Bánh, mứt truyền thống vào mùa Tết

Sau rằm tháng Chạp, các hàng làm bánh, mứt truyền thống bắt đầu tất bật cung cấp những mẻ hàng thơm phức phục vụ nhu cầu sắm Tết của người dân.

Tăng lượng hàng sản xuất

Những ngày này, lò bánh thuẫn của bà Võ Thị Đào (76 tuổi, tổ dân phố 2 Phước Lộc, phường Phước Long, TP. Nha Trang) đỏ lửa từ sáng đến chiều. Từ 3 giờ sáng, bà Đào đã dậy đánh trứng, đường, trộn bột rồi chế thêm nước gừng, vani. Công đoạn này kéo dài khoảng 1,5 giờ, cả đánh bột bằng máy và bằng tay để nguyên liệu sánh mịn, giúp mẻ bánh ra lò nở đều, thơm ngon, không còn mùi trứng và giữ được độ mềm, xốp dài ngày. Đánh bột xong, bà đặt khuôn lên lò than củi nóng, phết dầu khắp mặt khuôn, chờ thật nóng rồi đổ bột vào từng ô, đậy nắp, bỏ thêm than lên nắp đậy để khuôn bánh nóng đều, chờ chừng 5 phút cho bánh chín. Dịp này, mỗi ngày bà Đào sử dụng đến 10kg bột, gấp 3 ngày thường. Con trai, con dâu cũng tranh thủ phụ bà làm bánh...

Để kịp cung cấp bánh thuẫn cho thị trường Tết, con trai bà Võ Thị Đào cũng tranh thủ phụ giúp mẹ.

Để kịp cung cấp bánh thuẫn cho thị trường Tết, con trai bà Võ Thị Đào cũng tranh thủ phụ giúp mẹ.

Bánh thuẫn được xem như đặc sản của người miền Trung. Khi chín, bánh có màu vàng tươi, nở đều như những bông mai bung cánh, nên người dân thường mua để thờ cúng dịp Tết; người ở quê còn để đãi khách ngày Tết. Bà Đào cho biết, một số người còn đặt bánh để gửi biếu người thân ở nước ngoài để vơi nỗi nhớ Tết quê. Bà Trần Thị Châu (phường Phước Hải, TP. Nha Trang) nói: “Bàn thờ tổ tiên có bánh chưng, bánh tét, bánh thuẫn, bánh in… là thấy Tết ấm”.

Ở thị xã Ninh Hòa, chị Nguyễn Thị Trầm (34 tuổi, thôn Vĩnh Thạnh, xã Ninh Trung) gói bánh chưng, bánh tét bán đã gần 10 năm. Những ngày này, lượng gạo nếp chị dùng gói bánh tét đã tăng từ 20kg lên 50kg/ngày, chưa kể số gạo khách đặt gói riêng. Chị Trầm cho biết, gói bánh tét không khó, nhưng để gói được chiếc bánh đẹp thì phải biết lăn cho phần nhân nằm ở tâm bánh, gấp nếp lá cho kín, giữ và buộc dây thật nhanh, đều, chặt để bánh khi luộc không bị thấm nước, đòn bánh thon dài đẹp mắt. Khi luộc phải chú ý giữ lửa mạnh và đều khoảng 10 tiếng thì khi vớt ra để nguội, lá gói bánh mới xanh, bánh mềm dẻo. Còn ở tổ 2 thôn Vĩnh Điềm Trung, xã Vĩnh Hiệp (TP. Nha Trang), những ngày này, vợ chồng bà Hồ Thị Đắc Lợt (49 tuổi) cũng huy động 10 nhân công, gấp 3 ngày thường, để gói và luộc bánh chưng, bánh tét. Lượng gạo nếp cũng tăng từ 40-60kg lên chừng 4 tạ/ngày. "Nhà tôi gói bánh chưng, bánh tét chay, mặn với nhiều cỡ, đáp ứng nhiều nhu cầu. Nguyên liệu đều được lựa cẩn thận. Năm nay, lượng khách có xu hướng tăng hơn năm ngoái", bà Lợt cho biết. 26 năm làm nghề này đã giúp vợ chồng bà trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học đầy đủ và cũng giúp một số phụ nữ làm nghề gói bánh thuê ở đây có thu nhập hơn 100.000 đồng/ngày.

Vợ chồng bà Hồ Thị Đắc Lợt phải tăng nhân công, chia ca làm để kịp cung cấp bánh chưng, bánh tét cho thị trường Tết.

Vợ chồng bà Hồ Thị Đắc Lợt phải tăng nhân công, chia ca làm để kịp cung cấp bánh chưng, bánh tét cho thị trường Tết.

Bếp luộc bánh chưng, bánh tét của nhà bà Hồ Thị Đắc Lợt thường xuyên đỏ lửa.

Bếp luộc bánh chưng, bánh tét của nhà bà Hồ Thị Đắc Lợt thường xuyên đỏ lửa.

Căn bếp nhỏ ở tổ dân phố 5 Hòa Nam, phường Vĩnh Hòa (TP. Nha Trang) những ngày này cũng dậy mùi thơm của mứt. Vừa sên 3 chảo mứt, bà Nguyễn Thị Liên (53 tuổi) vừa vui vẻ cho biết, khoảng chục năm nay, cứ đến gần Tết, bà lại làm mứt, một phần vì yêu cái cảm giác chộn rộn chuẩn bị đón Tết, phần vì cũng có thêm chút thu nhập. Mỗi ngày, bà làm khoảng 3kg gừng, 3kg dừa. Cũng mê làm bếp, con gái bà còn sắm cả lò nướng chuyên nghiệp để làm bánh quy bán. Hương thơm của gừng, dừa, vani cứ thoang thoảng trong căn bếp nhà bà Liên, gợi cảm giác sắp đến Tết…

Bà Nguyễn Thị Liên sên mứt trên cả 3 bếp để kịp có hàng bán.

Bà Nguyễn Thị Liên sên mứt trên cả 3 bếp để kịp có hàng bán.

Giữ vị xuân xưa

Dù không có bề ngoài bắt mắt như các loại bánh sản xuất công nghiệp, nhưng dường như các loại bánh, mứt truyền thống vẫn có chỗ đứng nhất định trong thị trường hàng Tết. Bà Nguyễn Thị Nga (73 tuổi, phường Phước Hải) nói: "Bánh tét, bánh chưng trong mâm cúng ngày Tết tượng trưng cho mong ước có một năm mới đủ đầy, hạnh phúc. Phong tục thờ cúng bánh chưng, bánh tét ngày Tết bao năm cũng không thay đổi".

Bà Nguyễn Thị Cúc, người bán hàng tại chợ Phước Hải cho biết, từ rằm tháng Chạp trở đi, lượng khách hàng đến tiệm của bà mua hoặc đặt trước các loại bánh in, bánh thuẫn bắt đầu tăng dần. Các mặt hàng như bột mì, bột báng, nếp, đường, đậu xanh… là những mặt hàng được nhiều người hỏi mua từ cuối tháng 11 âm lịch. Nhiều người dân quan niệm, ngày Tết phải có mấy phong bánh in bày trên bàn thờ mới đẹp; còn bánh thuẫn được xem là loại bánh không thể thiếu trong lễ cúng ông Táo.

Ngày nay, cuộc sống hiện đại, bận rộn, nhiều người ít có thời gian tự làm bánh truyền thống, vốn đòi hỏi sự công phu, khéo léo. Tuy nhiên, bánh truyền thống ngày Tết không vì thế mất đi vị trí riêng. Nhiều người đã chọn cách mua sẵn hoặc đặt làm ở các lò bánh thủ công. Nhờ những người thợ lành nghề, các loại bánh truyền thống vẫn giữ được hương vị vốn có, đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời mang lại thu nhập cho thợ làm bánh.

NGUYỄN THIỀU

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/doi-song/202401/banh-mut-truyen-thong-vao-mua-tet-de6581b/