cơ sở để đánh giá tiềm năng của Moskva trong việc tiến hành một cuộc chiến toàn diện.

Trang Defense24 nhận xét: "Thông tin từ báo chí cho biết Liên bang Nga dự định chế tạo và đưa vào phục vụ hàng loạt máy bay phản lực một động cơ hạng nhẹ cho hàng không tiền tuyến".

"Đây sẽ là sản phẩm kế thừa thành tựu của MiG-23 và MiG-27 dưới thời Liên Xô, nhưng thiết kế cũng như đặc điểm của chúng phải tính đến kinh nghiệm của cuộc chiến Ukraine".

Tờ báo nói thêm rằng những chiếc MiG-23 và MiG-27 đã bị Nga loại bỏ từ lâu, cũng như dây chuyền sản xuất chúng. Mặc dù vậy về mặt lý thuyết, máy bay "kế nhiệm" hoàn toàn có thể dựa trên thiết kế tương tự MiG-23.

Ngoài ra khi các nhà phân tích của trang Defense24 còn cho rằng nếu người Nga tiếp tục tạo ra một chiếc "MiG-23 2.0" để hỗ trợ trực tiếp cho nhu cầu của quân đội, thì điều này sẽ đặt ra câu hỏi về triển vọng của dự án Su-75 Chekmate.

Nhưng trước bối cảnh đó, vấn đề đào tạo hàng loạt phi công cho chiếc MiG-23 2.0 này sẽ còn gay gắt hơn, bởi không dễ để vận hành một tiêm kích cánh cụp cánh xòe khó điều khiển như vậy.

Quay lại loại máy bay đang được nhắc tới, cường kích MiG-27 là phiên bản tấn công mặt đất được phát triển từ tiêm kích cánh cụp cánh xòe MiG-23, cho nên giữa hai loại máy bay có rất nhiều nét tương đồng về ngoại hình.

Thay đổi đáng kể nhất so với MiG-23 là khung thân MiG-27 to hơn một chút cho phù hợp với việc mang tải trọng vũ khí nặng, đi kèm phần mũi sửa đổi kiểu "mỏ vịt" để loại bỏ radar và thay thế bằng hệ thống dẫn đường quang điện tử.

Máy bay cường kích cánh cụp cánh xòe MiG-27 có chiều dài 17,08 m; sải cánh 13,97 m khi xòe và 7,78 m khi cụp; chiều cao 5 m; trọng lượng rỗng 11, 9 tấn; trọng lượng cất cánh tối đa 20,6 tấn.

Trái tim của cường kích MiG-27 chính là động cơ turbine phản lực Khatchaturov R-29B-300 cung cấp lực đẩy khô 78,5 kN và lên tới 112,8 kN khi đốt nhiên liệu phụ trội.

Chiếc chiến đấu cơ đặc biệt này đạt tốc độ tối đa 1.885 km/h ở độ cao lớn hay 1.350 km/h khi bay bám biển; bán kính chiến đấu 780 km; tầm bay chuyển sân 2.500 km; trần bay 14.000 m; vận tốc leo cao 200 m/s.

MiG-27 mang được 4 tấn vũ khí trên 7 giá treo ở cánh và thân, bao gồm các loại bom, tên lửa không đối đất điều khiển bằng laser, TV hay bom rơi tự do, máy bay còn có 1 khẩu pháo GSh-6-30 cỡ 30 mm với cơ số 260 viên đạn.

Trong khi thực hiện nhiệm vụ trên chiến trường, MiG-27 thường mang tên lửa không đối không tầm ngắn R-60 để tự vệ, tuy vậy khả năng không chiến của nó khá hạn chế.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bao-ba-lan-nga-chuan-bi-khoi-phuc-hang-tram-cuong-kich-mig-27-post573826.antd